(ĐSPL) - Im ắng được một thời gian, mấy năm gần đây, trên địa bàn TP.Hà Nội và nhiều địa phương, loại hình cho vay nặng lãi theo kiểu “tín dụng đen” lại nở rộ. Nấp dưới những vỏ bọc kinh doanh hợp pháp như dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính...
Cha từ con, vợ “cạch” chồng
Trên thực tế, ở Hà Nội và những thành phố lớn, chỉ cần bước chân ra ngõ đã có thể thấy tầm ảnh hưởng, sự phát triển của tín dụng đen hiện nay như thế nào. Những tờ rơi quảng cáo về vay tín chấp xuất hiện chi chít trên những bức tường quảng cáo và cột điện. Chỉ cần một cú điện thoại, các “nhân viên tín dụng” sẽ đến tận nhà để ký hợp đồng cho vay mà không cần biết người vay sẽ sử dụng tiền vào mục đích gì. Hình thức “tiền đẻ ra rất nhiều tiền” này đang đẩy không ít gia đình lâm vào hoàn cảnh bi đát.
Từng là nạn nhân của tín dụng đen, anh H.M.D. (38 tuổi, ngụ Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội) đã phải bán đi căn nhà mà ông bà, bố mẹ để lại để tự “chuộc” bản thân. Ngày 15/7, gọi điện đến đường dây nóng của báo ĐS&PL, người đàn ông này nói rằng muốn cảnh báo cho những người đang lâm vào vết xe đổ của mình. Nói chuyện với PV, anh D. đau đớn kể lại: “Tôi từng có nhà, có xe, có công việc ổn định nhưng giờ đây phải đi thuê nhà trọ và sống bằng những đồng tiền ít ỏi từ mấy cốc trà đá ven đường. Thực sự, ước mơ đổi đời càng nhiều thì xuống bùn lầy càng nhanh. Hiện nay, nơi tôi đang sinh sống phải có đến gần 7- 8 tổ chức tín dụng đen đang hoạt động. Không biết bao nhiêu người đã và chuẩn bị trở thành nạn nhân của chiếc thòng lọng tín dụng đen”.
Không biết bao nhiêu người đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen. |
Theo đó, năm 2013, anh D. có vay gần 2 tỉ đồng của một tổ chức tín dụng đen ở Đông Ngạc. Do có nhà, có xe, lại là người địa phương nên chỉ cần bản phô tô chứng minh nhân dân, trong buổi sáng, anh D. đã được “giải ngân” theo yêu cầu. Mặc dù trên giấy tờ có ghi anh vay nợ 2 tỉ đồng nhưng thực tế anh chỉ được nhận 1,6 tỉ đồng, còn 400 triệu đồng là tiền tổ chức tín dụng đen “cắt phế” coi như tiền lãi. Cầm số tiền lớn trong tay, anh lao vào chứng khoán mang theo khát vọng đổi đời. Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau, mua đi, bán lại, anh D. tái mặt khi nhận ra rằng số cổ phiếu mà trước đó anh mua trị giá gần 2 tỉ đồng chỉ còn lại vài trăm triệu đồng. Tiền mất, hàng ngày vẫn phải trả tiền lãi cho tín dụng đen đều như “vắt chanh”, anh D. phải bán đi chiếc ô tô của mình. Khi số cổ phiếu còn lại dường như đã teo tóp dần thì cũng là lúc tai họa ập xuống gia đình này.
Mánh lới kiểm soát con nợ của “trùm” tín dụng đen Được anh H.M.D. cho số điện thoại của tổ chức tín dụng đen, vào vai một người cần số lượng tiền lớn, PV bấm máy gọi. Từ đầu dây bên kia, một người đàn ông tự xưng tên Hoàng nghe máy. Biết chúng tôi vay tiền, Hoàng nói rằng, khách muốn vay bao nhiêu cũng có và “giải ngân” trong ngày. Tuy nhiên, nếu không phải dân ở địa phương thì phải có người giới thiệu mới được làm thủ tục. Sau này, anh D. cho chúng tôi biết, người giới thiệu cũng chính là “con tin” của trùm tín dụng. Khi con nợ bỏ trốn, “con tin” sẽ chính là đối tượng mà chúng khủng bố để đòi lại tiền. Hơn nữa, “trùm” tín dụng thường là người địa phương nhưng thuê người khác đứng ra thu và cho vay nợ. Khi khách đến giao dịch, chúng thường dẫn đến những nơi cách xa “đại bản doanh” để làm hợp đồng. Cuối ngày, chúng sẽ đến tận nhà con nợ để lấy lãi. |
Vay mượn, xin xỏ, lừa dối người thân tiền để trả lãi, đến một ngày không còn ai dám cho D. vay tiền nữa. Trong khi đó, số tiền anh vay từ tổ chức tín dụng đen trước đó vẫn đang “nhân bản” vô tính. Biết D. hết tiền, đến ngày trả nợ, tổ chức tín dụng đen hô hào khoảng hơn chục “đầu xanh, đầu đỏ”, “nhọ nồi” bôi đầy người đến để thu tiền. “Các hình thức đòi nợ kiểu côn đồ như chửi rủa, dọa nạt, đánh đập đối với chúng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, giờ đây dân xã hội nâng nó lên thành “nghệ thuật”. Chúng thường xuyên ném những dung dịch hỗn hợp như phân, nước tiểu, dầu nhớt, thậm chí lấy cát trộn với keo, nhỏ vào ổ khóa của khổ chủ. Hàng ngày, hàng chục tên xăm trổ đầy mình cứ lởn vởn trước nhà chửi bới, khạc nhổ... khiến cuộc sống gia đình tôi đảo lộn. Cuối cùng, tôi phải bán mảnh đất mà ông cha để lại để trả nợ cho chúng. Thấy tôi làm ăn thua lỗ, trắng tay, lại bị khủng bố, vợ tôi vì không chịu được nên ôm con về nhà ngoại. Sau đó mấy tháng thì chúng tôi ra tòa ly hôn”, anh D. chua xót nói.
Người đàn ông này cho biết, những hoàn cảnh tương tự anh ở khu vực huyện Từ Liêm không hiếm. Anh D. kể về trường hợp của ông N.C.T. (70 tuổi, ở Cổ Nhuế, Từ Liêm). Ông T. có người con trai ngoài 40 tuổi, là “đại lý” lô đề. Chẳng hiểu làm ăn thế nào mà vay lãi xã hội đen. Lãi mẹ đẻ lãi con, cách đây vài tháng, con trai ông ôm cả vợ con bỏ trốn biệt tăm biệt tích. Chủ nợ tìm đến nhà ông, sau một hồi chửi mắng, hăm dọa, chúng đưa giấy nợ của con trai ông và tuyên bố: “Nó là con trai ông. Nó trốn đi thì ông phải trả, không thì đừng mong yên ổn với bọn này”. Đúng như lời chúng nói, ngay ngày hôm sau, ban ngày, chúng quây kín cửa hàng của ông T. để gây gổ đánh nhau với khách. Ban đêm, hàng loạt chất thải cứ ầm ầm ném vào sân, cửa khiến ông T. hoảng loạn. Sự việc kéo dài khoảng 2 tuần và rồi ông T. phải rao bán nửa mảnh đất đang ở để trả nợ mới được yên thân.
Mầm mống của tội phạm nguy hiểm
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quản lý tín dụng đen hiện nay đang bị thả lỏng khiến nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra từ hình thức cho vay này. Không khó để có thể thấy được những đòn đòi nợ khủng khiếp của dân xã hội đen với những con nợ không có khả năng chi trả. Không ít vụ bắt giữ người trái pháp luật, chém trọng thương con nợ hay bắt cóc sinh viên để đòi hàng trăm triệu đồng khiến nhiều người giật mình. Điều đó phần nào đã cho thấy bức tranh toàn cảnh của các vụ vỡ nợ tín dụng đen hiện nay. Thậm chí, có đối tượng liều lĩnh còn đâm ô tô, đối tượng khác thì lại đổ xăng với mục đích đe dọa con nợ để đòi tiền...
Khi đã sa vào “thòng lọng” tín dụng đen, các nạn nhân khó có thể thoát được (ảnh minh họa). |
Cách đây không lâu, tại xóm 1, Giang Cao (Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội), do mâu thuẫn trong việc vay nợ tiền, Nguyễn Trung Thành (30 tuổi, ở Thuận Tốn, Đa Tốn, Gia Lâm) cùng một số đối tượng khác tìm đến nhà ông Nguyễn Thành Đặng ở xóm 1, Giang Cao, Bát Tràng gây sức ép đòi nợ. Khi nhìn thấy ông Đặng, Thành lao xe ô tô đâm vào ông Đặng. Chưa dừng lại ở đó, Thành cùng đồng bọn tiếp tục dùng tuýp sắt đánh liên tiếp vào người nạn nhân gây thương tích nghiêm trọng. Con trai của ông Đặng là anh Nguyễn Đức Thanh thấy bố bị đánh, xông vào can ngăn cũng bị nhóm đối tượng này đánh gây thương tích.
Hẳn dư luận chưa thể quên được vụ một con nợ phải treo cổ tự tử trong nhà một “trùm” tín dụng đen tại Hà Nội. Bởi, chỉ có cái chết mới giúp người đàn ông này thoát khỏi cái “thòng lọng” lãi suất khủng. Người đàn ông bất hạnh đó là ông H. (ngụ Thanh Xuân Bắc, Hà Nội). Do cần tiền làm ăn nên ông đã vay của vợ chồng Vũ Minh Trí và Trương Kim Dung ở Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) số tiền 460 triệu đồng. Mặc dù, lãi suất mà Dung đưa ra rất “dã man” là tính theo ngày, cứ vay 10 triệu đồng thì phải trả 2 triệu đồng tiền lãi, nhưng vì cần tiền nên ông H. chấp nhận. Nhưng rồi, từ khoản tiền ban đầu cộng lãi mẹ đẻ lãi con, rốt cuộc ông H. gánh món nợ 1,5 tỉ đồng.
Đến hẹn, không có tiền trả, ông H. buộc phải bỏ trốn. Bất ngờ, Dung gặp ông H. tại Chùa Bộc nên lập tức điện thoại cho chồng và một số đối tượng khác đến bắt. Từ đây, ông H. bị đưa về giam lỏng tại nhà riêng của vợ chồng Trí - Dung tại phố Thái Hà. Ông H. bị Trí và đồng bọn đánh đập, hành hạ để rồi sau đó chúng bắt ông H. phải gán nợ bằng ngôi nhà ở Thanh Xuân Bắc. Sau khi bán căn nhà cho Dung, ông H. vẫn chưa thoát khi bị Dung ép nợ thêm 1,1 tỉ đồng cả vốn lẫn lãi do thời gian ông bỏ trốn Dung đã vay nợ lãi của nhiều người, nay ông phải trả. Không còn trông cậy vào đâu để có thể thanh toán được khoản tiền khổng lồ, ông H. đã thắt cổ tự vẫn ngay tại tầng 5 của nhà Dung, nơi chúng đã giam lỏng ông nhiều tháng ròng. Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn trường hợp gánh hậu quả đã được báo trước từ việc vay nặng lãi. Trên thực tế, hiện nay, chưa có một thống kê nào cho thấy, có bao nhiêu người đã và đang kề cổ vào “thòng lọng” tín dụng đen.
Rất khó để xác minh được lãi suất “cắt cổ” của đối tượng cho vay nặng lãi Trao đổi với PV, Trung tá, TS. Hà Thị Hồng Lan, Phó Giám đốc trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Điều tra tội phạm (học viện Cảnh sát Nhân dân) cho biết, thời gian gần đây, lực lượng Công an các cấp đã bắt nhiều đối tượng cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là các đối tượng này chỉ bị bắt giữ khi thực hiện các hành vi phạm tội khác như “bắt giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản”, “cố ý gây tương tích”. Còn bắt về hành vi “cho vay nặng lãi” rất khó có đủ chứng cứ. Cái khó nhất đó là việc phải chứng minh mức lãi suất của người cho vay. Trong khi đó những kẻ chuyên sống bằng hình thức cho vay nặng lãi thường rất khôn ngoan. Chúng lách luật bằng cách che giấu hành vi của mình, mà cách đơn giản nhất là khi tiến hành giao dịch cho vay nặng lãi, chủ nợ thường tính luôn tiền lãi và trừ vào nợ gốc của người đi vay. Ngoài ra, chúng rất tinh vi, trong giấy vay nợ không thể hiện mức lãi phải trả, hai bên không có một loại chứng từ giao nhận tiền lãi. Hay vay mượn nợ nhưng thể hiện qua hợp đồng mua bán nhà thì kẻ cho vay đã gộp cả vốn lẫn lãi vào thành nợ gốc nên khó có thể buộc tội được họ. Chỉ có thể buộc tội chủ nợ khi có đầy đủ ghi âm, ghi hình mà trong đó thể hiện được hành vi cho vay nặng lãi. Nhưng thực tế gần như không có những bằng chứng đó. Bởi vậy, biện pháp cần thiết để đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen” vẫn là tuyên truyền, phổ biến để người dân cảnh giác. |
Nhóm PV
[mecloud]LUhvNUx8gb[/mecloud]