+Aa-
    Zalo

    Tết đã về với người dân ở “làng bệnh lạ”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từng là “điểm nóng” về bệnh lạ của huyện Ba Tơ, làng Rêu hôm nay đang dần thay da đổi thịt, nhịp sống sinh hoạt cũng đã trở lại bình thường.

    (ĐSPL) - Từng là “điểm nóng” về bệnh lạ của huyện Ba Tơ, làng Rêu hôm nay đang dần thay da đổi thịt, nhịp sống sinh hoạt cũng đã trở lại bình thường.

    Một mùa xuân mới lại về! Với đồng bào H’rê làng Rêu, đây có lẽ là một mùa xuân vui tươi, ấm áp nhất, bởi bệnh tật không còn hoành hành, làm cho dân làng lo sợ nữa...

    Các em nhỏ tung tăng đến trường.

    Đứng dậy sau "bão"

    Trong tiết trời se lạnh của một ngày cuối năm, chúng tôi trở lại làng Rêu, xã Ba Điền (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi). Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là niềm vui đang đến với mọi nhà trong một mùa xuân bình yên, không bệnh tật. Ngoài cánh đồng, thấp thoáng bóng người lom khom làm đất chuẩn bị cho mùa vụ mới. Các mẹ, các chị tranh thủ giặt giũ mùng mền cho thật sạch, thật thơm để chuẩn bị đón Tết. Tiếng trẻ con đọc bài ê a trong những lớp học, những gương mặt rạng ngời niềm vui. Đứng giữa khung cảnh yên bình ấy, chúng tôi như cảm nhận được rằng, nhân dân nơi đây đã vượt qua những nỗi đau vì bệnh lạ.

    PV ghé thăm gia đình anh Phạm Văn Đếch (27 tuổi, ngụ làng Rêu, người có vợ và con trai mất vì bệnh lạ vào năm 2012). Anh Đếch đang tranh thủ dọn dẹp căn nhà mới xây để kịp đón Tết. Vượt qua nỗi đau mất con, mất vợ, anh Đếch chăm chỉ làm ăn và năm 2013, anh đi bước nữa với chị Phạm Thị Nga. Bế cô con gái Phạm Thị Minh Tuệ (1 tuổi) trên tay, anh Đếch cười nói: "Từ ngày có bé Tuệ, nhà mình vui hẳn lên. Vợ mất, con mất tưởng chừng như cuộc của mình từ nay sẽ chấm dứt. Nhưng may mắn là có các cấp chính quyền động viên, quan tâm giúp đỡ nên mình đã vượt qua được".

    Gia đình mới của anh Phạm Văn Đếch vui vẻ đón Tết trong căn nhà mới xây.

    Cách nhà anh Đếch một con suối, là gia đình anh Phạm Văn Trót, cũng chịu nỗi đau mất vợ. Năm 2012, vợ anh Trót là chị Phạm Thị Trên mắc phải bệnh lạ rồi qua đời, để lại cho anh hai đứa con thơ dại là bé Phạm Thị Rên (10 tuổi) và Phạm Văn Rin (3 tuổi). Đám tang vợ anh cũng không về được vì phải nằm viện để trị bệnh lạ. Chị Trên mất khi cu Rin tròn 1 tuổi nên anh Trót phải thay vợ làm mẹ chăm sóc con nhỏ. Anh Trót hiện đang làm tài xế chở gỗ cho một công ty ở thành phố Quảng Ngãi. Bé Rên đã học lớp 4 và đã biết nấu cơm giúp ông bà nội, còn cu Rin cũng được ông bà nội trông giúp.

    Dịp cuối năm rất bận rộn, nhưng anh Trót cũng tranh thủ đi chợ mua sắm quần áo mới cho hai con. Anh chia sẻ: "Cu Rin thì không biết mặt mẹ, còn bé Rên nhiều đêm khóc hỏi mẹ đâu, tôi không biết trả lời sao. Bây giờ tôi cố gắng kiếm tiền cho bọn nhỏ có cuộc sống no đủ, được học hành tử tế”. Nhà già Phạm Văn Lô (60 tuổi) có bốn người mắc "bệnh lạ", nhưng may mắn không có ai phải về với "Giàng". Sau hai năm chật vật vì bệnh tật, năm 2014, gia đình ông Lô đã ổn định sản xuất. "Bệnh đã đi khỏi, bây giờ bà con chúng tôi tập trung vào sản xuất để có cái ăn, để Nhà nước không phải cấp gạo hàng tháng nữa", già Lô hồ hởi nói.

    “Chuyện mới” ở “làng bệnh lạ”!

    Trên cánh đồng của làng Rêu, bà con đang tập trung dọn bờ, thả nước chuẩn bị cho vụ lúa Đông Xuân. Anh Phạm Văn Oan (35 tuổi) bảo: "Làng mình giờ đang rủ nhau be bờ, bừa ruộng, ủ đất chuẩn bị cho vụ sản xuất lúa Đông Xuân. Làm đất càng kỹ, lúa càng chắc hạt, năng suất cao". Ở làng Rêu, đường làng đã sạch sẽ, không còn bề bộn rác, phân gia súc... như trước. Đặc biệt là trên các nếp nhà sàn, đồng bào H're cũng đã vệ sinh nhà cửa, quần áo, vật dụng gia đình sắp xếp gọn gàng.

    Nơi con suối đầu làng, chị Phạm Thị Xi (26 tuổi) đang phơi lại mẻ lúa. Chuyện người H’re làng Rêu biết phơi lúa rồi mới đổ vào kho là "chuyện mới". Trước đây, người H’re khi hái lúa về không phơi mà cất ngay vào kho, khiến lúa bị nảy mầm và mốc. Chị Xi bảo: "Cán bộ khuyên bà con mình phải phơi lúa, để tránh lúa bị mốc, làm cho hạt gạo bị mốc theo. Gạo mà bị mốc ăn vào không tốt cho sức khỏe". Trong năm qua, xã Ba Điền đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ đời sống dân sinh. Những công trình ấy đã giúp thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã.

    Đó là công trình trạm Y tế xã đã được đưa vào sử dụng hồi đầu năm, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ông Phạm Văn Út, Trưởng trạm Y tế xã Ba Điền cho biết, bà con làng Rêu nay có bệnh đã biết đến trạm Y tế để khám bệnh không còn cảnh cúng bái nữa. Hàng tháng, bà con đến đây để khám sàng lọc, thử máu, được cấp phát thuốc và hướng dẫn phòng tránh bệnh tật...

    Ngoài ra, dự án nước sạch cho người dân làng Rêu với tổng kinh phí 4 tỉ đồng đã được đưa vào sử dụng đầu năm 2014. Bà con không phải uống nước ở suối Bà Ranh nữa. Nói về nét đổi thay ở vùng quê miền núi này, ông Phạm Văn Bút, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Ba Điền nói: “Từ đầu năm 2014 đến nay, đời sống nhân dân làng Rêu đã thay đổi rất nhiều từ ăn, ở, đến vệ sinh môi trường và cá nhân đến chuyện đi khám bệnh”.

    Tết mới...

    "Bệnh lạ" được đẩy lùi, cuộc sống của người dân làng Rêu đã được ổn định. Người dân không còn sống trong nỗi lo bệnh tật nữa, mà tập trung sản xuất ổn định kinh tế. Từ đầu làng đến cuối xóm, bà con đang tất bật chuẩn bị để đón Tết. Người thì sửa sang, quét dọn nhà cửa; người thì tranh thủ nắng phơi nếp đi xay về gói bánh chưng... Không khí chộn rộn cùng với mùi thơm của rượu cần làm cho những vị khách như chúng tôi cảm nhận được Tết đã về với làng Rêu.

    Năm nay, gia đình ông Phạm Văn Ba đều khỏe mạnh, nuôi được nhiều trâu, lúa chất đầy kho... Vợ anh Ba vừa gọi thương lái đến nhà để bán 5 con heo thịt lấy tiền sắm Tết cho gia đình. Anh Ba cười: "Bây giờ bệnh đi rồi, mình có thể an tâm mà làm ăn. Gia đình tôi năm nay có của ăn, nên Tết này sẽ vui hơn”. Ông Phạm Văn Tích (70 tuổi), vui mừng khôn xiết. Bởi lẽ, Tết năm 2013 hai vợ chồng ông đều bị bệnh, nằm điều trị tại bệnh viện cả tháng trời. Tết 2014 thì còn chật vật nhưng năm nay sức khỏe của ông và vợ đã khá lên nhiều. Vì thế mà Tết này, vợ chồng ông có lúa nếp để làm bánh chưng. Không chỉ vậy, vợ chồng ông còn nuôi được đàn gà, không sợ thiếu cái ăn trong ba ngày Tết cho con cháu.

    Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Nguyễn Anh Khoa cho biết: “Năm 2014, dịch bệnh không hoành hành, người dân không còn lo sợ mà chỉ tập trung sản xuất nên năng suất tăng hơn năm ngoái. Đồng thời, qua các lớp tập huấn kỹ thuật, người dân cũng đã biết sản xuất theo đúng quy trình, đem lại hiệu quả cao. Giờ đây, người dân địa phương đang chuẩn bị đón một năm mới Ất Mùi bình yên, không còn nỗi lo của bệnh tật. UBND xã sẽ tổ chức hỗ trợ một số mặt hàng thiết yếu để người dân có thêm điều kiện đón Tết”.

    Đón một mùa xuân mới, dẫu còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng người dân ở làng Rêu đã có thể an tâm vì bệnh lạ không còn tấn công dân làng nữa. Và quan trọng hơn hết, là nhận thức của người dân đã dần thay đổi, để vươn lên ngày càng ấm no, hạnh phúc.

    Không có ca nhiễm bệnh mới

    Bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết: “Chưa phát hiện nguyên nhân căn bệnh viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân, nên ngành y tế và chính quyền chỉ vận dụng biện pháp tổng hợp, như tuyên truyền ăn uống đủ chất, vận động bà con làm sạch môi trường sống, đồng thời cấp thuốc thải độc gan, bổ gan, bổ sung vitamin cho mọi người. Có lẽ nhờ vậy mà ở làng Rêu nói riêng và người dân xã Ba Điền nói chung không có ca mắc bệnh mới.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tet-da-ve-voi-nguoi-dan-o-lang-benh-la-a84051.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan