Tên lửa CM-401 của Trung Quốc có quỹ đạo khác thường và tốc độ lớn, là bài toàn khó đối với hệ thống phòng thủ trên tàu sân bay và tàu chiến Mỹ.
Mô hình xe phóng của tổ hợp CM-401 tại triển lãm Chu Hải 2018. Ảnh: Livejournal. |
Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học hàng không Trung Quốc (CASIC) hôm 6/11 ra mắt tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới mang tên CM-401 tại Triển lãm Hàng không Chu Hải 2018.
Loại vũ khí này có thể được trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ và tàu khu trục hạng nặng Type-055, đặt ra thách thức lớn với Mỹ cùng các đồng minh, theo Drive.
Các thông tin chi tiết về tổ hợp tên lửa mới này chưa được tiết lộ nhưng các nhà phân tích quân sự tin rằng, tên lửa chính của chúng tương tự như tên lửa đạn đạo Iskander-M của Nga. Tên lửa CM-401 có hình dạng bên ngoài giống như tên lửa của Nga nhưng chúng trông nhỏ gọn hơn, tờ The Drive cho biết.
Chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận định tên lửa CM-401 có đường kính tối đa khoảng 85 cm, hình dáng rất giống mẫu Iskander-M của Nga nhưng nhỏ hơn. Bảng thông số của CASIC cho thấy CM-401 có tầm bắn 15-290 km, khiến nó được xếp vào loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Loại vũ khí mới này sẽ cho phép tên lửa có thể tấn công chính xác các vật thể to lớn và di chuyển tương đối chậm, chẳng hạn như tàu sân bay, tàu chiến cỡ lớn, cảng biển và các căn cứ của lực lượng Hải quân.
Hình ảnh cắt ngang phần đầu đạn của tên lửa CM-401 cho thấy nó dường như sử dụng radar mảng pha điện tử chủ động, có thể tự dẫn đường tới mục tiêu ở kì cuối. Ảnh: SCMP |
Tập đoàn CASIC thông báo thêm rằng, CM-401 có đặc điểm của tên lửa đạn đạo tầm gần với phần chiến đấu mạnh mẽ cho phép đạt tốc độ lên tới 4 đến 6 Mach. Một phần quỹ đạo của tên lửa sẽ đi vào khoảng không gian gần sau đó tấn công mục tiêu ở tốc độ cao.
Vì vậy loại tên lửa này sẽ trở thành bài toàn khó đối với hệ thống phòng thủ trên tàu sân bay và tàu chiến Mỹ, tờ The National Interest nhấn mạnh. Trước đó Lầu Năm Góc đã xác định rằng, Trung Quốc đang dần dần trở thành đối thủ tiềm năng chính của Mỹ chứ không phải Nga.
Đồ họa đi kèm với mô hình CM-401 cho thấy nó có quỹ đạo bay kiểu "lượn sóng", trong đó đầu đạn liên tục thay đổi độ cao trong hành trình bay. Khi tới gần mục tiêu, đầu đạn CM-401 đột ngột bay vọt lên rồi lao thẳng xuống với vận tốc rất lớn.
Kiểu cơ động này dường như sẽ giúp tăng tầm cho tên lửa đạn đạo, nhưng cũng tạo ra quỹ đạo bay bất thường khiến đối phương gần như không thể ngăn chặn được.
Tốc độ trong pha cuối của CM-401 đạt 4.940-7.410 km/h. CASIC cho biết quả đạn có thể xuyên thủng mọi lá chắn trên tàu chiến hiện nay nhờ sự kết hợp giữa tốc độ cao và khả năng cơ động phức tạp. Mỗi bệ phóng CM-401 có thể khai hỏa hai quả đạn theo quỹ đạo khác nhau để tấn công tối đa hai mục tiêu cùng lúc, khiến đối phương càng khó chống đỡ.
Mô phỏng quỹ đạo bay của CM-401. Đồ họa: Sina. |
Loại tên lửa CM-401 sẽ nằm trong kho vũ khí của các đơn vị phòng không gần biển và trên các tàu khu trục loại “055”. Ngoài ra, có thông tin cho rằng, CM-401 cũng sẽ có phiên bản xuất khẩu.
Việc Trung Quốc sở hữu ngày càng nhiều loại tên lửa diệt hạm phức tạp hơn sẽ buộc Mỹ phải tăng cả số lượng tàu chiến lẫn năng lực phòng thủ của chúng. Hải quân Mỹ lên kế hoạch tăng số tàu chiến chống tên lửa đạn đạo lên 57 chiếc vào năm 2023 với tổng cộng 600 tên lửa đánh chặn các loại.
"Khi được trang bị cho khu trục hạm Type-055, tên lửa CM-401 sẽ đặt ra thách thức lớn với mọi đối thủ của Trung Quốc nếu chiến tranh nổ ra trên Thái Bình Dương", chuyên gia Trevithick nhận xét.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)