Trang The Drive dẫn thông tin từ giới chức ly khai Lugansk cho biết, Ukraine được cho là đã sử dụng hệ thống ADM-160B do Mỹ sản xuất để thực hiện các cuộc tập kích.
Một bức ảnh do truyền thông Nga đăng tải cho thấy mảnh vỡ màu xám của một thiết bị bay với dòng chữ "ADM-160B" cùng các thông số kỹ thuật.
Đây được nhận định là diễn biến đáng quan tâm, bởi thứ vũ khí đặc biệt này có thể giúp lực lượng vũ trang Ukraine làm nhiễu loạn, quá tải đối với phòng không đối phương, tạo điều kiện cho tên lửa tấn công đích thực tiêu diệt mục tiêu. Tuy nhiên, trước đó, chưa có bất kỳ công bố chính thức nào về việc Mỹ chuyển giao các tên lửa mồi nhử này cho Ukraine.
MALD ADM-160B là tên lửa hành trình mồi nhử phóng từ trên không, được phát triển vào năm 2003 bởi tập đoàn Raytheon của Mỹ.
Vũ khí này có thể được phóng từ nhiều loại phi cơ, từ tiêm kích F-16 đến vận tải cơ hạng nặng, kèm theo khả năng giả dạng thành nhiều loại máy bay quân sự trong biên chế Mỹ hiện nay.
ADM-160 MALD có thiết kế chiều dài 2,38 m, sải cánh 0,65 m. Tên lửa nặng 115 kg có khả năng bao phủ khoảng cách 920 km dọc theo tuyến đường được lập trình sẵn ở tốc độ hành trình cận âm Mach 0,91.
ADM-160B là phiên bản hoàn chỉnh đầu tiên của dự án MALD, được đưa vào biên chế quân đội Mỹ năm 2009. ADM-160 MALD với tư cách là mồi bẫy nên có giá thành rất rẻ để phục vụ mục đích triển khai trên quy mô lớn, mỗi chiếc được bán cho quân đội Mỹ có giá 322.000 USD, đạt tầm bay hơn 900 km và có khả năng lượn liên tục trên vùng trời gần mục tiêu.
Đáng chú ý, tuy nhiệm vụ đã được lập trình sẵn, nhưng phi công của máy bay phóng có thể xác định lại mục tiêu trước khi phóng.
Đối mặt với tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD, các hệ thống phòng không của kẻ địch sẽ không thể phân biệt được một số lượng quá lớn mục tiêu, dẫn tới quá tải và bị gây nhiễu chủ động.
Mộc Miên (Theo The Drive)