+Aa-
    Zalo

    Thạch Thất - Hà Nội: Đưa sản xuất nông nghiệp thích ứng với trạng thái “bình thường mới”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Năm 2021 với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, để thực hiện được mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, đồng thời phát triển kinh tế, giảm tối đa ảnh hưởng chuỗi đứt gẫy lao động trong các khu, cụm công nghiệp, vùng sản xuất nông nghiệp. Đảng bộ - HĐND - UBND, cùng các phòng ban huyện Thạch Thất, tập chung thực hiện chủ trương, phương án áp dụng giãn cách xã hội theo ba vùng "đỏ," "vàng," "xanh" của TP. Hà Nội. Từ đó, huyện đã từng bước khôi phục, bắt nhịp lại sản xuất, kinh doanh, hướng tới trạng thái "bình thường mới”.

    Ngành nông nghiệp huyện Thạch Thất đã khuyến khích sử dụng máy móc sẵn có để phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời có biện pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, đảm bảo không để ùn ứ nông sản, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân. Luôn xác định sản xuất nông nghiệp là điểm tựa, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để phát triển bền vững. Với cách làm này, huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất nông nghiệp chuyên canh quy mô lớn theo hướng hàng hóa, hiện đang cho thu nhập trung bình từ 330 - 445 triệu đồng/ha/năm và được liên kết tiêu thụ tới các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn TP. Hà Nội. Như Trang trại Hoa Viên tại xã Yên Trung và Yên Bình là một ví dụ, với hàng trăm hécta đất đồi đã được quy hoạch, đầu tư trồng cây dược liệu, cây lâu năm và các loại rau... theo hướng sản xuất hữu cơ. Đáng chú ý, quy trình sản xuất nông nghiệp của Hoa Viên luôn bảo đảm sạch, nguồn giống cây trồng chuẩn không có đột biến gene. Tất cả đều hướng đến mục tiêu để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe.

    image 1
    Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng- Chủ tịch UBND huyện phát biểu trong lễ đón nhận Huân chương hạng 3 về xây dựng Nông thôn mới

    Để trả lời câu hỏi làm sao để đẩy mạnh chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ những vùng trũng, khó canh tác sang mô hình trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao?. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: “Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy của các hộ sản xuất, kinh doanh, trọng điểm là các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa, nhỏ và hộ gia đình trên địa bàn toàn huyện. Cũng nhờ chuyển dịch cơ cấu đã tạo điều kiện cho các chủ thể có thêm nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế. Trên cơ sở những kết quả bước đầu này, huyện đang tích cực khuyến khích các chủ thể tham gia chương trình OCOP để có thể tham gia các thị trường trong và ngoài nước”. 

    Theo đó, thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch vừa chỉ đạo triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ chính trị, 9 tháng đầu năm 2021, toàn huyện đã đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực: tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 67,2% kế hoạch năm và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 69% dự toán năm Thành phố giao, đạt 67% huyện giao và bằng 147% so với cùng kỳ năm trước. Trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề về cơ giới hóa cũng được ứng dụng và đẩy mạnh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Áp dụng tiến bộ khoa học cộng nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi, các mô hình sản xuất, nuôi trồng ứng dụng công nghệ đã cho năng suất, chất lượng cao và ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả rõ nét. Nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Đặc biệt, huyện đã chỉ đạo thực hiện 2 mô hình sản xuất lúa theo chuỗi, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và sử dụng dịch vụ phòng trừ dịch hại bảo vệ thực vật bằng công nghệ tại xã Dị Nậu 50 ha và xã Hương Ngải 50 ha.

    image1

    Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội trao Huân chương Lao động hạng 3 cho Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất

    Từ bước đi đầu đã cho thấy hiệu quả hơn so với phun thuốc bảo vệ thực vật bằng phương pháp thủ công, trừ được sâu bệnh dịch hại kịp thời, bù đắp được thiếu hụt lao động trong sản xuất nông nghiệp, quản lý được vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung không những tạo thuận lợi cho người dân trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà còn cao gấp 5-7 lần so với cấy lúa. Phong trào sản xuất trên không chỉ giúp thay đổi thói quen sinh hoạt, bảo vệ môi trường của bà con mà còn giúp nâng chất lượng nông thôn mới của địa phương này lên tầm cao mới. Huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt; đồng thời, thực hiện thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp sử dụng công nghệ cao tại các xã: Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, Đại Đồng...

    Huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện chuyển đổi 367ha diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang sản xuất rau, hoa, cây dược liệu, cây ăn quả và thủy sản, nâng cao hiệu quả giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác. Thời gian tới Thạch Thất sẽ đẩy mạnh phát triển mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” dựa trên lợi thế, thế mạnh của mỗi địa phương; thực hiện chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần tăng năng suất lao động tại địa phương, đặt mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân trên địa bàn đạt 120 triệu đồng/người. Với hướng đi này, “vùng xanh” Thạch Thất đang thích ứng có hiệu quả trong trạng thái “bình thường mới”, trở thành một trong những địa phương không để đứt gãy sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch.

    image2 1

    Đồng chí Hoàng Chí Lượng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất

    Chú thích ảnh

    Đồng thời thực hiện Đề án mở rộng, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp mới có chất lượng và hiệu quả kinh tế, đã cho kết quả là tỷ lệ diện tích gieo trồng được cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch đạt trên 98%, diện tích tưới tiêu chủ động đạt 95% diện tích canh tác. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa ngắn ngày, có năng suất, chất lượng cao vào 100% diện tích gieo cấy; Chỉ đạo chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, kết hợp trồng rừng sinh thái với trồng cây ăn quả, cây dược liệu, đến nay đã có 121 mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.

    Ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh, đã hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với quy mô ngày càng lớn, cơ bản thay thế việc chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún trong dân cư. Toàn huyện hiện có 179 trang trại, mô hình chăn nuôi tập trung theo quy hoạch, đặc biệt mô hình chăn nuôi lợn rừng kết hợp với trồng rau hữu cơ dưới tán rừng và lợn thương phẩm cho thu nhập kinh tế cao Các giống vật nuôi có năng suất chất lượng cao tiếp tục được nhân rộng; Đàn gia cầm, thủy cầm siêu thịt, siêu trứng và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp tập trung tăng nhanh; Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kịp thời khống chế dịch, bệnh xảy ra. Việc duy trì, bảo vệ và chăm sóc 2.088 ha rừng/3.449,8 ha đất có rừng; tiếp tục trồng mới thay thế, bổ sung 446,3 ha ở 3 xã miền núi; chỉ đạo khai thác có hiệu quả 520 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, năng suất, sản lượng cá hàng năm tăng lên. Công tác chỉ đạo, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp tiếp tục được quan tâm.

    Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025 cần tiếp tục đẩy mạnh và phát huy các thành quả trong công tác xây dựng nông thôn mới để khơi dậy niềm tự hào trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động; cần thực hiện nghiêm túc nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể và là đối tượng được thụ hưởng những kết quả tích cực từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, phục hồi và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch; phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao...

    Đầu năm 2022, Đảng bộ chính quyền huyện Thạch Thất đã được lãnh đạo Thành ủy - UBND Thành phố Hà nội trao Huân chương Lao động hạng Ba cho tập thể cán bộ, cá nhân và nhân dân huyện Thạch Thất vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” (giai đoạn 2016-2020).

    Với kết quả đã đạt được, năm 2022 huyện Thạch Thất tiếp tục vượt khó, đẩy mạnh đầu tư, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống kết cấu hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện bằng nhiều biện pháp, như: Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương theo các chương trình dự án khuyến nông và sự đầu tư hỗ trợ của Thành phố Hà Nội; Thực hiện chính sách vốn, tài chính tập trung vốn cho phát triển nông nghiệp, đảm bảo lợi ích cho người nông dân; lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình, mục tiêu quốc gia, các chương trình khuyến nông, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn huyện; Tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, bao gồm hệ thống điện, đường giao thông, thủy lợi, chợ đầu mối, kho chứa,…góp phần tăng năng suất lao động tại địa phương, nhằm mục tiêu đến năm 2025.

    MINH THU

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/thach-that-ha-noi-dua-san-xuat-nong-nghiep-thich-ung-voi-trang-thai-binh-thuong-moi-a531842.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan