(ĐS&PL) Tôi vốn không tin vào định mệnh tuyệt đối nhưng rồi chính tôi lại bị thuyết phục bởi những điều thuộc về định mệnh. Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn với những chiến công hiển hách của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ là một trong những định mệnh như thế.
Cách đây tròn 20 năm (đúng vào ngày 7/5/1999 kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ) từ một cơ duyên tình cờ mà tôi may mắn được gặp một người đồng chí thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Nhà báo Đỗ Phượng. Suốt 17 năm sau đó, tôi vinh dự được theo ông và được chứng kiến mối quan hệ thân mật giữa ông và Đại tướng như một định mệnh.
Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam thống nhất Đất nước 30/4, ngày Quốc tế lao động 1/5, ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu 19/5 là cố nhà báo Đỗ Phượng thường đến thăm gia đình Đại tướng và có những bài viết, bài nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Trước khi trút hơi thở cuối cùng về với cõi Bác Hồ, nhà báo Đỗ Phượng vẫn trong dòng cảm xúc về hai con người rất đặc biệt mà ông và các đồng chí thân thiết của mình vẫn quen gọi trìu mến trân trọng là "ông Cụ" và "anh Văn". Và tôi vinh dự có phần lớn thời gian được gần gũi giúp ông sưu tầm tìm lại những tư liệu quý về hai con người rất đặc biệt trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng giới thiệu những đổi mới của TTXVN, trong chuyến thăm TTXVN ngày 16/3/1994, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/1994). Ảnh: Thu Hoài – TTXVN |
Những tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đem lại cho tôi sự ngỡ ngàng đầu tiên là những dấu mốc quan trọng thường gắn với con số 9 và Thứ 6: Đại tướng đồng hành cùng dân tộc 9 năm làm một Điện Biên (1945 - 1954); Trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trực tiếp làm tư lệnh 9 chiến dịch: Việt Bắc 1947, Biên giới 9/1950, Trung du 13/1950, Đông Bắc 1951, Đồng Bằng 1951, Hòa Bình 1951, Tây Bắc 1952, Thượng Lào 1953, Điện Biên Phủ 1954); Đại tướng được kết nạp Đảng năm 29 tuổi (1940); Đại tướng có 29 năm làm việc bên Bác Hồ (1940_1969); Đại tướng thôi giữ chức bộ trưởng năm 69 tuổi 1980; Đại tướng là một trong những người được ghi vào cuốn sách "59 vị nguyên soái huyền thoại của nhân loại" trong 2.500 năm qua; Đại tướng mất năm 2013 sau 59 năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ (1954); Đại tướng mất 2013 sau 69 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944); Tính từ ngày Đại Tướng mất( 4/10) đến kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) là 79 ngày...
Và những sự kiện quan trọng trên thường diễn ra vào ngày "Thứ 6": Ngày sinh của Đại tướng:Thứ 6 ngày 25 tháng 8 năm 1911; Ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam: Thứ 6 ngày 22 tháng 12 năm 1944; Ngày ông được phong quân hàm Đại tướng: Thứ 6 ngày 28 tháng 5 năm 1948; Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ: Thứ 6 ngày 7 tháng 5 năm 1954; Ngày đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời cũng là ngày Thứ 6 ngày 4 tháng 10 năm 2013...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được giới sử học trong và ngoài nước ca ngợi là vị tướng huyền thoại ngay khi còn tại thế là bởi 10 đặc điểm rất đặc biệt gắn với con số 9 và thứ 6 nói trên mà ít có vị tướng tài nào trên thế giới có được:
1. Vị Đại tướng trưởng thành từ nghề báo và không qua đào tạo tại trường quân sự chuyên nghiệp
Trước khi trở thành Đại tướng ông là giáo viên dạy sử học, viết báo. Ông tham gia hoạt động báo chí chuyên nghiệp kể từ tháng 4 năm 1927 khi ông tham gia bãi khoá, phản đối việc ông Nguyễn Chí Diểu bị đuổi học. Giai đoạn này, ông bị chính quyền thực dân xếp vào hàng “phần tử chống đối” và bị đuổi khỏi trường Quốc học Huế.
Được một số vị tiền bối nhà cách mạng giới thiệu, ngày 28/9/1929, ông về làm việc ở báo Tiếng Dân cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế. Bài biết đầu tiên của ông trên tờ báo này là bài “Vũ trụ và tiến hoá”. Với phong cách chính luận sâu sắc, ông trở thành một cây bút chính phụ trách chuyên mục “Thế giới thời đàm” trên tờ báo này với 27 bài đăng trên 36 số ký bút danh Vân Đình.
Sau một thời gian hoạt động ở ngoài Bắc, ông nhận thấy chính quyền thực dân kiểm duyệt rất chặt chẽ nội dung và điều kiện phát hành của những tờ báo bằng tiếng Việt gây trở ngại cho việc tuyên truyền tư tưởng cách mạng nên ông cùng một số cây bút tên tuổi khác cho ra đời tờ báo bằng tiếng Pháp với tên gọi là Le Travail (Lao Động) đúng thời điểm Mặt trận Bình Dân (1936 – 1939).
Tờ Le Travail phát huy được vị thế của mình trong mặt trận đấu tranh dân chủ và tuyên truyền những tư tưởng cách mạng và phản ánh trung thực đời sống, tình cảnh của nông dân, bãi công và về vấn đề tự do của các tổ chức chính trị. Chính vì thế, tờ báo này đã nhanh chóng trở thành diễn đàn của Liên xứ uỷ Bắc kỳ và Trung kỳ.
Tiếp sau đó, ông đã cùng với giáo sư Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Hải Triều cho ra đời tờ Hồn Trẻ, một tờ báo tiếng Việt đầu tiên công khai cổ động đấu tranh cho dân sinh, dân chủ, đòi đại xá chính trị phạm, ủng hộ Mặt trận Bình dân Pháp và tập hợp nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân..
Tờ Hồn trẻ nhanh chóng phát huy được vị thế của mình, có lượng độc giả và phát hành lớn. Học sinh trường Thăng Long – Hà Nội tình nguyện đi bán báo và góp tiền ủng hộ báo. Thấy rõ sự “nguy hại” của Hồn trẻ, các nhà cai trị thực dân vội vã đóng cửa báo sau khi ra được 12 số.
Trong suốt thời kỳ Mặt trận bình dân, ông đã đảm nhiệm hầu hết các khâu của nghề báo, từ viết xã luận, thời đàm nghị luận, điều tra, phóng sự, biên tập, duyệt bài, sắp xếp nội dung… cho tới bố cục, lên trang, trình bày, đưa nhà in, sửa morrasse và không ít khi đảm nhiệm cả việc phát hành báo. Nhà báo Võ Nguyên Giáp xem viết báo như một nghĩa vụ và trách nhiệm, không có nhuận bút và phụ cấp, ông sống thanh bạch nhờ lương nghề giáo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm báo ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng; Ảnh tư liệu |
Trong giai đoạn này, ông là một trong số những cây bút chủ lực của Báo Thời gian, Báo Notre Voix nên đã kết nối, đăng tải loạt bài của tác giả P.C.Lin (một bút danh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc) được gửi về từ Trung Quốc.
Ngày 24/4/1937, tại Đại hội Báo giới Bắc kỳ lần thứ nhất, nhà báo Võ Nguyên Giáp được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban Báo chí Bắc kỳ. Tháng 5/1940, nhà báo Võ Nguyên Giáp và ông Phạm Văn Đồng được Xứ uỷ Bắc kỳ cử sang Vân Nam (Trung Quốc) hoạt động. Từ đây, nhà báo cách mạng Võ Nguyên Giáp được hoạt động cách mạng, được làm báo cùng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Trên chặng cuối của cuộc đấu tranh giành lại độc lập dân tộc những năm 1941 – 1945, nhà báo Võ Nguyên Giáp đảm nhận nhiều công việc chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc Tổng khởi nghĩa đang đến gần nhưng ông vẫn hoàn thành xuất sắc những công việc tuyên truyền của một nhà báo cách mạng. Ngay sau chiến thắng đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ông cho ra tờ báo viết tay lấy tên là Tiếng súng reo.
Trong những tháng ngày chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám năm 1945, ông đã để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam. Giai đoan này, ông làm chủ bút, chỉ đạo biên tập 5 số đầu tiên (từ 20/6 đến 5/8/1945) của báo Nước Nam mới của Khu Giải phóng, viết bài chỉ đạo cho báo Việt Nam Độc lập của Mặt trận Việt Minh, cho ra đời tờ Quân Giải phóng của Việt Nam Giải phóng quân…
Trên số báo đầu tiên của tờ Quân Giải phóng ra ngày 5/8/1945, dưới bút danh Trí Dũng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã viết bài quan trọng tổng kết, rút kinh nghiệm các cuộc chiến đấu vừa qua. Đây là bài báo có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên tích cực quân và dân ta đấu tranh vũ trang trong cao trào tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công.
Sau ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ngày 2/9/1945, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được Đảng, Chính phủ giao đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng trong quân đội. Thời gian này, ông vẫn tham gia hoạt động báo chí với những bài viết chỉ đạo các vấn đề về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng từng bước phát triển vững mạnh.
Năm 1948, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phong cho ông quân hàm Đại tướng thì trước đó, ông đã được trưởng thành qua hoạt động chính trị, đi vận động quần chúng, phát triển lực lượng vũ trang, thành lập và xây dựng đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Qua tôi luyện bằng thực tiễn chiến đấu và tiếp thu, nghiên cứu học tập kinh nghiệm đánh giặc của dân tộc ta và trên thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng kiệt xuất mà không học qua bất cứ một trường quân sự nào.
2. Vị Đại tướng ở tuổi 37 trẻ nhất trong lịch sử quân sự Thế giới
Ngày 20/1/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110-SL phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân tự vệ. Ngày 25/8/1948, tại xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, diễn ra lễ thụ phong hàm Đại tướng cho Võ Nguyên Giáp.
Ông là quân nhân đầu tiên không qua các cấp trung gian, cấp bậc quân hàm trong quân đội. Được đặc cách phong quân hàm Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi và cũng là vị Đại tướng trẻ tuổi nhất nhưng cũng hiển hách nhất.
Sắc lệnh phong hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp và ảnh đồng chí Võ Nguyên Giáp năm 1948. Ảnh tư liệu |
3. Vị tướng gần gũi, là học trò xuất sắc nhất của Lãnh tụ Hồ Chí Minh
Tháng 6/1940, tại Côn Minh (Trung Quốc), ông Võ Nguyên Giáp được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và từ đó, ông luôn có may mắn và vinh dự được sống và chiến đấu bên cạnh Người, được Người dìu dắt, giao nhiệm vụ, rèn luyện thử thách trong thời kỳ đầu cách mạng.
Ngày 22/12/1944, tại Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đội quân đó đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1950, trước khi mở màn chiến dịch Biên giới, ông đã cân nhắc và chọn điểm đột phá giữa thị xã Cao Bằng và Đông Khê. Sau khi trực tiếp nắm tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định bỏ Cao Bằng, đánh Đông Khê để mở màn cho chiến dịch. Đây là quyết định lịch sử đầu tiên của ông có ý nghĩa “đánh điểm, diệt viện”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Trước khi khai màn chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là Tổng Tư lệnh, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minhcăn dặn: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn bạc thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng”. Đặc biệt, trong chiến dịch này, ông đã thay đổi phương châm đánh từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để làm nên Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của ông.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, khi tình thế cấp bách, trước thời khắc vận mệnh của lịch sử, nắm bắt thời cơ chiến lược, ông đã hạ lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”. Mệnh lệnh đó ngay lập tức đã được truyền đạt tới toàn quân và trở thành một sức mạnh phi thường để rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam từ 2 năm (1975-1976) xuống 1 năm (1975) và cuối cùng là 55 ngày đêm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
4. Vị tướng hậu cần vĩ đại nhất mọi thời đại
Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương và được cả Pháp lẫn Mỹ cho rằng đây là “pháo đài bất khả xâm phạm”, “con nhím khổng lồ giữa núi rừng Tây Bắc”.
