Theo người bán hàng, tờ 2USD in hình heo sẽ đem lại sự giàu có, may mắn và đại diện cho sự thịnh vượng, phát triển, cũng như thành công trong công việc. Tuy nhiên theo quy định, không phải nơi nào cũng được mua bán ngoại tệ.
Rộ tiền lì xì in hình con heo
Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều người rao bán các đồng tiền nước ngoài có in hình con lợn để làm tiền lì xì cho Tết này, chẳng hạn như tiền Úc, Papua New Guinea, Macao... trong đó có những tờ tiền thật và những tờ tiền chỉ mang tính chất lưu niệm.
Tờ 2 USD mới phát hành của Mỹ được nhiều người tìm mua để lì xì tết năm 2019. |
Theo người bán hàng, đồng 2 USD in hình con heo do bộ Tài chính Mỹ phát hành nhằm mang đến món quà ý nghĩa cho người dân châu Á trong dịp lễ Tết lớn của năm. Tờ tiền 2 USD in hình con heo là tiền thật được chế tác họa tiết hết sức đặc biệt với hình tượng chú lợn đầy màu sắc tươi mới, mang đến người nhận sự vui tươi trong ngày đầu năm.
Giá của tờ tiền này cũng không hề rẻ. Một sản phẩm tiền 2 USD hình con heo 2019 gồm 1 tờ tiền 2 USD hình con lợn mạ vàng được đặt bên trong bao da xanh, đi kèm là giấy chứng nhận được in phản quang bảo an giúp khách hàng xác định được tính chính hãng của sản phẩm, tất cả trong một hồng bao đỏ sẽ có giá 350.000 đồng/bộ. Một số cửa hàng còn “chiều khách” khi cho khách chọn seri mình mong muốn.
Đồng tiền Macao in hình con heo trị giá 10 patacas cũng được nhiều người săn lùng làm tiền lì xì tết 2019, vì có màu đỏ tượng trưng cho may mắn và hình dáng chú heo tròn trịa, thể hiện sự sung túc. Lý do khác, là đồng tiền này có giá khá rẻ, chỉ 90.000 đồng/tờ và có giá trị lưu thông tại Macao, khác với tiền con heo Macao 100 patacas chỉ để lưu niệm.
Chỉ cần bỏ ra 60.000 đồng, khách có thêm lựa chọn đồng tiền 20 kina Papua New Guinea in hình con heo. Đây được xem là đồng tiền tượng trưng cho may mắn và phát tài vì được in bền, tốt, hoa văn trên thân của chú heo cũng rất tinh tế.
Nhiều người sẵn sàng bỏ cả triệu đồng để mua các combo tiền lì xì theo chủ đề. Như bộ tiền "thuận buồm xuôi gió" của Singapore, Việt Nam, Indonesia và đảo Maldives, giá tầm 250.000 đồng/bộ; bộ tiền 10 con giáp kamberra của Úc giá 900.000 đồng/bộ hay combo 10 bộ tiền tứ linh - long lân quy phụng trị giá 1,2 triệu đồng/bộ... được các công ty hoặc người khá giả mua để biếu tặng.
Vậy theo quy định pháp luật việc mua bán như vậy có hợp pháp không?
Người mua nên cân nhắc trước khi giao dịch
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) trả lời: Về nguyên tắc, pháp luật không cấm người dân lưu giữ, mua bán ngoại tệ tại những địa điểm được cấp phép giao dịch ngoại tệ. Nhà nước cũng không cho phép người dân giao dịch ngoại tệ ở những nơi không được phép.
Hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam không có tờ tiền ngoại tệ hình con heo để bán cho khách hàng. Do đó, nếu có nhu cầu sở hữu hoặc cho, tặng người khác tờ ngoại tệ hình con heo, người mua nên cân nhắc trước khi giao dịch mua bán để tránh trường hợp vụ đổi tiền ở Cần Thơ vừa qua bị xử phạt hành chính.
Việc mua bán phải tuân thủ đúng quy định pháp luật
Theo luật sư Hà Hải (đoàn Luật sư TP.HCM), việc mua bán tờ 2 USD hay các tờ tiền quốc tế in hình con heo có giá trị lưu thông thực tế phải tuân thủ đúng quy định pháp luật.
"Dù mua bán chỉ 1 USD thì đó vẫn là hoạt động trao đổi ngoại tệ và phải chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh ngoại hối và các quy định khác có liên quan", luật sư Hà Hải nhấn mạnh.
Theo các quy định pháp luật hiện hành, việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân phải được thực hiện tại các địa điểm được phép mua, bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép.
Hiện tại, ngoài các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng được cấp phép kinh doanh ngoại tệ, vẫn có một số địa điểm cũng được cấp phép mà đặc điểm dễ nhận ra nhất là phải có bảng hiệu ghi tên tổ chức tín dụng ủy quyền.
Lý do là các cơ sở này chỉ là đơn vị được tổ chức tín dụng, ngân hàng ủy quyền để trở thành đại lý mua, bán ngoại tệ và tỷ giá tại đây cũng phải công khai tuân thủ theo tổ chức tín dụng ủy quyền.
Nghị định 96/2014 của Chính phủ hiện quy định xử phạt 80-100 triệu đồng với người có hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được cấp giấy phép kinh doanh; Phạt 40-80 triệu đồng với hành vi mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau hay quy đổi không đúng tỷ giá do ngân hàng Nhà nước quy định.
Tuy nhiên, theo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014 mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, mức phạt với việc mua, bán ngoại tệ giữa các cá nhân với nhau hoặc mua, bán ngoại tệ với tổ chức không được cấp phép thu đổi ngoại tệ sẽ thay đổi thành phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng.
Còn với những tờ tiền lưu niệm không có giá trị thanh toán thực tế, luật sư Hải cho biết chúng không phải là ngoại tệ. Tuy nhiên, đây cũng là một loại hàng hóa nên các cơ sở kinh doanh phải chứng tỏ được nguồn gốc xuất xứ, giấy tờ mua bán, nhập khẩu.
Cẩn trọng khi giao dịch Trả lời trên tờ Lao Động, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, hàng năm, cứ đến dịp năm mới, những thông tin liên quan đến việc các ngân hàng Mỹ phát hành một bộ tiền riêng cho các nước châu Á. Năm con lợn thì tiền in hình lợn, năm con mèo thì in hình con mèo... Tuy nhiên ông Hiếu khẳng định: “Theo thông tin tôi biết, không có ngân hàng nào của Mỹ hay bộ Tài chính Mỹ lại đi in một đồng tiền riêng để phát hành cho các nước châu Á”. Người dùng nên cẩn trọng khi quyết định giao dịch đồng tiền này, bởi lẽ, các giao dịch ngoại tệ tại các địa chỉ không được phép là vi phạm pháp luật. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu người dân mua đồng tiền này với mục đích làm quà tặng, trang trí hoặc sưu tầm thì không có vấn đề gì nhưng nếu họ dùng tờ tiền này để giao dịch, mua bán thì là hành động phạm pháp. |
Tuệ An
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 16