+Aa-
    Zalo

    "Thảm họa trong thảm họa" ở Syria

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đối với người Syria, trận động đất kinh hoàng vừa qua chỉ là thảm họa mới nhất trong một chuỗi các thảm họa kéo dài cả thập kỷ qua.

    Rạng sáng ngày 6/2 (giờ địa phương), trận động đất mạnh 7,8 độ richter đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Tính đến ngày 7/2, tổng cộng 7.926 người đã được xác định thiệt mạng ở 2 quốc gia này.

    Tại Syria, thương vong phẩn lớn được ghi nhận ở khu vực phía Tây Bắc, chủ yếu tại các thành phố Aleppo, Hama, Latakia và Tartus.

    Những khu vực này vốn đang phải vật lộn để tái thiết các cơ sở hạ tầng quan trọng vốn đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích trong trận nội chiến kéo dài một thập kỷ. Liên hợp quốc ước tính, từ năm 2011, nội chiến Syria đã cướp đi sinh mạng của hơn 300.000 người.

    El-Mostafa Benlamlih, điều phối viên thường trú nhân đạo của Liên hợp quốc tại Syria, nhận định trận động đất là "thảm họa trong thảm họa". Ông chia sẻ: "Cơ sở hạ tầng tại đây vốn đã bị tàn phá bởi tình hình khó khăn, chiến sự, vân vân. Đó là những thành phố ma. Rất nhiều người cảm thấy sợ hãi. Họ không muốn quay lại căn nhà của mình. Với một số người, nhà của họ vốn chỉ còn là đống đổ nát".

    tham kich dong dat
    Trận động đất ngày 6/2 giáng thêm một đòn mạnh vào cuộc sống vốn đã khó khăn của người Syria. Ảnh: AP 

    Nhóm cứu hộ tình nguyện Phòng vệ dân sự Syria, còn được gọi là Mũ bảo hiểm trắng, cho biết hàng trăm gia đình của Syria đã phải sống ở tàn tích của các tòa nhà bị sập ở phía Tây Bắc đất nước. Theo số liệu của Mũ bảo hiểm trắng, dến ngày 7/2, 1.220 người tại khu vực này đã được xác nhận thiệt mạng trong trận động đất. Con số này dự kiến sẽ còn tăng lên khi công tác tìm kiếm cứu nạn tiếp tục.

    Khalil Ashawi, một phóng viên ảnh tại thị trấn Jindiris, cho biết ông chưa từng thấy cảnh tượng nào thảm khốc như những gì xảy ra trong trận động đất ngày 6/2. Khalil chia sẻ: "Trong những năm tôi sống và đưa tin về tình hình chiến sự tại đây, tôi chưa từng chứng kiến điều gì kinh khủng như vậy. Đó là một thảm họa. Các nhân viên y tế và lực lượng cứu hỏa đang nố lực hết sức để giúp đỡ nhưng có quá nhiều người gặp nạn, vượt ngoài khả năng hỗ trợ của họ. Họ không thể giải quyết hết mọi thứ".

    Khalil cho biết cha mẹ ông, sống ở thành phố  Antakya (Thổ Nhĩ Kỳ), hiện cũng đang mất tích. Thành phố Antakya cũng phải hứng chịu thiệt hại vô cùng nghiêm trọng từ trận động đất ngày 6/2.

    Liên hợp quốc ngày 7/2 thông báo chương trình viện trợ xuyên biên giới của họ dành cho Syria đã phải tạm ngừng do ảnh hưởng của trận động đất. 

    Madevi Sun-Suon, phát ngôn viên của Văn phòng Điều phối Hỗ trợ Nhân đạo (OCHA) của Liên Hợp Quốc, nói với CNN rằng hoạt động hỗ trợ bị cản trở do "những thách thức về các tuyến đường - đặc biệt là con đường từ Gaziantep đến trung tâm trung chuyển của chúng tôi ở Hatay". 

    tham kich dong dat 1
    Syria không có khả năng khắc phục hậu quả của trận động đất thảm khốc. Ảnh: AFP 

    Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập Syria có trụ sở tại Damascus (Syria) cùng ngày cũng tuyên bố rằng họ không có khả năng đối phó với hậu quả thảm khốc mà trận động đất để lại.

    Ông Khaled Hboubati, chủ tịch tổ chức Trăng lưỡi liềm đổ Ả Rập Syria, cho hay: "Chúng tôi đã có mặt ở mọi địa điểm sau trận động đất, nhưng chúng tôi không có thiết bị, chúng tôi không có máy móc hạng nặng. Số người chết sẽ còn tăng lên… vẫn có những tòa nhà đang đổ sập ở Aleppo và Latakia".

    Một nửa trong số 4,6 triệu dân ở Tây Bắc Syria đã bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc nội chiến. Trong đó, 1,7 triệu người hiện đang sống trong lều và trại tị nạn trong khu vực, theo cơ quan trẻ em của Liên Hợp Quốc, UNICEF. Năm 2022, cơ quan này báo cáo rằng 3,3 triệu người Syria trong khu vực này đang không có sự đảm bảo về an ninh lương thực.

    Một số khu vực ở Tây Bắc Syria, bao gồm cả Idlib, hiện vẫn do phiến quân chống chính phủ kiểm soát.

    Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Aleppo và Idlib có ý nghĩa quan trọng về mặt địa lý và kinh tế đối với Tổng thống Syria Bashar Al Assad với tư cách là trung tâm thương mại và thương mại. Nhưng từ năm 2012 trở đi, Idlib, nơi có biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và hiện do phiến quân nắm giữ, đã trở thành mục tiêu của các cuộc không kích thường xuyên.

    Vào năm 2019, quân đội Syria đã phát động một cuộc tấn công mới vào tỉnh này với sự hỗ trợ từ trên không của quân đội Nga, khiến khoảng 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa của họ. Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, ước tính hơn 1.000 người dân đã thiệt mạng trong chiến dịch quân sự kéo dài 11 tháng này. Một lệnh ngừng bắn đã được công bố vào tháng 3/2020 nhưng các cuộc bắn phá vẫn tiếp diễn kể từ đó.

    Những gia đình là nạn nhân của các cuộc tấn công này đang ngày càng khốn khổ hơn sau thảm kịch ngày 6/2.

    Tiến sĩ Mostafa Edo, giám đốc quốc gia của tổ chức phi chính phủ MedGlobal, chia sẻ: "Một trong những đồng nghiệp của tôi, người mà tôi đã làm việc cùng hơn 5 năm, đã thiệt mạng khoảng 2 năm trước trong các cuộc không kích. Hôm nay tôi mới biết rằng cả gia đình anh ấy, vợ và con anh ấy, đều đã qua đời khi tòa nhà của họ bị sập (trong trận động đất)".

    tham kich dong dat syria
    Trận động đất là thảm họa mới nhất trong chuỗi các thảm họa kéo dài suốt hơn 1 thập kỷ qua tại Syria. Ảnh: AFP 

    Ông Mostafa nói với CNN rằng các bệnh viện trong thành phố đã rơi vào cảnh quá tải và thiếu trang thiết bị, thiếu nguồn cung như đĩa chỉnh hình để điều trị gãy xương. Các bệnh viện cũng đang bị mất điện. Trước đây, khu vực này phụ thuộc vào nguồn điện từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng giờ họ phải sử dụng máy phát điện trong khi không có đủ nhiên liệu.

    Ông tiếp tục: "Những người sống sót đang phải ngủ ngoài đường phố  trong cái lạnh buốt da buốt thịt".

    Nhiều người lo ngại tác động của trận động đất sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất đến những người sống trong các khu vực do các phiến quân kiểm soát, vì chế độ này có truyền thống sử dụng sự cô lập để làm tê liệt cơ sở hạ tầng địa phương.

    Nhóm cứu hộ là Mũ bảo hiểm trắng, đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở khu vực động đất từ hôm 6/2 và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nỗ lực cứu hộ. Đồng thời, nhóm này cũng gây áp lực lên chính quyền Syria "để đảm bảo không có vụ đánh bom các khu vực bị ảnh hưởng". 

    Tanya Evans, Giám đốc Ủy ban Cứu trợ Quốc tế tại Syria, đã mô tả trận động đất là "một đòn tàn phá khác đối với rất nhiều nhóm dân cư dễ bị tổn thương đang phải vật lộn sau nhiều năm xung đột". 

    Bà Evans cảnh báo hàng nghìn người đang chịu tổn thương khi nhiệt độ giảm mạnh xuống dưới 0 độ C. Bà nói: "Nhiều người ở phía Tây Bắc Syria đã phải di dời tới 20 lần.Với việc các cơ sở y tế rơi vào cảnh quá tải, ngay cả trước thảm kịch này, nhiều người không nhận được sự chăm sóc y tế mà học cực kỳ lần lúc này".

    Minh Hạnh(Theo CNN) 

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-hoa-trong-tham-hoa-o-syria-a565330.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan