+Aa-
    Zalo

    Thảm họa ngôn ngữ trong sách khiến trẻ méo mó về nhận thức, lệch lạc lối sống

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL)- Gần đây nhiều người bức xúc hiện tượng truyện tranh, sách dành cho thiếu nhi chứa đựng nội dung, hình ảnh phản cảm nhưng vẫn mặc nhiên trôi nổi trên thị trường.

    (ĐSPL)- Thời gian gần đây, nhiều người lo ngại, thậm chí bức xúc trước hiện tượng nhiều tập truyện tranh, sách dành cho thiếu nhi chứa đựng nội dung, hình ảnh phản cảm nhưng vẫn mặc nhiên trôi nổi trên thị trường.

    Điều này khiến các phụ huynh đau đầu khi lựa chọn sách cho con em mình. Các chuyên gia lo ngại nhiều tác phẩm dành cho trẻ em dùng ngôn ngữ phản cảm, tục tĩu, “sex”, bạo lực, thậm chí xuyên tạc lịch sử sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, hành vi của các em sau này.

    Liên tiếp những tác phẩm “sạn” đầu độc trẻ em

    Chưa bao giờ thị trường sách thiếu nhi trở nên phong phú, đa dạng và dày đặc với nhiều ấn bản đẹp được phát hành rộng rãi như hiện nay. Đó cũng là cơ hội để trẻ em nâng cao văn hóa đọc.

    Tuy nhiên, bên cạnh những cuốn sách hay, bổ ích còn xuất hiện những tác phẩm được ví như “thảm họa” về cả nội dung và ngôn ngữ đang đầu độc thế hệ trẻ thơ. Nếu không đủ thời gian đọc kỹ nội dung từng từ trong mỗi cuốn sách dành cho thiếu nhi, phụ huynh sẽ rất khó khăn để nhận biết đâu thực sự là sách tốt cho con em mình.

    Đi kèm với số lượng sách cho thiếu nhi đang tăng lên chóng mặt, người đọc phát hiện quá nhiều ấn phẩm có nội dung dễ dãi, nhảm nhí, tục tĩu, phản cảm, ảnh hưởng xấu đến nhận thức của trẻ em.

    Điều đáng nói có những cuốn sách vô cùng phản cảm được in ấn và đến tay bạn đọc suốt một thời gian dài mà chưa bị thu hồi hay đính chính từ phía nhà xuất bản. Như cuốn sách “Muôn thuở nước non” của NXB Giáo dục được xuất bản từ cuối năm 2009, nhưng đến nay vẫn có mặt trên thị trường.

    Phần nội dung và hình ảnh phản cảm trong “Muôn thuở nước non”.

    Ngay từ khi ra mắt bạn đọc, cuốn sách đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của nhiều bậc phụ huynh cũng như từ phía dư luận. Đây là cuốn sách song ngữ Việt-Anh dành cho thiếu nhi, nhưng lại có nội dung thiếu lành mạnh, ngôn ngữ dung tục.

    Cuốn sách có độ dày 200 tập, trong đó tập 57 nói về thuở hàn vi của Đinh Bộ Lĩnh có đoạn miêu tả: “Chuyện kể rằng, một hôm, mẹ Đinh Bộ Lĩnh đi tắm tại động Hoa Lư, chẳng may bị con rái cá cực lớn hãm hiếp”. Bên cạnh đó, hình ảnh minh họa là một con rái cá lớn đứng trước một cô gái tỏ vẻ sợ hãi được xem đó chính là mẹ của Đinh Bộ Lĩnh.

    Có thể chỉ ra một số cuốn sách, truyện trong thời gian gần đây đang đầu độc thế giới trẻ thơ bằng những từ ngữ tục tĩu, “sex”, bạo lực khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Đó là “Truyện cổ tích về các loài chim & muông thú” do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành có chứa nội dung người lớn, thiếu lành mạnh đối với độc giả độ tuổi thiếu nhi; truyện cổ tích “Công chúa tóc vàng” có nội dung cổ xúy loạn luân, cha muốn cưới con gái; “Truyện cổ tích Việt Nam” ngôn từ thô tục, trong đó có truyện “Thỏ trắng và Hổ xám" có nội dung thô tục, phản cảm, chửi bậy như: “Thỏ nhẹ nhàng nhảy xuống bóp d... hổ. Hổ đau quá la oai oái”, hay: “Ôi! tôi đau bụng quá. Chờ tôi một tý nhé. Tôi đi...”.

