“Có thể các đối tượng dàn cảnh như một vụ giết người cướp tài sản để che giấu động cơ mục đích phạm tội, bởi không có dấu hiệu phá két sắt và có một số tiền lớn để trong phòng vợ chồng nạn nhân vẫn còn nguyên vẹn”, một điều tra viên cao cấp của Bộ công an nhận định.
[mecloud]i5npLpKNE7[/mecloud]
Trao đổi với PV về vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước, một điều tra viên cao cấp của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an cho rằng, phải có ít nhất 4 đối tượng trở lên, bởi khi đó chúng mới thực hiện vụ thảm sát 6 người nhanh chóng như vậy.
Cảnh sát bảo vệ hiện trường vụ thảm sát. |
Tại thời điểm xảy ra vụ án, số lượng người trong nhà nạn nhân đông (trong đó có 3 người nam ở tầng dưới có khả năng chống trả) nên chúng ra tay đồng loạt, nhanh chóng để không bị phát hiện.
Mặt khác, để nắm vững được thông tin về hoạt động của xưởng sản xuất gỗ, quy luật hoạt động của công ty Quốc Anh và các cá nhân trong gia đình nạn nhân, hung thủ cần có nhiều đối tượng liên kết với nhau để làm những việc như tiếp xúc với những người làm việc tại công ty, tại nhà của bị hại; nắm rõ về bố trí căn nhà trong đó có hệ thống điện và camera… Từ đó, chúng mới chọn thời điểm công nhân không có mặt ở nhà xưởng, nhà xưởng đang sửa chữa,... để ra tay.
Công tác khám nghiệm hiện trường và tử thi cho thấy dấu vết tại hiện trường thể hiện nạn nhân không kịp chống trả và phản ứng. Điều này thể hiện bọn tội phạm chuẩn bị tâm lý rất kỹ trước khi ra tay, hung thủ không hề run sợ trước khi tước đoạt mạng sống của người khác, chúng quyết tâm giết người đến cùng.
“Trong vụ án này, hung thủ 'xuống tay' vào chỗ hiểm gây ra cái chết tức thời cho nạn nhân, chứng tỏ các đối tượng hoặc chỉ huy cầm đầu rất có kinh nghiệm trong việc thực hiện hành vi này, kể cả việc xóa dấu vết”, vị điều tra viên phân tích.
Sau khi hung thủ ra tay giết các nạn nhân có lục soát đồ đạc trong gia đình, tuy nhiên không có dấu hiệu phá két sắt và số tiền lớn để trong phòng vợ chồng anh Mỹ vẫn còn nguyên vẹn. Đặc biệt, không có nhiều dấu hiệu lục soát đồ đạc trong nhà, chứng tỏ có thể các đối tượng dàn cảnh như một vụ giết người cướp tài sản để che giấu động cơ mục đích phạm tội.
[mecloud]VIcf06i4tw[/mecloud]
Theo điều tra viên, dù hung thủ có chuẩn bị tâm lý kỹ đến đâu, có liều lĩnh đến mức độ nào thì sau khi giết người cũng lo lắng, suy nghĩ lại hành vi giết người của mình nên sẽ có những biểu hiện khác thường về tâm lý, thái độ, cách sinh hoạt… Thủ phạm sau khi gây án còn nghe ngóng tình hình, thăm dò dư luận, tin tức, lẩn trốn, có những bất bình về hành tung của mình.
Về điều kiện hoàn cảnh phạm tội, điều tra viên cho rằng, tư tưởng bạo lực ngày càng nhiều trong xã hội, chúng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, internet, các trang mạng xã hội kích động bạo lực, lối sống hơn thua, cạnh tranh, ghen ghét nhau trong làm ăn kinh doanh… trong cuộc sống ngày càng phổ biến và trở thành một xu hướng tất yếu theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường.
Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức, lối sống tốt đẹp ở nhà trường, gia đình và xã hội ngày càng mất dần hiệu quả, lối nghĩ lối sống chỉ vì mình, không quan tâm đến người khác, xem thường tính mạng của người khác ngày càng phổ biến.
Mức độ răn đe phòng ngừa xã hội còn chưa cao, có vụ án mất thời gian dài vẫn chưa xét xử được, hình phạt chưa tương xứng với mức độ nghiêm trọng và dã man của hành vi như trường hợp sát thủ Lê Văn Luyện (giết 3 người trong một gia đình để cướp tiệm vàng)…, vì vậy loại tội phạm này xảy ra ngày càng nhiều.
Theo báo Thanh Niên
[mecloud]lYV7J6kQky[/mecloud]