Trong chiến tranh hiện đại thì hỏa lực là yếu tố vô cùng quan trọng góp phần quyết định sự thắng bại. Trong điều kiện địa hình núi rừng Tây Bắc hiểm trở, quân ta khó có thể đưa được các loại pháo lớn vào thung lũng Mường Thanh. Tuy nhiên, các tướng Pháp tại Điện Biên Phủ đã không ngờ đến sự sáng tạo của quân đội ta là tháo rời từng bộ phận của khẩu đại bác và súng hạng nặng, sau đó vận chuyển bằng các phương tiện thô sơ để mang lên các ngọn đồi, lắp ráp lại để tấn công bằng những đòn khai hỏa. Chính các lực lượng pháo binh, pháo cao xạ tại chiến trường Điện Biên Phủ đã làm cho nhiều toán lính Pháp choáng váng và mọi toan tính của Pháp bị đảo lộn.
Tướng Nava từ không ngờ đến bất ngờ dẫn đến phải chấp nhận bất lực vì những chiếc xe đạp thồ chất đầy lương thực, vũ khí, thuốc men, đạn dược được điều khiển bởi những con người bằng ý chí “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, của những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến phục vụ chiến đấu và chiến đấu.
Nhà sử học người Mỹ Cecil B.Currey đã viết “Võ Nguyên Giáp là vị tướng duy nhất trong lịch sử hiện đại tiến hành chiến đấu chống kẻ thù từ thế vô cùng yếu, thiếu trang bị, thiếu tài chính nhưng là một vị tướng hậu cần vĩ đại của mọi thời đại”.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) khẳng định nghệ thuật quân sự Việt Nam và tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
5. Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam được thể hiện trong chiến dịch không cân sức: Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhận xét về nghệ thuật quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo nói: “Võ Nguyên Giáp là bậc thầy của cách đánh. Anh luôn tìm ra cách đánh độc đáo và sáng tạo. Anh là vị thống soái có tài thao lược kiệt xuất”.
Trong mỗi trận đánh, ông đã bộc lộ tài năng kiệt xuất với những sáng tạo nghệ thuật quân sự độc đáo, trên cơ sở kế thừa có hiệu quả nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên và những chỉ dẫn của Hồ Chủ Tịch, tiếp thu và học tập nghệ thuật quân sự Đông-Tây.
Ông đã phát huy lên tầm cao mới nghệ thuật chiến tranh nhân dân trở thành một nét đặc sắc trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là cuộc chiến tranh toàn dân tham gia, toàn diện trên các mặt trận, kết hợp quân sự, chính trị và ngoại giao, kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy.
Chiến thắng Điện Biên Phủ 65 năm trước là sự thể hiện nhãn quan chính trị của ông trong việc đáng giá thời cơ chiến lược, bảo đảm chắc đánh chắc thắng. Ông không bao giờ chấp nhận một chiến thắng mà phải trả bằng mọi giá.
Vì vậy, ông là người sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo chưa hề có trong lịch sử chiến tranh cả ở Việt Nam và trên thế giới như phương châm tác chiến “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung”, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc, tiến chắc, “đánh điểm diệt viện”, kết hợp “vận động chiến với công kiên chiến”.
Chính nghệ thuật quân sự và cách đánh độc đáo đã gây cho đối phương nhiều bất ngờ, lúng túng và bị động đối phó, làm chuyển hóa căn bản trong tương quan lực lượng, gây suy yếu cho địch và đánh bại hoàn toàn ý chí gây chiến tranh xâm lược trong khi Pháp quân đang hùng, tướng đang mạnh, vũ khí đang đầy kho.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara năm 1997 |
6. Vị tướng duy nhất đánh bại Đế quốc thực dân kiểu cũ - Pháp và Đế quốc thực dân kiểu mới - Mỹ
Theo hãng tin AFP của Pháp, “tướng Giáp được xem là một trong những nhà chiến lược quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử và là kiến trúc sư cho các chiến thắng lẫy lừng chống lại Pháp và Mỹ”.
Trong 30 năm làm Bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng Tư lệnh quân đội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1946-1976), ông đã tổ chức chỉ huy quân và dân ta lần lượt đánh bại các đạo quân xâm lược của phát xít Nhật để giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau đó là đánh thắng đội quân viễn chính Pháp gần 20 vạn tên, và cuối cùng là đánh bại đội quân xâm lược tinh nhuệ của đế quốc Mỹ 54 vạn quân cùng 6 vạn quân đồng minh của Mỹ.
Nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti viết: “Ông vẫn còn lưu lại trong lịch sử như một trong những Tổng Tư lệnh chiến tranh vĩ đại của thế kỷ XX, người duy nhất liên tục đánh bại Pháp và hạ thủ Mỹ”.
Trong lịch sử thế kỷ XX, thế giới không có một vị tướng nào như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng đã đánh bại nhiều tướng nhất và được cả thế giới vinh danh. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), một loạt các tướng nổi tiếng của nước Pháp lần lượt bị ông đánh bại: Philippe Le Clere, Etienne Valluy, C.Blaijat, M.Corgente, Delattre De Tassigny, Raul Salan, Cogny, Nava, Ely.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), từ năm 1955 đến năm 1960, Mỹ đã phải thay 2 Đại sứ Mỹ ở miền Nam.Từ 1961 đến 1964, tướng Harkins bị triều hồi. Tháng 8/1964, Tổng tư lệnh William Westmorland thay thế Paul Harkins và trở thành vị chỉ huy cấp cao nhất của quân đội Mỹ tại chiến trường miền Nam Việt Nam.
Từ năm 1962 đến 1968, tướng R.McNamara sang Việt Nam với vai trò là “kiến trúc sư trưởng” nhưng liên tiếp không được như Mỹ mong đợi với sự phá sản của các chiến lược, kế hoạch chiến tranh ở miền Nam. Từ năm 1965 đến 1975, Tổng Tư lệnh C.Abrams được thay bằng tướng F.C. Weyand nhưng chính vị tướng này lại là người cuốn cờ để rút quân về Mỹ. Như vậy, Mỹ đã phải 4 lần thay tướng Tổng Tư lệnh. Ngoài ra, quân đội Mỹ còn bị thương vong 20 tướng khác trong chiến tranh Việt Nam.
Người dân Mường Phăng chào đón Đại tướng về thăm sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. |
7. Vị tướng trở thành huyền thoại khi đang sống
Ducan Townson, tác giả cuốn sách “Những vị tướng lừng danh”, xuất bản tại London đã viết: “Võ Nguyên Giáp là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua, từ thời Alexandre Đại đế đến Hannniban rồi đến thời cận hiện đại với Kutudop, Giucop..., những người đã có chiến công tạo nên bước ngoặt của nghệ thuật chiến tranh”.
“Tân bách khoa toàn thư” của nước Anh trong chuyên mục giới thiệu các danh tướng thế giới từ cổ đại cho đến ngày nay đã giới thiệu 2 danh tướng Việt Nam là Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương - Trần Hưng Đạo và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong cuốn sách được xuất bản tại Anh năm 2008 mang tựa đề “Những nhà lãnh đạo quân sự lớn và những chiến dịch của họ” giới thiệu 59 nhân vật danh tiếng nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của thế giới trong 2.500 năm qua, thứ tự được xếp theo trình tự thời gian từ cổ đến kim.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lựa chọn là nhân vật thứ 59, tức là nhân vật nổi bật nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 cho tới hiện nay, và cũng là người duy nhất trong 59 nhân vật vẫn còn sống khi cuốn sách được xuất bản. Và ông cũng là một trong số ít các nhân vật lịch sử của nhân loại trở thành huyền thoại ngay cả khi đang còn tại thế.
8. Vị tướng thiên tài quân sự nổi bật nhất trong thế kỷ XX được chính những đối thủ của mình nể phục
Năm 1984, trong Hội nghị các nhà nghiên cứu quân sự hàng đầu thế giới được tổ chức tại thủ đô Vương quốc Anh đã nhất trí bầu chọn Võ Nguyên Giáp là 1 trong 10 vị tướng huyền thoại xuất sắc nhất mọi thời đại của nhân loại.
Kỷ niệm 60 năm ngày phát hành số đầu tiên của Time Asia (Thời báo châu Á) với số đặc biệt đã giới thiệu danh sách các “Anh hùng châu Á”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tạp chí này đánh giá là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn đến cục diện khu vực trong những thập niên nửa cuối thế kỷ XX.
Nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, nhà chính trị, quân sự trên thế giới cũng đánh giá ông là “Một thống soái vĩ đại”, một thiên tài quân sự lớn nhất của thế kỷ XX và là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của mọi thời đại.
Điểm khác biệt lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà hiếm có vị tướng nào trên thế giới làm được, đó là sự nể phục và quý trọng của các vị tướng từng bại dưới tay ông. Tướng De Castries thất bại trước tướng Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã phải thừa nhận: “Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp. Tôi ngưỡng mộ và kính phục ông”.
Tướng Mỹ là Willliam Westmoreland thì nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Mọi đức tính tạo thành một nhà lãnh đạo quân sự lỗi lạc như sự quyết đoán, sức mạnh tinh thần, khả năng tập trung trí tuệ và hành động, trí thông minh, tất cả đều có ở tướng Giáp – một vị chỉ huy vĩ đại”.
Đặc biệt trong cuộc gặp lịch sử giữa cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Robert McNamara với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 1997, chính tướng Chester Cooper của phía Mỹ đã bày tỏ thái độ ngưỡng mộ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thưa ngài, tôi thán phục ngài từ 20 năm trước. Nay tôi vẫn thán phục. Chắc các bạn của tôi ở đây cũng sẽ như vậy”. Và ngay cả một cựu lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam là James G.Zumwalt đã phải thốt lên: “Tôi chỉ có thể nói rằng, ông ấy là vị tướng vĩ đại nhất thuộc về một thế hệ vĩ đại nhất của Việt Nam”.
9. Vị tướng mang "tư duy xanh" của một trí tuệ siêu việt, một nhà văn hóa, giáo dục lớn
Một trong những điều mà tôi đặc biệt ấn tượng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có "tư duy xanh". Ông luôn quan tâm đến giáo dục đào tạo con người mới thích ứng với yêu cầu mới của sự phát triển, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Hơn 20 năm trên cương vị lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam của cố nhà báo Đỗ Phượng cũng bắt nguồn từ cảm hứng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về lĩnh vực này. Ông động viên những người đồng chí của mình dấn thân vào việc phát triển Sinh Vật Cảnh không chỉ ở góc độ một thú chơi nhân văn tao nhã mà ở góc độ một cuộc cách mạng bảo vệ cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sinh thái, di tích lịch sử và danh thắng đất Việt. Đây là việc làm thiết thực để học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện trong phong trào Tết Trồng cây do Người phát động ngày 28/11/1959.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người truyền cảm hứng và tiên phong trong "tư duy xanh" |
Tại Hội thảo khoa học về văn hóa Sinh vật cảnh Việt Nam ngày 06/09/1992, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh:"Con người là một bộ phận của thiên nhiên, phải sống hài hòa với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên, biết làm chủ thiên nhiên để làm cho thiên nhiên là một nguồn sống của mình. Nếu con người tự tách mình ra khỏi thiên nhiên, nói cải tạo thiên nhiên mà lại đi với hoại hủy thiên nhiên thì đó là hành động trái với quy luật dẫn tới tai họa không thể lường hết được. Ta nên có kế hoạch vừa phát triển kinh tế gia đình vừa đi tới sản xuất lớn, tận dụng đặc điểm của của nước ta là nơi hội tụ nhiều nguồn động vật, thực vật, có nhiều loại cây, loại hoa,loại quả, có nhiều vùng đặc sản nổi tiếng, tận dụng những vùng có điều kiện thuận lợi như Đà Lạt, Ba Vì, Cúc Phương và nhiều nơi khác vốn có truyền thống trồng hoa, cây cảnh, nuôi chim, cá cảnh. Làm được như vậy thì ta vừa được kinh tế vừa được văn hóa. Muốn vậy thì ta phải có sự đầu tư vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có sự tham gia của lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương và trước hết là làm sao để mọi người nhận thức được sâu sắc những giá trị về nhiều mặt của Sinh vật cảnh Việt Nam".
Từ cảm hứng "tư duy xanh" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lĩnh vực Sinh Vật Cảnh trong suốt 30 năm qua (1989 - 2019), Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ một thú chơi của giới thượng lưu trong xã hội đã phát triển thành một ngành kinh tế sinh thái thu hút trên 4 triệu lao động và có những đóng góp tích cực trong giá trị xuất khẩu trên 4 tỷ USD của nhóm ngành Rau, củ, hoa, quả, cây cảnh hàng năm. Sinh Vật Cảnh từ năm 2018 được Chính phủ công nhận là một trong 7 nhóm ngành quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta.
Con theo ông Howard Limbert (một chuyên gia hang động thuộc Hiệp hội Hang động hoàng gia Anh), cách đây gần 30 năm, khi mà Việt Nam còn thiếu ăn, thiếu mặc thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến việc bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế. Chỉ trong một lần ngắn ngủi được gặp và nghe Đại tướng nói chuyện, ông đã “vỡ” ra nhiều điều, luôn xem đó như kim chỉ nam để sống và hành động cho những đam mê của cuộc đời mình.
Năm 1992, khi vừa từ rừng ra, sau chuyến thám hiểm tìm kiếm hang động tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, ông được thông báo có một người rất quan trọng của Việt Nam muốn gặp đoàn thám hiểm. Thật ra lúc đó, ông không biết đó là ai và cũng không hứng thú lắm vì phải lo cấp cứu cho một cộng sự bị gặp tai nạn trong khi thám hiểm. Về sau, ông mới biết vị khách đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngoài ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một tác giả đóng góp vào kho tàng lý luận về chiến tranh nhân dân, về học thuyết quân sự Việt Nam, vào kho tàng sử học và văn học của nước nhà với 64 đầu sách với hơn 10 vạn trang in. Các tác phẩm nổi bật của ông như: “Từ nhân dân mà ra”, “Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, “Những năm tháng không thể nào quên”, “Chiến đấu trong vòng vây”, “Đường tới Điện Biên phủ”, “Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng”, những tác phẩm viết về Tư tưởng Hồ Chí Minh...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà văn hóa, nhà giáo dục nhà khoa học, nhà lý luận quân sự hàng đầu của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh được thế giới đánh giá là một trí tuệ siêu việt mang "tư duy xanh".
10. Vị tướng trường thọ suốt đời đấu tranh cho công lý, hòa bình và hạnh phúc của nhân dân.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có hạnh phúc lớn nhất là người sống thọ nhất trong số những người lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, quân đội kể từ năm 1945 đến nay với tuổi thọ 103 (ông sinh ngày 25/8/1911, mất ngày 4/10/2013). Cũng là vị tướng trường thọ bậc nhất trong lịch sử quân sự thế giới.
Đại tướng là vị tướng có uy tín lớn trong nước và trên thế giới không chỉ vì tài năng và sự nghiệp của ông đã cống hiến mà còn vì phẩm chất đạo đức trong sáng, hết lòng yêu nước thương dân, toàn tâm toàn ý phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Nét đẹp cao quý nổi bật nhất, tập trung nhất về nhân cách của ông chính là tư tưởng, tinh thần “Dĩ công vi thượng”, luôn sống và hành xử khiêm tốn, giản dị, thanh cao, quyết đoán, dân chủ và bao dung, nhân hậu. Là một vị tướng trọn đời vì nước, vì dân, ông nói: “ Tôi sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó”.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in câu chuyện cảm động về việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ chối làm sách ảnh về mình nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2004. Vào một ngày cuối tháng 4 năm 2004, nhà báo Đỗ Phượng đến thăm Đại tướng và trao đổi ý tưởng làm một cuốn sách ảnh về Đại tướng. Hôm ấy, nhà báo Đỗ Phượng mang theo một bản thảo của cuốn sách đến để xin ý kiến Đại tướng. Cầm cuốn sách trên tay, Đại tướng trân trọng lật mở từng trang. Khi đọc đến những trang cuối, ánh mắt Đại tướng buồn và những giọt lệ rơi trên má gầy gò. Đại tướng cảm ơn ý tưởng tốt đẹp của những phóng viên, nhà báo và những người đồng chí thân thiết đã dành cho ông. Nhưng ông đã dứt khoát từ chối việc làm sách ảnh riêng về ông bởi một lý do vô cùng xúc động: "Trong những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc đã có biết bao đồng bào chiến sĩ đã anh dũng hi sinh ngoài mặt trận mà đến giờ vẫn chưa tìm thấy thi hài. Họ không có nổi một tấm ảnh con để cho con cháu thờ phụng, Tổ quốc ghi công. Vậy thì làm sao tôi dám nhận làm sách ảnh riêng về mình. Rất xin lỗi các đồng chí...".
Nghe Đại tướng nói vậy, không ai dám trình bày thêm dù rằng việc chuẩn bị xuất bản đã hoàn thành. Phải đến năm 2010, những bức ảnh trong cuốn sách dự định xuất bản trên mới được nhà báo Trần Tuấn (TTXVN) triển lãm tại Hà Nội để giới thiệu 100 khoảnh khắc đời thường về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Đại tướng, đạo diễn Hollywood người Mỹ gốc Việt Tiana Alexandra (Nguyễn Thị Thanh Nga, cô từng là môn đệ của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long, là con gái của một quan chức trong chính quyền Sài Gòn. Chị là người Mỹ đầu tiên bước chân vào nhà Đại tướng nhiều năm trước khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ) đã viết về Đại tướng: “Bác là một nhà chiến lược bậc thầy của thế kỷ, một thiên tài quân đội có thể sánh ngang hàng cùng Patton, Rommel, Napoleon…Đối với con, bác đơn giản là một thầy giáo lịch sử của cha con.Trong 15 năm, bác đã rất độ lượng khi cho phép con quay phim về bác…Những đứa trẻ mang cả 2 dòng máu Việt Nam và châu Âu sẽ dạy cho con cháu chúng bằng cách nào mà bác lại làm được những điều tưởng chừng như không thể. Bác đã đối đầu và đánh bại lực lượng hùng mạnh nhất trên trái đất: Nước Mỹ - đất nước đã nuôi dưỡng con…Con cám ơn bác đã mang con trở lại Việt Nam sau hơn 20 năm xa cách. Con đã tìm thấy mảnh đất làm tấm gương cho điều mà con cố kiếm tìm giữa chiến tranh và hòa bình, thiên đàng và trái đất. Và giữa bên này và bên kia. Con sẽ nhớ và sống để kể câu chuyện này”.
Tiana Alexandra với hành trình 25 năm làm phim tài liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Cũng chính bởi những đặc điểm nổi bật và khác biệt này mà Tiana Alexandra đã giành 25 năm để làm phim tư liệu về một vị tướng huyền thoại đã cùng cả dân tộc giành chiến thắng trong những cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc trong thế kỷ XX: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bộ phim tài liệu “Từ Hollywood tới Hà Nội” và “Tôi và Đại tướng” của Tiana Alexandra đã làm cho cả thế giới hiểu rõ thêm về một dân tộc Việt Nam anh hùng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự thiên tài, người anh hùng của một dân tộc anh hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiều sử gia trên thế giới vô cùng ngạc nhiên khi nghiên cứu về mối quan hệ đặc biệt giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thế kỷ XX. Từ trong bóng đêm nô lệ, năm 1911, khi người thanh niên yêu nước Văn Ba ra đi từ bến Nhà Rồng đến tận góc bể, chân trời xa lạ tìm đường cứu nước cho dân tộc thì cũng năm đó tại làng An Xá - chốn quê nghèo Quảng Bình - cậu bé Võ Nguyên Giáp vừa cất tiếng khóc chào đời. Để rồi 34 năm sau đó, hai nhân vật lịch sử trở thành đồng chí, thành hai thầy trò và đều được nhân loại tôn vinh và là hiện thân cho hai thế hệ nối tiếp nhau làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là nhà chiến lược vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trở thành nhà chiến lược, chiến thuật và hậu cần quân sự kiệt xuất; Ông đã xây dựng và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một quân đội cách mạng bách chiến bách thắng; hết lòng yêu thương, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc của dân tộc mình, cũng như bè bạn, láng giềng và cũng rất nhân văn độ lượng với kẻ thù.
Bác Hồ và Đại tướng được nhân dân và bầu bạn khắp năm châu suy tôn đời đời và hiển thánh trong ngôi đền linh thiêng của lòng dân đất Việt. Cùng với những vị anh hùng khác trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp như những vì sao sáng mãi trên bầu trời cho non sông đất nước mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững...!
Vương Xuân Nguyên
* Bài viết có s