(ĐSPL) - Hiện nay, tại các khu công nghiệp (KCN), đặc biệt là KCN Biên Hòa (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; được xem là KCN lớn nhất phía Nam - PV) đang xuất hiện nhiều đường dây làm giả hồ sơ xin việc. Tìm đến khu vực này, những người có nhu cầu sẽ được giới xe ôm “bắt mối” rồi đưa đến những nơi nhận làm hồ sơ giả như thật, giúp thay tên đổi họ; tăng, giảm tuổi… với giá 200.000 - 250.000 đồng/bộ. Ngạc nhiên hơn, thời gian giao “hàng” sẽ không quá hai ngày. Việc làm này ẩn chứa rất nhiều nguy hại…
Làm giả hồ sơ siêu tốc
Thời gian qua, đường dây nóng báo ĐS&PL liên tục nhận được tin báo của người dân về chuyện làm giả hồ sơ xin việc của nhiều đối tượng núp bóng tiệm chụp hình, tiệm photocopy, công ty giới thiệu việc làm,... ở KCN Biên Hòa (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Chị N.T.T. (35 tuổi, ngụ tại phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Các đối tượng này ngang nhiên làm hồ sơ giả, bất chấp dư luận cũng như chính quyền địa phương. Không chỉ một, hai tiệm làm mà cả cung đường, dọc tuyến Bùi Văn Hòa (khu phố 6, phường Long Bình). Cứ cách một, hai căn lại có một tiệm làm giả hồ sơ”.
Theo chân chị T., PV đã tìm đến cung đường trên để tìm hiểu. Tại đây, PV được chị T. dẫn vào tiệm photocopy Dũng Thịnh Vượng kiêm bán hồ sơ xin việc và giới thiệu việc làm (tại địa chỉ 315, số cũ 139, đường Bùi Văn Hòa, khu phố 6, phường Long Bình). Vừa bước chân vào tiệm, PV đã được một người phụ nữ giới thiệu tên Vân (chủ tiệm) tiếp đón niềm nở: “Các chị cần gì?”. Khi PV nói: “Tôi có đứa con gái tên T.H.N., SN 2000. Nó mới từ quê vào, muốn xin việc làm nhưng nộp hồ sơ không có công ty nào nhận vì chưa đủ 18 tuổi. Giờ, tôi muốn làm một bộ hồ sơ có đầy đủ giấy tờ và tăng tuổi cho con tôi lên để đi làm được không?...”.
Dứt lời, người phụ nữ đon đả nói: “Được, giờ tôi sẽ làm cho con chị một bộ hồ sơ có đầy đủ giấy tờ từ sơ yếu lý lịch, đơn xin việc, giấy khám sức khỏe,... tất cả đều có dấu mộc chính quyền và công chứng hẳn hoi. Mỗi bộ hồ sơ có giá 250.000 đồng. Bất kể công ty yêu cầu giấy tờ gì, chúng tôi cũng đều cung cấp được cho chị,...”.
Khi PV hỏi: “Nếu công ty đó cần cả bằng tốt nghiệp cấp hai, cấp ba,... cũng có luôn à?”. Người phụ nữ nhanh miệng khẳng định: “Bằng cấp nào chúng tôi cũng làm được hết. Bây giờ chị làm hồ sơ cho bé đủ 18 tuổi, chúng tôi sẽ cung cấp luôn bằng cấp 3 cho bé và có cả học bạ, giấy xác nhận hạnh kiểm luôn cũng được,...”.
Người phụ nữ tên Vân làm giả hồ sơ xin việc tại tiệm Dũng Thịnh Vượng. |
Hợp thức cả hồ sơ đi làm cho trẻ chưa thành niênTrao đổi với PV báo ĐS&PL, chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Bắc (chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình ở TP.HCM) cho biết: “Hiện nay, việc trẻ em chưa đến tuổi lao động đi làm rất nhiều. Nhiều em lượm ve chai, làm ở các quán ăn, giấy tờ không mấy quan trọng. Nhưng một số trẻ em ở nông thôn, do nhu cầu đi làm công nhân nhưng chưa đủ tuổi, dẫn đến việc làm hồ sơ giả là tất yếu. Nắm bắt được nhu cầu này, những văn phòng giới thiệu việc làm kiêm luôn làm hồ sơ giả. Hiện tượng này đang trở nên phổ biến. Nên chăng, những bậc cha mẹ cần cân nhắc, lựa chọn và cố gắng làm sao cho con cái mình không phải lao động khi chưa đến tuổi. |
Thấy PV tỏ ý nghi ngờ về khả năng làm các giấy tờ đó cũng như xác nhận của chính quyền địa phương, người phụ nữ nhanh miệng trấn an: “Không có cái gì mà chúng tôi không làm được?”. Để chắc chắn việc đảm bảo hồ sơ đầy đủ, người phụ nữ nói thêm: “Giờ chị cho tôi biết công ty nào bé muốn xin vào, tôi sẽ đảm bảo làm đủ giấy tờ mà công ty đó yêu cầu. Chị có thể trả trước 100.000 – 150.000 đồng. Sau một ngày đến lấy hồ sơ thì giao nốt số tiền còn lại”.
“Hang ổ” của hồ sơ giả
Sau một ngày, PV nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0618899xxx nói đến nhận hồ sơ. Vì bận công việc, PV hẹn sáng hôm sau sẽ đến. Thế nhưng, hôm sau, đến nơi, PV được một nhân viên khác tiếp đón. Cô gái này còn khá trẻ, tự xưng là nhân viên và cũng là em họ của chủ tiệm. Tại đây, cô gái đưa ra một đống hồ sơ giả của rất nhiều người đã được làm trước đó, để chờ người tới lấy. Sau hồi tìm kiếm, PV được giao một bộ hồ sơ với đầy đủ giấy tờ, bằng cấp có dấu mộc đỏ của chính quyền thường trú cũng như tạm trú.
Trên tay PV lúc này là một bộ hồ sơ tương đối hoàn chỉnh gồm sơ yếu lý lịch bỏ trống các mục nhưng đã có dấu xác nhận của chính quyền địa phương tại xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nơi em T.H.N. thường trú. Ngoài ra, hồ sơ còn có CMND, giấy khám sức khỏe, bằng tốt nghiệp cấp 3 cùng dấu mộc sao y chứng thực của UBND phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Theo như lời người phụ nữ tên Vân: “Chúng tôi không chứng ở phường Long Bình mà chứng ở phường Trảng Dài vì nơi đây ít bị nghi làm giả hơn”.
Như vậy, chỉ chưa đầy 2 ngày, các đối tượng làm giả hồ sơ xin việc có luôn ý kiến và dấu mộc của chính quyền địa phương tạm trú và thường trú (bất kể hồ sơ đó có địa phương thường trú xa cả ngàn km). Theo điều tra của PV, tiệm photocopy Dũng Thịnh Vượng do hai vợ chồng Vân và Dũng lập nên. Tuy nhiên, tiệm tại địa chỉ này do Vân và em họ của Vân quản lý. Theo giới xe ôm quen biết với Vân và Dũng, đôi vợ chồng này còn một tiệm khác cũng hoạt động theo hình thức tương tự. Dũng sẽ chịu trách nhiệm liên hệ với người làm mộc giả, để đóng vào hồ sơ. Tại văn phòng đại diện do Vân làm chủ có hàng trăm bộ hồ sơ nằm lăn lóc. Tất cả các hồ sơ này đều được Vân làm giả, đóng mộc trước, chỉ cần có người lao động nào tìm tới mua và ghi họ tên vào... là xong.
Ngoài ra, trên cung đường Bùi Văn Hòa, kéo dài từ khu phố 5 đến khu phố 6 (thuộc phường Long Bình) cũng xuất hiện đầy rẫy các tiệm làm giả hồ sơ xin việc núp bóng photocopy, chụp hình hay trung tâm giới thiệu việc làm. Theo điều tra của PV, cứ 1 đến 2 số nhà sẽ có một tiệm kiêm làm giả hồ sơ xin việc này.
Ông Đ.T.D. (hành nghề lái xe ôm ở đầu đường Bùi Văn Hòa) tiết lộ: “Đây là cung đường làm giả hồ sơ chuyên nghiệp từ trước đến nay rồi. Người ở xa bảo tôi chở đến đoạn đường này đều chỉ để mua hồ sơ xin việc giả như thật. Ở đây, họ làm giả thông tin từ nơi sống đến thay đổi quê quán, tên tuổi, cùng các giấy tờ liên quan như chứng minh nhân dân (CMND), giấy khám sức khỏe, hộ khẩu, tạm trú, đơn xin việc, bằng cấp,...”.
Để củng cố thêm thông tin, PV báo ĐS&PL cũng đã liên hệ với ông Hoàng Văn Công – Trưởng Công an xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) để hỏi về việc địa phương có đóng dấu hồ sơ cho em T.H.N. như trên không. Ông Công trả lời: “Chúng tôi không làm hồ sơ cho em T.H.N... Ở đây cũng không có ông Trung tá với chức vụ Phó công an xã tên Nguyễn Văn Thông nào cả. Tôi cũng đã nghe nói, có rất nhiều trường hợp con em làm ăn xa, cần hồ sơ, nhưng vì nhiều lý do nên đã đi ra các trung tâm giới thiệu việc làm thuê họ làm giấy tờ giả. Đây cũng là chuyện đáng cảnh báo, vì việc làm này là vi phạm pháp luật”.
UBND phường không hay biết Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Hạ Thị Hoa Lư (đại diện UBND phường Long Bình, TP. Biên Hòa) ý kiến: “UBND phường chưa từng nghe người dân phản ánh về việc làm hồ sơ xin việc, giấy tờ giả. Nhưng theo tôi được biết, do nhu cầu của người dân xa quê, về làm hồ sơ hay giấy tờ đều tốn công, mất thời gian nên họ đã đi làm giả. Theo đó, bản thân họ cũng không được học luật lao động, những công ty ở các khu công nghiệp cũng có nhu cầu tuyển công nhân cao, mà cung không đủ cầu, nên họ đã đi làm hồ sơ giả. Cái này toàn con dấu giả, chứ cơ quan chúng tôi không có chuyện chứng nhận cho những hồ sơ không đúng sự thật”. |
DƯƠNG HẠNH – HƯƠNG SEN
[mecloud]qSwb3qyYW7[/mecloud]