Nhiều gốc cây có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm tuổi thuộc rừng phòng hộ Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) bị đốn hạ không thương tiếc. Trên nhiều lối mòn, những gì lâm tặc để lại có thể thấy rằng, tình trạng phá rừng đã diễn ra có tổ chức và trong thời gian dài.
Phút chạm mặt lâm tặc?
Rừng phòng hộ Hương Thủy (Thừa Thiên - Huế) với diện tích 20.293,9ha, trải dài sát cạnh thượng nguồn của dòng sông Tả Trạch cùng nhiều khe suối ngóc ngách chảy ra từ các đồi núi, tạo điều kiện dễ bề vận chuyển gỗ khiến nơi đây luôn là "điểm đến đầy hứa hẹn" của lâm tặc.
Để thâm nhập được "điểm nóng" này, ngoài đường bộ đi từ tuyến đường 74 nối liền 2 huyện Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên - Huế) hoặc xuôi nguồn từ thượng Nam Đông thì con đường duy nhất để di chuyển vào là xuất phát từ đập Tả Trạch, thuộc xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy.
Để tìm hiểu thực tế, PV báo ĐS&PL đã băng rừng lội suối gần 20km, mất khoảng 7 tiếng đồng hồ mới đến được “điểm nóng” khai thác gỗ trái phép thuộc khu vực rừng phòng hộ Hương Thủy mà các đối tượng lâm tặc thường xuyên quần thảo. Điểm khai thác gỗ này cách ngã ba Rau Rớn khoảng 2km và muốn lên khu vực khai thác trong rừng rậm, PV phải leo con dốc lao gỗ thẳng đứng với góc khoảng 70 độ.
Thời điểm PV có mặt, một nhóm đối tượng khoảng 4 người đang nói chuyện và phát rừng bằng rựa. Thi thoảng có tiếng cưa máy râm ran rồi sau đó lại bất ngờ vụt tắt. Dù trước đó, người dẫn đường dặn dò kỹ lưỡng là tránh chạm mặt với những đối tượng lâm tặc nhưng dường như sự có mặt có PV đã bị phát hiện khiến nhóm người tiến gần về phía PV và miệng luôn hỏi: “Ai, làm chi đó?".
Hình ảnh một số gốc cây bị đốn hạ |
Trước mặt chúng tôi lúc này là 2 người đàn ông tuổi trung niên, mặc quần đùi, đội mũ phớt, tay mang theo rựa. PV nhanh chóng hỏi tìm khu vực có hoa đỗ quyên để lấy mẫu về hoàn thành khóa luận tốt nghiệp sinh viên ngành nông lâm.
Dù vậy, sự nhập vai của PV vẫn không đủ để tạo sự tin tưởng cho 2 người đàn ông. Sau lời hù dọa rằng khu rừng này có nhiều rắn độc, cả hai vội thu hành lý vào túi gùi sau lưng rồi theo lối mòn xuống núi. Tuy nhiên, 2 người khác của nhóm này bỗng dưng mất dạng, không thấy tăm hơi đâu.
Tiếp tục tiến sâu vào phía trong, PV ghi nhận nhiều gốc cây có hàng chục, hàng trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc. Có những gốc cây đường kính hơn 1m, nhựa cây ứa trắng trông đến xót xa. Đa số chỉ còn lại gốc, phần thân cây đã bị lâm tặc cưa xẻ thành phách đưa ra khỏi rừng rậm.
Khoảng trên 20 gốc cây bị đốn hạ được PV ghi nhận và con số này có thể nhiều hơn nếu tiến sâu vào bên trong. Tuy nhiên, lo lắng điều bất trắc, nhóm chúng tôi nhanh chóng trở ra tìm người dẫn đường đang cảnh giới ở đoạn dốc giao nhau với khu rừng.
Trước thông tin về nhóm người mà chúng tôi bắt gặp đã men theo lối mòn xuống núi, người dẫn đường tỏ ra bất ngờ và cho biết, không thấy ai ra khỏi rừng trên con đường độc đạo mà mình đang cảnh giới. Nghi vấn nhóm đối tượng vẫn còn quanh quẩn khu vực gần đó để thám thính, người dẫn đường yêu cầu đoàn nhanh chóng leo xuống dốc thoát ra khe suối Rau Rớn.
Hơn 2 tiếng đồng hồ tiếp tục băng suối, chúng tôi mới về đến điểm mà cặp vợ chồng người lái thuyền đang chờ đợi ở khe La Ma. Trên đường về, người dẫn đường chia sẻ, nhóm người mà PV bắt gặp chắc chắn là lâm tặc bởi khu vực rừng rậm heo hút ấy, ngoài mục đích khai thác gỗ thì chẳng làm được gì. Nói về đường gỗ ra khỏi rừng, người dẫn đường cho hay, khối lượng gỗ bị khai thác nếu trót lọt sẽ được các đối tượng vận chuyển dọc khe La Ma để ra đến sông Tả Trạch. Từ đây, chúng sẽ cho gỗ chìm xuống mặt nước, ở phía trên có thuyền cole kéo hướng theo dòng nước về gần đập Tả Trạch. Sau đó lợi dụng sự sơ hở của cơ quan chức năng, chúng sẽ “tời” gỗ lên bờ và cho xe tải để chở về xuôi tiêu thụ.
Trước thực trạng phá rừng này, PV đã buổi làm việc với hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy. Ông Văn Đức Thuận, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy cho biết, sẽ nhanh chóng thành lập đoàn tiến hành kiểm tra khu vực rừng bị đốn hạ để nắm bắt lượng cây bị khai thác và sẽ báo cáo chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế để có hướng xử lý trách nhiệm.
Ông Thuận thông tin, khu vực rừng bị đốn hạ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Hương Thủy quản lý (BQLRPH); tại khu vực lòng hồ Tả Trạch có 2 trạm chốt của lực lượng kiểm lâm và bảo vệ rừng chuyên trách liên 4 đơn vị túc trực 24/24h gồm: Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Thủy, hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông, BQLRPH Hương Thủy, BQLRPH Nam Đông.
Những gốc cây có tuổi đời hàng chục năm đến trăm năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc. |
Chủ rừng lên tiếng
Liên quan đến tình trạng rừng thượng nguồn Tả Trạch ở Thừa Thiên - Huế bị đốn hạ, trước những hình ảnh, thông tin PV cung cấp, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc BQLRPH Hương Thủy cho hay, khu vực rừng bị chặt hạ thuộc tiểu khu 187, khoảnh 4 mà phía BQL từng tiến hành truy quét vào dịp cận Tết Nguyên đán 2019.
Theo đó, vào ngày 31/1 vừa qua, BQLRPH Hương Thủy đã phối hợp với Công an thị xã, Thị đội Hương Thủy, Công an, xã đội Dương Hòa phát hiện 10 phách gỗ Huỳnh và bàn giao cho đội Kiểm lâm cơ động số 2 - thuộc chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên-Huế. Và theo đánh giá của lực lượng chức năng về chất lượng 10 phách gỗ Huỳnh là "hộp ốp, ruột, sâu".
Tuy nhiên, với những gì PV ghi nhận tại hiện trường vụ phá rừng trước và sau Tết Nguyên đán 2019 thì có vẻ như số lượng không chỉ dừng lại ở 10 phách gỗ. Đặc biệt, dựa trên việc đánh dấu tại các gốc cây sau khi bị đốn hạ trong quá trình lập biên bản tại khu vực mà phía BQLRPH Hương Thủy cùng các đơn vị phối hợp phát hiện, thì xuất hiện thêm nhiều gốc cây mới (chưa đánh dấu). Lý giải về việc này, ông Việt cho biết, do thời điểm tiến hành truy quét vào dịp cận Tết nên trong quá trình lập biên bản, thu giữ các phách gỗ, lực lượng chức năng chưa tiến hành kiểm tra và đánh dấu số lượng cây bị chặt hạ. "Hiện phía BQL đã cử cán bộ lên khu vực này để ghi nhận, kiểm tra số lượng gốc cây bị chặt phá để báo cáo cụ thể với chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế", ông Việt nói thêm. Trước thực tế trên, dư luận đặt ra câu hỏi lớn về công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị chủ rừng và lực lượng kiểm lâm sở tại: Có hay không sự buông lỏng quản lý? Trách nhiệm để xảy ra vụ chặt phá rừng này thuộc về ai? Cá nhân, tập thể nào bị xử lý?
Trao đổi với PV, ông Văn Đức Thuận, Hạt trưởng Kiểm lâm thị xã Hương Thủy chia sẻ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về BQLRPH Hương Thủy. Tiếp đến là lực lượng của đơn vị kiểm lâm liên quan trong công tác bảo vệ rừng. Ông Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc BQLRPH Hương Thủy cũng thừa nhận, trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng phá rừng là của đơn vị. Ông Việt cũng chia sẻ, dù đã có rất nhiều nỗ lực, cụ thể là đơn vị đã tổ chức 3 đợt liên tục với hàng trăm ngày công vào các khu vực khe Dâu - Đầy, tuyến Hữu Trạch, tuyến Tả Trạch; tuy nhiên tình trạng phá rừng đầu nguồn vẫn diễn ra.
"Rừng có nhiều ngóc ngách, nhiều ngõ, khe suối thì dày đặc. Vùng lòng hồ thời gian cận Tết nước dâng cao, đây cũng là một khó khăn trong quá trình quản lý khiến nhiều sơ suất xảy ra. Và với vai trò là chủ rừng, để xảy ra việc phá rừng, chúng tôi xin nhận trách nhiệm...", ông Việt nói.
Chính quyền địa phương đã chỉ đạo làm rõ Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế thông tin, ngay sau khi báo phản ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có chỉ đạo làm rõ. Hiện, phía chi cục đã cử cán bộ lên hiện trường để ghi nhận và sẽ có hình thức xử lý trách nhiệm. |
Lê Kông
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 43