Sức mạnh của tên lửa ATACMS
Tờ New York Times ngày 17/11 đưa tin, lần đầu tiên chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa đạn đạo do Washington cung cấp để tấn công vào các mục tiêu quân sự trong lãnh thổ Nga, theo Tuổi Trẻ Online. Cụ thể, đó là Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS).
Được biết, ATACMS là tên lửa đạn đạo do Tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ sản xuất. Tùy thuộc từng mẫu, ATACMS có thể tấn công mục tiêu cách xa 190 dặm (khoảng 300km) hoặc ngắn hơn, với đầu đạn chứa khoảng 375 pound (170kg) thuốc nổ.
ATACMS bay cao vào bầu khí quyển, sau đó quay trở lại mặt đất với tốc độ cực cao do lực hấp dẫn, với vận tốc tối đa lên tới Mach 3. Loại tên lửa này có thể được bắn từ bệ phóng di động HIMARS mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine, cũng như từ bệ phóng M270 cũ hơn mà Anh và Đức đã gửi đến.
Điểm mạnh của đạn tên lửa đạn đạo ATACMS là khả năng tự dẫn đường kết hợp giữa quán tính và định vị vệ tinh GPS. Ngoài khả năng mang đầu đạn thông thường, khi cần, tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân để tạo đòn tấn công hủy diệt đối thủ.
Mặc dù có thể tấn công vào các mục tiêu ở sâu hơn trong lãnh thổ Nga so với bất kỳ tên lửa nào khác của Ukraine, ATACMS không thể bay xa như tên lửa hành trình hoặc là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tên lửa ATACMS được phát triển vào thập niên 1980 để phá hủy các mục tiêu có giá trị cao của Liên Xô nằm sâu trong phòng tuyến. Lúc đó, đây là vũ khí dẫn đường hiếm hoi ở thời điểm Mỹ chủ yếu dựa vào "bom ngu" (bom không dẫn đường) và các loại đạn dược không dẫn đường khác.
Ngày nay, Lầu Năm Góc có hai phiên bản ATACMS trong kho vũ khí, bao gồm đầu đạn đơn thông thường và đầu đạn chùm.
Mỹ từng sử dụng tên lửa ATACMS trong chiến đấu. Theo hồ sơ chính phủ nước này, quân đội Mỹ đã phóng khoảng 30 tên lửa ATACMS vào năm 1991 trong "Chiến dịch Bão táp sa mạc". Chúng được sử dụng để tấn công các bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung và các địa điểm tên lửa đất đối không của Iraq.
Các phiêm bản bom chùm thế hệ đầu tiên có thể bay khoảng 161km. Khi bay qua mục tiêu, chúng thả 950 quả bom bi. Quân đội Mỹ từng bắn hơn 400 tên lửa ATACMS mang bom bi trong những giờ đầu của Chiến dịch Tự do Iraq năm 2003.
Ukraine có thể sử dụng tên lửa ATACMS như thế nào?
Theo New York Times, quân đội Nga đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công lớn với khoảng 50.000 quân nhắm vào các vị trí của Ukraine tại vùng Kursk với mục tiêu giành lại toàn bộ các phần lãnh thổ Nga mà quân Ukraine đã kiểm soát từ tháng 8/2024.
Ukraine có khả năng sẽ sử dụng tên lửa ATCMS để tấn công các khu vực tập trung quân, các thiết bị quân sự quan trọng, các kho hậu cần, đạn dược và các tuyến tiếp tế sâu bên trong nước Nga, theo thông tin trên VietnamPlus.
Vào năm 2023, Tổng thống Biden đã đồng ý cung cấp hàng trăm tên lửa ATACMS cho Kiev để sử dụng trên các phần lãnh thổ Ukraine mà Nga kiểm soát, bao gồm bán đảo Crimea. Hiện tại, không rõ Ukraine còn bao nhiêu tên lửa này trong kho vũ khí của mình để sử dụng ở vùng Kursk.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, tên lửa ATACMS rất quan trọng với khả năng tiến hành một cuộc phản công rộng hơn. Nhà lãnh đạo Ukraine cũng khẳng định ông không có kế hoạch tấn công các thành phố hoặc dân thường Nga.
Ngày 17/11, trong bài phát biểu hàng đêm, ông Zelensky đã ám chỉ rằng lệnh hạn chế của Mỹ đã được dỡ bỏ nhưng không xác nhận, nói rằng: "Những điều như vậy không được công bố. Các tên lửa sẽ tự nói lên điều đó”.