+Aa-
    Zalo

    Tên trộm cắp đường phố với “chiến tích” ba lần vào trại

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mặc dù chỉ là tên trộm cắp đường phố, nhưng Thắng khá “nổi tiếng” bởi “chiến tích” ba lần vào trại.

    (ĐSPL) - Ở trại tạm giam Công an huyện Thống Nhất, không ai là không biết phạm nhân Nguyễn Việt Thắng. Mặc dù chỉ là tên trộm cắp đường phố, nhưng Thắng khá “nổi tiếng” bởi “chiến tích” ba lần vào trại. Được sự cảm hóa của các đồng chí công an, đặc biệt là Thượng tá Hồ Sỹ Quỳnh, Phó công an huyện phụ trách điều tra, Thắng đã dần nhận ra con đường hướng thiện.

    Khao khát một gia đình

    Ngày 31/8, PV báo ĐS&PL đến trại tạm giam Công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai). Được sự đồng ý của Thượng tá Hồ Sỹ Quỳnh, PV có buổi tiếp xúc với Nguyễn Việt Thắng (SN 1991), ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM trong trại tạm giam. Mặc dù trước khi gặp Thắng, chúng tôi đã được  Thượng tá Quỳnh giới thiệu qua, nhưng khi gặp Thắng, chúng tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Sau một hồi chia sẻ chân tình, Thắng mới  mở lòng. Thắng nói rõ quan điểm của mình: “Em không muốn nhắc về gia đình. Bất cứ ai hỏi về em, em cũng chẳng bao giờ muốn nhớ về cái quá khứ của mình nữa. Đây là lần đầu tiên, em kể chuyện gia đình với người lạ. Không phải em sợ này kia, mà thực ra em không muốn nhắc đến bất cứ cái gì về gia đình em. Trong lòng em, ngoài ngoại ra, thì em cũng chẳng muốn nhắc đến ai”.

    Và lần đầu tiên, sau bao ngày nằm trong trại tạm giam, Thắng bật khóc khi nói về gia đình. Điều tra viên phụ trách vụ án của Thắng cho biết: “Đây là lần đầu tiên Thắng khóc, bởi thường Thắng rất lì. Vì đã từng vào tù ra tội như cơm bữa, nên Thắng có vẻ bất cần. Nhưng chắc trong sâu thẳm, Thắng vẫn luôn khát khao có một gia đình toàn vẹn, được ba mẹ thương yêu như bao người khác”.

    Trong tiếng nấc nghẹn ngào, Thắng tâm sự về tuổi thơ bất hạnh không nhớ nổi mặt ba mẹ vì họ không quan tâm đến Thắng. Nhớ lại lần duy nhất gặp mẹ, Thắng kể: “Đó là vào năm 2008, khi em bị ra tòa vì tội cướp tài sản. Bà ngoại em có đưa mẹ đến tòa để gặp em, nhưng em khai với công an và tòa là không có ba mẹ. Tòa lúc đó thấy mẹ em đến, đã hỏi em sao có ba mẹ mà không nhận. Em nói, cả đời này em chưa bao giờ có ba mẹ, em chỉ có bà ngoại thôi...”.

    Thắng buồn bã kể về cuộc đời mình tại trại tạm giam.

    Nói đến đó, Thắng lặng đi một lúc. Thắng bảo: “Lúc đó mẹ em khóc. Em không biết cảm xúc của em là gì, nhưng chưa bao giờ em biết đến tình yêu thương của mẹ em. Em chỉ có hận. Cuộc đời em là những ngày tháng sống tủi thân và hận ba mẹ”. Thắng kể, Thắng không biết ba mẹ bỏ đi từ khi nào. Nhưng lớn lên, nghe bà ngoại nói bà nuôi Thắng và đứa em gái, từ lúc Thắng 2 tuổi, còn em gái chỉ mới 1 tuổi. Ngoại của Thắng nghèo, nghèo đến độ chẳng có nhà để ở. Mấy bà cháu đành phải thuê nhà trong một con hẻm nhỏ, rồi mưu sinh bằng nghề buôn bán vặt.

    Ân hận khi nghĩ tới bà ngoại

    Thắng không được đến trường, nhưng vẫn đau đáu về chuyện học hành, Thắng chia sẻ: “Em đã bao lần ước mơ được cắp sách đến trường. Nhưng vì ngoại quá nghèo nên em cũng đành chịu mù chữ. Mỗi lần đi qua ngôi trường nào đó, em lại tủi thân ghê gớm lắm. Ngay cả chữ ký của mình em còn không biết, nên mỗi lần ai nhắc đến việc phải ký nhận, đi làm giấy tờ gì là em ngại lắm”.

    Ngày 31/8, đại diện Công an huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) cho biết, cơ quan này vừa bắt tạm giam Nguyễn Việt Thắng (SN 1991, ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) về hành vi Trộm cắp tài sản. Theo thông tin ban đầu, trước đó ngày 22/8, Thắng bắt xe từ TP.HCM xuống ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Khi đến cửa hàng tạp hóa của anh Nguyễn Văn Công (xã Hưng Hiệp, huyện Thống Nhất, Đồng Nai), thấy anh Công dựng xe máy mà không rút chìa khóa. Lòng tham trỗi dậy, Thắng dắt xe ra đường rồi nổ máy chạy thẳng. Thấy có người trộm xe, anh Công chạy theo tri hô, nhiều người dân xung quanh dùng xe máy đuổi theo. Đến TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, hắn bị người dân đuổi kịp và bàn giao cho công an.

    Cũng vì không được đi học như bao bạn cùng trang lứa, lại thương bà ngoại vất vả, nên Thắng hay đi nhặt ve chai cùng đám bụi đời. Những năm tháng vất vả tuổi thơ ấy đã nhào nặn Thắng thành con người hư hỏng.

    10 tuổi, Thắng đã bị bạn bè rủ đi lang thang, nhặt nhạnh những thứ người ta vứt đi để bán ve chai, lấy tiền mua quà bánh. Dần dà, Thắng bị bạn bè rủ đi ăn trộm vặt. Bước ngoặt lớn nhất của Thắng là vào đầu năm 2008, lúc đó hắn vừa bước vào tuổi 17. Sau những ngày tháng ăn chơi hết tiền, Thắng đã đi ăn cướp. Nhưng ngay lần đầu tiên, Thắng đã bị công an bắt. Tháng 3/2008, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) tuyên án Thắng hai năm sáu tháng tù về tội cướp giật tài sản.

    Khi thấy bà ngoại già lọm khọm, vào tận trại giam thăm mình, Thắng vô cùng ân hận: “Em đã nghĩ, nếu được ra trại, em sẽ cố gắng làm ăn thật tốt. Không để bà ngoại phải khổ vì em nữa”. Được sự khoan hồng của Nhà nước, Thắng được giảm 3 tháng tù. Ra tù chưa được một năm, Thắng tiếp tục phạm vào con đường cũ. Lý giải cho lần cướp giật thứ hai của mình, Thắng gãi đầu tỏ vẻ ngượng ngùng: “Em ra tù, chẳng có việc gì làm để có nhiều tiền. Chỉ phụ bà bán lặt vặt. Thấy bạn có xe đẹp cũng muốn, có điện thoại đẹp cũng ham nên em lại tiếp tục phạm tội”.

    Lần này, Thắng bị bắt khi giật giỏ xách của một người phụ nữ ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Tháng 8/2011, Thắng bị TAND quận Gò Vấp kết án ba năm sáu tháng tù giam. Lần thứ hai ấy, ngoại Thắng khóc đến cạn kiệt nước mắt. Lau dòng lệ đang chạy dài, Thắng như trút hết tâm can mình: “Nói ra thì chẳng ai tin, nhưng mỗi khi gặp ngoại, thấy dáng ngoại gầy là em lại đau lòng. Em tự hứa với lòng, đó là lần phạm tội cuối cùng. Nhưng rồi em lại liên tiếp phạm sai lầm, nên giờ nói gì cũng không ai tin mình, nhưng tình thương em dành cho ngoại là có thật”.

    Khi nhắc về cha mẹ mình, phạm nhân này tỏ vẻ giận dỗi: “Nếu họ sống không hạnh phúc thì ít ra cũng hỏi han xem, em sống thế nào. Lâu lâu đến thăm em, mua cho em cái kẹo thôi cũng được. Chị không biết đâu, ngày nhỏ, mỗi khi thấy bạn bè được ba mẹ nó chăm bẵm, em thì lủi thủi một mình, em chỉ biết khóc thầm. Em nghĩ, sao cái điều giản đơn vậy mà ba mẹ em không làm được. Nghe nói, họ lấy chồng, lấy vợ, chăm bẵm mấy đứa con sau của họ lắm. Chỉ nghĩ vậy thôi là lòng em lại đau đớn”.

    Ở trong trại giam lần này, Thắng nhận được nhiều sự quan tâm của các cán bộ trong trại, đặc biệt là Thượng tá Quỳnh. Thắng nhận ra, mình phải sống khác đi, mới có thể thay đổi tương lai, cuộc đời mình và trả ơn cho bà ngoại. Hy vọng, sau khi ra tù, Thắng sẽ tìm cho mình một con đường hướng thiện. Vì, vẫn còn rất nhiều người cảm thông và quan tâm đến Thắng trong cuộc đời này.

    Một trong những trường hợp đặc biệt

    Thượng tá Hồ Sỹ Quỳnh chia sẻ: “Trường hợp phạm nhân Thắng rất đặc biệt. Tâm lý của phạm nhân này có nhiều vấn đề đáng báo động cho các bậc làm cha mẹ. Thắng bị ba mẹ bỏ rơi từ nhỏ, nên sống bất cần, lì lợm từng hai lần bị kết án vì tội cướp giật tài sản. Nhưng khi ra trại lại không chịu tu chí vì không có sự quan tâm, giáo dục của gia đình. Chính vì thế, khi Thắng vào đây, chúng tôi đã khuyên nhủ, tâm sự với hy vọng sau này phạm nhân sẽ tỉnh ngộ và không tái phạm nữa”.

    HƯƠNG SEN- DƯƠNG HẠNH

    [mecloud]AJY17ebd8f[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ten-trom-cap-duong-pho-voi-chien-tich-ba-lan-vao-trai-a110506.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.