+Aa-
    Zalo

    Tên lửa Thụy Điển gặp trục trặc, 'đi lạc' vào lãnh thổ Na Uy

    (ĐS&PL) - Giới chức Thụy Điển xác nhận, tên lửa do Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển (SSC) phóng đã đi chệch hướng và hạ cánh xuống vùng núi của nước láng giềng Na Uy.

    Truyền thông Thụy Điển đưa tin, tên lửa TEXUS-58 được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Esrange ở miền Bắc nước này, vào sáng 24/4. Tuy nhiên, nó đi theo quỹ đạo dài hơn, chệch hướng Tây hơn một chút so với dự kiến và hạ cánh sau khi hoàn thành đường bay 15 km vào Na Uy, cách địa điểm hạ cánh dự kiến khoảng 40 km về phía Tây Bắc.

    tranh cai hiem hoi giua na uy va thuy dien dspl
    Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển đang điều tra để xác định việc ​​tên lửa bay chệch hướng vào lãnh thổ Na Uy. Ảnh: Tập đoàn vũ trụ Thụy Điển

    “Tên lửa đáp xuống vùng núi ở độ cao 1.000 m và cách khu định cư gần nhất 10 km", Người phát ngôn của Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển Philip Ohlsson chia sẻ.

    Tên lửa sau đó đã được thu hồi và vận chuyển trở lại bãi phóng của Thụy Điển. Công việc thu hồi các bộ phận tên lửa đang được tiến hành và một cuộc điều tra đang được thực hiện để xác định các chi tiết kỹ thuật dẫn đến sự cố về đường bay.

    Về phần mình, Bộ Ngoại giao Na Uy đã bày tỏ không hài lòng với Thụy Điển vì đã không thông báo ngay cho nước này về vụ tai nạn. “Vụ va chạm tên lửa như thế này là một sự cố rất nghiêm trọng có thể gây ra thiệt hại nặng nề”, Bộ này cho biết.

    “Khi một vi phạm biên giới như vậy xảy ra, điều quan trọng là những người chịu trách nhiệm phải thông báo ngay cho các cơ quan hữu quan của Na Uy thông qua các kênh thích hợp”, tuyên bố khẳng định.

    Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Na Uy nói rằng họ chưa nhận được thông báo chính thức về vụ việc từ chính quyền Thụy Điển. Cơ quan Hàng không Dân dụng Na Uy chỉ biết về sự cố qua thông cáo báo chí của Tập đoàn Vũ trụ Thụy Điển phát hành hôm 24/4.

    Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết để thu hồi mảnh vỡ trên lãnh thổ Na Uy, SCC cần phải có sự đồng ý của Oslo.

    Tên lửa gặp sự cố là một phần của chương trình do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) ủy quyền. Trước đó, nó đã bay lên độ cao 250 km với ba thí nghiệm vi trọng lực. Hai trong số các thí nghiệm, là VIPer và Perwaves, có liên quan đến nghiên cứu “chuyển đổi xanh”, trong khi thí nghiệm thứ ba, được đặt tên là ICAPS, điều tra quá trình hình thành hành tinh.

    Mộc Miên (Theo The Guardian)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ten-lua-thuy-dien-gap-truc-trac-di-lac-vao-lanh-tho-na-uy-a573534.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan