Quan chức Mỹ lo ngại rằng, S-500 mạnh đến mức có thể gây nguy hiểm cho cả những chiếc máy bay chiến đấu tàng hình cực kỳ tối tân của họ như F-22, F-35 và B-2.
Các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga được nhiều quốc gia quan tâm. Ảnh: Getty |
Trong khi khẳng định “phần lớn thông số kỹ thuật của hệ thống phòng không mới S-500 vẫn đang trong vòng bí mật” thì hãng tin Sputnik tuần này bắt đầu để rò rỉ một số thông tin về loại vũ khí mới cực kỳ tối tân này của Nga.
S-500 có những chỉ số cho thấy uy lực vượt trội so với những hệ thống tiền nhiệm như S-300 và S-400 cũng như với các đối thủ từ nước ngoài. Nó được mệnh danh là "hệ thống phòng không hàng đầu thế giới" ở thời điểm hiện tại.
Tên lửa S-500 có khả năng bắn hạ bất cứ loại máy bay, tên lửa nào ở giai đoạn bay cuối cùng của chúng, đồng thời thực hiện đánh chặn các tên lửa đạn đạo liên lục địa ở trong cũng như ở ngoài không gian.
S-500 hứa hẹn sẽ trở thành tổ hợp đánh chặn trên không đầu tiên có khả năng tiêu diệt tên lửa siêu thanh. Tầm bắn của nó khoảng 600km, đây hoàn toàn là một kỷ lục. Ngay trong quá trình thử nghiệm, tổ hợp này đã cho thấy tầm bắn đáng kinh ngạc, điều này đã chính thức được ghi nhận. S-500 có thể đánh chặn các mục tiêu đang bay với tốc độ 7km/s.
Một đặc điểm rất quan trọng và hữu ích của tổ hợp này là khả năng tiêu diệt các mục tiêu trên vũ trụ đang bay trong quỹ đạo gần Trái đất.
Hay nói cách khác, với sự trợ giúp của S-500, Nga có thể vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc và dẫn đường của đối phương chỉ ngay trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột sau khi bắn hạ các vệ tinh của họ trên quỹ đạo.
Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ảnh: RT |
Điểm nổi bật của S-500 so với các S-300 và S-400 là sử dụng công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi, tiêu diệt), tức phá hủy mục tiêu bằng động năng sinh ra từ vụ va chạm tốc độ cao, thay cho thuốc nổ.
Hiện tại, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã thiết kế 2 loại tên lửa đánh chặn mới cho hệ thống S-500 là 77N6-N và 77N6-N1. Chúng sẽ đánh chặn mục tiêu theo kiểu va chạm trực tiếp ở tốc độ siêu thanh thay vì nổ phá mảnh ở khoảng cách gần. Những loại tên lửa đánh chặn này cũng có thể được sử dụng cho cả S-400.
Theo chuyên gia Dave Majumdar, hệ thống S-500 một khi được triển khai, có thể kết nối với các hệ thống khác của Nga để tạo nên một hệ thống phòng thủ hợp nhất. Majumdar nhận định một số quan chức Mỹ đang lo ngại hệ thống này có khả năng đe dọa tới các chiến đấu cơ F-22, F-35 và B-2 tối tân của Washington.
Khi S-500 lần đầu tiên xuất hiện, tướng Viktor Gumenny, Phó Tư lệnh Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga khẳng định năm 2017 rằng việc chuyển giao các hệ thống S-500 sẽ diễn ra vào một thời điểm nào đó năm 2020. Trong khi một số người nhận định hệ thống phòng thủ tên lửa S-500 có thể mới ở dạng mô hình để thử nghiệm thì một số bài báo cho rằng hệ thống này đã bước vào giai đoạn sản xuất.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)