    Trước đó, chuyện mẹ Thạch Sanh nhường chiếc quần của mình cho con trước khi bà trút hơi thở cuối cùng vì không nỡ để con ở truồng được “chế tác” trong truyện cổ tích Thạch Sanh của NXB Kim Đồng đã khiến nhiều phụ huynh ngã ngửa khi mua về cho con đọc. Hay như bộ 99 truyện kể cho bé của NXB Ðồng Nai; Truyện tranh cổ tích Việt Nam chọn lọc của NXB Thanh Niên,... Hầu hết các truyện đều được vẽ bằng những đường nét ma quái, mô tả chi tiết cảnh chặt đầu quái vật, mãng xà, trăn nuốt chửng người, quỷ nhập tràng giết người dã man.

    Để tìm hiểu thêm vấn đề, PV báo ĐS&PL đã liên hệ với bà Lê Thị Trinh, phụ trách phát ngôn báo chí (NXB Giáo dục) của tập truyện tranh “Muôn thuở nước non”. Bà Lê Thị Trinh cho biết: “Tập truyện tranh “Muôn thuở nước non” được xuất bản từ cuối năm 2009. Do thời gian đã lâu nên chúng tôi phải kiểm tra lại thông tin. Tập truyện tranh này đã thu hồi hay chưa thì tôi phải kiểm tra bởi đến nay đã có rất nhiều đầu sách được xuất bản. Tuy nhiên, việc thu hồi một tác phẩm phải có quyết định của cơ quan chức năng”.

    Ngôn ngữ dành cho trẻ em không thể tùy tiện

    TS. Mai Xuân Huy, viện Ngôn ngữ cho rằng: “Hiện nay đang là thời kỳ bùng nổ thông tin, sách báo tác động rất nhiều đến khả năng định hướng của trẻ em. Từ sách báo, các em sẽ tiếp thu học tập những điều hay, bởi vậy việc dùng ngôn ngữ trong các ấn phẩm phải hết sức cẩn trọng. Nói đến văn chương, sách vở thì phải đẹp về cả nội dung và hình thức.

    Chính vì thế, trách nhiệm của những người viết sách cũng nặng nề hơn. Họ phải cân nhắc kỹ lưỡng về những gì mình viết ra. Đặc biệt, sách, truyện dành cho thiếu nhi yêu cầu còn phải cao hơn nữa. Việc lựa chọn ngôn ngữ dành cho lứa tuổi này phải hết sức cẩn trọng, với mỗi câu chữ phải suy xét từng từ rồi mới đưa vào chứ không thể dùng những từ ngữ phản cảm, tục tĩu”.

    TS. Mai Xuân Huy, viện Ngôn ngữ.

    Cũng theo tiến sỹ Ngôn ngữ Mai Xuân Huy, tác giả cuốn sách “Muôn thuở nước non” viết cho thiếu nhi lại dùng từ “hãm hiếp”, rõ ràng không thể chấp nhận được, nếu không muốn nói họ đang phá hoại sự hình thành nhân cách của trẻ. Những người làm sách kiểu này đang đi ngược lại chức năng giáo dục của văn chương, sách vở đối với thế hệ trẻ.

    Cuốn sách viết rất ẩu, ngôn ngữ nghèo nàn, tục tĩu, ngay cả người lớn đọc đã thấy không lọt tai chứ chưa nói đến trẻ em. Ngôn ngữ dành cho trẻ em phải thật trong sáng, uyển chuyển. Điều này, nói lên người viết rất hạn chế về phông văn hóa, eo hẹp về vốn từ nên mới cho ra đời một tác phẩm “thảm họa” như vậy. Không thể vì đồng tiền, vì những lợi ích trước mắt mà đầu độc trẻ em”.

    PGS. TS Lê Văn Thịnh (khoa Sử, đại học KHXH&NV-ĐHQG Hà Nội) đã tỏ ra hết sức ngỡ ngàng trước nội dung cuốn sách nói trên. PGS. TS Lê Văn Thịnh cho rằng: “Không thể chấp nhận việc xuất bản cẩu thả như thế, hơn nữa lại dùng những từ tục tĩu, phản cảm dành cho trẻ em. Đối với độc giả trẻ em, việc chọn lựa ngôn ngữ đưa vào truyện tranh, truyện cổ tích phải hết sức cẩn trọng nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính giáo dục, bởi nhận thức của các em còn non nớt, ngây thơ. Đinh Bộ Lĩnh là một danh nhân lịch sử, sao có thể bịa đặt, xuyên tạc tùy tiện như vậy. Cần thiết phải thu hồi ngay tác phẩm này. Rõ ràng khâu kiểm duyệt tác phẩm có vấn đề, làm quá ẩu, vô trách nhiệm đối với sản phẩm, coi thường bạn đọc. Không chỉ tác phẩm này, mà trước đó rất nhiều truyện dành cho thiếu nhi cũng rất phản cảm, tục tĩu. Đây là lỗi ở khâu kiểm duyệt, người biên tập rất yếu, thiếu chuyên môn mới để lọt lưới những cuốn sách đầu độc trẻ thơ như thế”. 

    Ông Nguyễn Kiểm, Chủ tịch hội Xuất bản Việt Nam cho rằng: “Những ấn phẩm này phần lớn rơi vào một số dạng tác giả, cũng như nhóm biên soạn ở một số NXB, đơn vị liên kết làm sách yếu kém. Việc để lọt những cuốn sách nhiều sai sót một phần do năng lực và trách nhiệm của cán bộ, biên tập viên trong các NXB kém và tắc trách. Mặt trái của hoạt động liên kết xuất bản đó là các nhà xuất bản không nắm bắt, kiểm duyệt chặt chẽ được nội dung những ấn phẩm xuất bản. Trong khi đó không ít công ty phát hành sách chỉ coi trọng lợi nhuận mà coi nhẹ chất lượng ấn phẩm phát hành.                               

    Trẻ hiểu lệch lạc về lịch sử

    Nguyễn Du chính là ông Quang Trung; Trần Quốc Tuấn – Trần Hưng Đạo là đôi bạn thân; Quang Trung – Nguyễn Huệ là hai anh em, bố con, đồng nghiệp. Đó là trả lời của một số học sinh về kiến thức lịch sử trong một chương trình truyền hình gần đây. Sự thật này đã lý giải phần nào việc học và dạy môn lịch sử đáng báo động như thế nào. Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua, môn Lịch sử cũng có số lượng thí sinh chọn thi thấp nhất, với 153.688 em đăng ký (chiếm 15,3\% trong tổng số gần 960 nghìn thí sinh đăng ký dự thi). Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ có 1 học sinh chọn môn Lịch sử...

    Trả lời báo chí xung quanh việc sai phạm ở lĩnh vực sách mới đây, Thứ trưởng bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, còn có hiện tượng nhà xuất bản bán giấy phép thông qua hoạt động liên kết. Việc “bán đứt trách nhiệm” của một số nhà xuất bản đương nhiên sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khi không biết các loại sách được xuất bản có nội dung như thế nào. Thậm chí, có đơn vị lợi dụng liên kết xuất bản để in lậu những ấn phẩm có nội dung kém chất lượng. Để thắt chặt khâu quản lý sách, làm sạch môi trường xuất bản hiện nay Bộ cũng đã chỉ đạo cục Xuất bản rà soát lại các hoạt động liên kết xuất bản, các xuất bản phẩm trên cả nước...

    Vũ Phương

    Xem thêm video:

    [mecloud]hEvqpDy8bv[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tham-hoa-ngon-ngu-trong-sach-khien-tre-meo-mo-ve-nhan-thuc-lech-lac-loi-song-a103494.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.