Sau hơn 3 năm gây ra vụ sát hại 6 người trong một gia đình ở Bình Phước gây rúng động dư luận, tử tù Vũ Văn Tiến đã bị thi hành án tử bằng hình thức tiêm thuốc độc.
Cái giá phải trả
Ngày 20/9, hội đồng Thi hành án tỉnh Bình Phước đã tổ chức thi hành bản án tử hình đối với tử tù Vũ Văn Tiến (SN 1991, HKTT xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).
Trước đó, Tiến bị kết án tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản khi gây ra vụ án mạng chấn động giết 6 người trong một gia đình tại xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Thông tin từ TAND tỉnh Bình Phước cho biết, tử tù Tiến được thi hành bản án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Sáng 20/9, Tiến được dẫn giải ra khu công bố thủ tục thi hành án tại trại tạm giam Công an tỉnh Bình Phước để ăn bữa ăn cuối cùng và viết thư để lại cho người thân.
Nước mắt người mẹ trước tội ác mà con mình gây ra. |
Tuy nhiên, Tiến không ăn cơm mà chỉ uống ly cà phê rồi viết lá thư cuối cùng gửi lại cho người thân. Sau khi hội đồng Thi hành án công bố và tống đạt cho tử tù Vũ Văn Tiến các quyết định không kháng nghị của VKSND và TAND Tối cao, quyết định bác đơn xin ân xá giảm án tử hình của Chủ tịch nước và quyết định thi hành án tử hình của Chánh án TAND tỉnh Bình Phước, tử tù bị áp giải đến nơi thi hành án tử hình tại trại tạm giam Bố Lá (Công an TP.HCM) đóng trên địa bàn xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.
Đến 8h cùng ngày, quá trình thi hành án tử hình đối với tử tù Vũ Văn Tiến được thực hiện xong. Thi thể tử tù Vũ Văn Tiến được đưa về nhà xác bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước. Sau đó thi thể tử tù này được bàn giao cho gia đình mai táng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 5/7/2015, Nguyễn Hải Dương cùng Trần Đình Thoại (SN 1988, HKTT ấp Tường Hưng, xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) đến nhà ông Lê Văn M. (ngụ xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) với mục đích giết người cướp tài sản nhưng thất bại. Sau đó Thoại không đi nữa nhưng vẫn mua dao giúp Dương gây án.
Đến rạng sáng 7/7/2015, Dương cùng Tiến từ huyện Hóc Môn (TP.HCM) đến tỉnh Bình Phước. Sau đó, cả hai đột nhập vào căn biệt thự của ông M.. Tại đây, Tiến giúp Dương khống chế 6 nạn nhân để đối tượng này ra tay sát hại.
Sau khi gây án, cả hai lấy tiền và một số tài sản trị giá gần 50 triệu đồng. Dương khai nhận thực hiện hành vi sát hại 6 người trong gia đình ông M. là để trả thù tình khi bị chị Lê Thị Ánh L. (con gái ông M.) từ chối tình cảm.
Ngày 17/7/2015, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử sơ thẩm lưu động và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến tử hình, Trần Đình Thoại 16 năm tù về 2 tội danh Giết người và Cướp tài sản. Tại các phiên toà phúc thẩm, Giám đốc thẩm các bị cáo đều bị giữ nguyên tội danh và hình phạt.
Ngày 20/7/2017, Nguyễn Hải Dương đã bị tử hình. Đến nay, tử tù Vũ Văn Tiến cũng đã đền tội. Riêng đồng phạm Trần Đình Thoại cũng bị đưa đi thi hành bản án 16 năm tù giam tại trại giam An Phước (xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).
Trao đổi với báo chí, bà Vũ Thị Th. (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho biết con trai bà là Vũ Văn Tiến vừa bị thi hành án về tội Giết người và Cướp tài sản trong vụ thảm sát 6 người trong cùng một gia đình tại tỉnh Bình Phước. Người mẹ đã khóc quá nhiều, nay cạn khô nước mắt khi nhận tin con thi hành án. Gia đình gửi Tiến vào một ngôi chùa ở TP.HCM và việc an táng hoàn tất trong buổi trưa cùng ngày.
Con dại một lần, đau cả đời...
Ba năm qua với bà Vũ Thị Th. là những chuỗi ngày dài đằng đẵng, thấm đẫm nước mắt. Còn nhớ trong phiên phúc thẩm, nhiều người đến tham dự tại phiên tòa đã nhói lòng trước cảnh mẹ tử tù Vũ Văn Tiến giàn giụa nước mắt, cùng con gái chắp tay vái lạy cầu xin gia đình nạn nhân tha thứ cho lỗi lầm của con mình.
Suốt từ lúc diễn ra phiên xét xử, tra hỏi, thẩm vấn, luận tội..., mẹ Tiến vẫn không ngừng khóc, đôi mắt đỏ hoe. Gương mặt khắc khổ, bà vẫn không dám ngước lên nhìn đứa con trai tội đồ. Cúi đầu và chắp tay cầu nguyện, đó là những gì người phụ nữ này đã làm trong suốt thời gian diễn ra xét xử.
Sau này, mỗi lần đi thăm con là một lần trái tim người mẹ thắt lại vì đau đớn, xót xa khi câu đầu tiên Tiến nói với mẹ là: "Không ai cứu được con đâu". Dù vậy, người mẹ này cũng đã động viên con: “Mẹ sẽ giúp con. Mẹ sẽ gửi đơn khắp nơi để cầu cứu".
Bà Th. cho biết bà có 5 người con, Tiến là con út và rất nghe lời. Dù biết con đã gây nên tội lớn nhưng với tình yêu thương của một người mẹ, bà vẫn muốn con mình có cơ hội được sống. Bà bảo, hoàn cảnh nhà bà cũng khó, không đủ tiền thuê luật sư riêng nên bà đã tự soạn thảo một bức thư gửi Chủ tịch nước.
Trong lá thư, bà Th. trình bày: “Tôi không biết lấy gì để chuộc lại lỗi lầm mà con trai tôi góp phần gây ra. Tôi chỉ biết tụng kinh niệm Phật mong họ yên nghỉ nơi chín suối. Về Tiến, tôi cầu xin Chủ tịch nước cho nó một cơ hội được sống, để sửa chữa lỗi lầm mà nó gây ra”.
Theo bà Th., Tiến rất khéo tay và giỏi nghề thợ mộc. Trong tù, Tiến đã theo học cách làm đồ thủ công do một số phạm nhân cùng phòng dạy. Khi gặp mẹ, Tiến đã tặng một con heo làm bằng nilon có dòng chữ “Gia đình vui vẻ!”. Mỗi lần lên thăm, Tiến còn dặn bà Th. đừng lên thăm nhiều vì sợ bà đi xa tốn kém. Khi bà Th. hỏi con muốn ăn gì, Tiến chỉ bảo mẹ mua cá khô gửi vào vì món đó rẻ, gia đình Tiến quá nghèo.
Từng chia sẻ với nhiều báo chí, bà Th. nói rằng, tâm nguyện cuối đời của bà là mong Tiến được sống. Nếu điều đó thành hiện thực bà sẽ cạo đầu quy y nơi cửa Phật. Thế nhưng, vì tội ác mà Tiến đã gây ra không thể khoan dung tha thứ nên tâm nguyện của người mẹ đã không trở thành hiện thực. Và nỗi đau này, mẹ của Tiến sẽ còn đeo mang đến hết cuộc đời...
Hơn 3 năm sau vụ thảm sát ở Bình Phước, gia đình nạn nhân vẫn còn nguyên nỗi đau và những ám ảnh khôn nguôi. Ngôi biệt thự nơi xảy ra vụ thảm sát đã từng có dự tính cho người phá bỏ để họ hàng không còn phải nhớ lại những cảnh đau thương. Nhưng cuối cùng mọi người vẫn quyết định giữ lại làm kỷ niệm, chỉ sửa lại kết cấu bên trong để có nơi thờ Phật và 6 người đã mất. “Những kẻ có tội sẽ bị pháp luật trừng trị nhưng còn nỗi đau của người thân nạn nhân có lẽ chẳng bao giờ nguôi”, bà Thiên Nga (em gái nạn nhân Ánh Nga) từng chia sẻ. |
Phùng Sơn