"Như lời đồn" như một giọt nước tràn ly khiến những tranh cãi về cách đặt tựa đề bài hát “bùng nổ” trong giới nghệ sĩ của làng nhạc Việt.
"La ó” vì chơi chữ, nói lái ở tên bài hát
Những tranh cãi về tựa đề bài hát một lần nữa lại nóng lên khi ca khúc Như lời đồn – sản phẩm mới của nhạc sĩ Khắc Hưng kết hợp với Bảo Anh được tung ra cách đây ít ngày. Dù phá cách với chất Latin sôi động, khác lạ, ấy nhưng Như lời đồn lại hứng “gạch đá” chỉ vì chơi chữ ở tên bài hát.
Theo đó, tựa đề Như lời đồn bị chỉ trích nhạy cảm, dễ khiến người nghe liên tưởng đến những từ ngữ tế nhị trên mạng xã hội. Chính ca sĩ Bảo Anh, ngay sau khi phát hành sản phẩm, cũng phải đăng đàn nhắn nhủ khán giả: “Đề nghị các bạn trẻ ngưng đọc lái tên bài hát dưới mọi hình thức”.
MV của Bảo Anh kết hợp với Khắc Hưng gây tranh cãi vì tên bài hát. |
Tuy nhiên, mặc "cơn bão" đang bủa vây, cả Bảo Anh và Khắc Hưng đều chọn cách im lặng. Trước đó, cái tên Khắc Hưng từng bị réo tên khi tung ca khúc với cái tựa khó nghe - Như cái lò. Ca khúc bị đánh giá thất bại ngay từ cái tên và là bước “thụt lùi” của chàng nhạc sĩ mang danh “hit-maker” của làng nhạc Việt.
Thực tế, việc đặt tên bài hát theo kiểu “muốn hiểu sao thì hiểu”, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, lành mạnh hay dung tục dường như đang trở thành trào lưu. Ngoài Như lời đồn, Như cái lò của Khắc Hưng, làng nhạc Việt cũng tồn tại không ít những tên ca khúc khiến người nghe phải “la ó” như: Nắng cực (Phạm Toàn Thắng), Xếp hình (Tăng Nhật Tuệ), Thu dẩm (rapper LK),…
Và, Như lời đồn như một giọt nước tràn ly khiến những tranh cãi về cách đặt tựa đề bài hát “bùng nổ” trong giới nghệ sĩ của làng nhạc Việt.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung gay gắt bày tỏ: “Tôi đánh giá rất thấp những người đã mang trên vai tấm áo nghệ sĩ, mà cứ muốn thể hiện cái “ngông”, cái “thô”, cái “tục” trong những tác phẩm của mình. Là nghệ sĩ đúng nghĩa, nên định hướng khán giả chứ đừng nên hùa theo khán giả”.
Thậm chí, nhạc sĩ Dương Cầm còn thẳng thắn phát ngôn rằng: "Tôi chỉ là một người dân bình thường. Nhưng nếu tôi có quyền tôi sẽ cấm ca khúc đó”.
Có cung ắt có cầu?
Trong khi đó, nhạc sĩ Dương Khắc Linh – người từng lớn lên và có thời gian khá dài hoạt động âm nhạc ở nước ngoài lại có góc nhìn khác. “Tôi cảm thấy những tựa đề ca khúc Như lời đồn, Như cái lò,… rất bình thường. Ở nước ngoài, nghệ sĩ được tự do, thoải mái sáng tạo nghệ thuật, người nghe không thích thì không nghe. Song, đó là quyền của nghệ sĩ và khán giả vẫn luôn tôn trọng.
Tuy nhiên, đối với thẩm mỹ và văn hóa của người Việt còn khá nhạy cảm, và chưa quen với những cụm từ như vậy. Cuộc sống có rất nhiều mặt, nhưng đôi khi đưa vào một tác phẩm nghệ thuật lại thành ra nhạy cảm. Nhưng, cũng đừng đổ hết lỗi cho nghệ sĩ, mà cũng do cách nói chuyện của giới trẻ bây giờ. Tôi thấy trên mạng xã hội đầy rẫy những cụm từ nhạy cảm, và trở thành một thói quen trong giao tiếp của giới trẻ”.
Hơn 20 năm gắn với nghiệp cầm ca, Vũ Hà nhìn nhận, đối với người nghệ sĩ, việc “bỏ túi” một hai ca khúc được khán giả yêu mến, thậm chí nhận giải Cống hiến chưa chắc họ sẽ gắn bó lâu dài với nghệ thuật. Nhưng, đôi khi họ nổi loạn, làm “trai hư”, “gái hư” qua một vài bài hát cũng chưa chắc sẽ đánh mất hết cái chất nghệ sĩ trong con người họ.
Giọng ca Búp bê chao mi ao cho rằng, đa số những ca khúc có tựa đề nhạy cảm gây tranh cãi đều rơi vào nghệ sĩ trẻ. Còn với những nghệ sĩ lớn tuổi, có tầm sẽ ý thức được cái gì nên làm, và không nên làm, vậy nên họ sẽ không bị cuốn theo. “Tuy nhiên, để xảy ra thực trạng tựa đề bài hát chơi chữ, nói lái nhạy cảm gây tranh cãi, thiết nghĩ có cung ắt có cầu. Lớp khán giả nghe các ca khúc này đều là những người trẻ. Còn những người lớn tuổi, thì đọc tiêu đề họ đã không muốn nghe rồi.
Có thể thấy, những ca khúc này đã bị xã hội hóa, phản ánh những câu nói, xu hướng trên mạng xã hội để lôi cuốn các khán giả trẻ. Điều này cũng lý giải tại sao bài hát không hay nhưng số lượng người xem vẫn tăng ầm ầm. Tuy nhiên, tuổi thọ của những ca khúc này cũng không tồn tại được lâu, chỉ trào lưu được vài tháng xong chìm nghỉm”, Vũ Hà nói thêm.
Còn với ca sĩ Châu Khải Phong, đẳng cấp và cá tính không nằm ở tựa đề ca khúc. Bởi, có những sáng tác nhạy cảm, nhưng nếu nhìn ở khía cạnh vui vẻ, nó sẽ khác. Tuy nhiên, nếu nhìn lời lẽ theo hướng tiêu cực thì mọi chuyện bị đẩy đi khá xa.
“Cá nhân tôi không ủng hộ những ca khúc dung tục, nhưng nếu chê bai thì không, vì mỗi người có một cá tính thể hiện riêng. Với người này, ca từ đó có thể vui vẻ, hài hước, nhưng với người khác lại trở nên phản cảm. Cũng từ những ồn ào này, tôi lấy đó làm bài học để tránh đi vào “vết xe đổ”, không làm khán giả của mình buồn”, giọng ca Ngắm hoa lệ rơi bày tỏ.
Nhạc sĩ, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha: "Đừng nói nhiều, bàn nhiều về những sáng tác gây tranh cãi"
“Bài hát là một sản phẩm văn hóa - nghệ thuật. Trong đó, tựa đề bài hát rất quan trọng, bởi nó thể hiện được diện mạo, tinh thần của tác phẩm. Vậy nên, việc đặt những tiêu đề dễ gây hiểu lầm là không nên. Còn nếu định bông đùa với nghệ thuật, thì đó là việc của người nghệ sĩ. Nhưng, đó không phải là sản phẩm của nhân loại. Ngày xưa cũng có những bài hát khôi hài, nhưng vẫn ở trong chừng mực và được khán giả đón nhận, yêu mến. Thời nào cũng có rất nhiều bài hát ra đời. Nhưng, bây giờ người ta lại sàng lọc lại những bài hát tử tế và có sức sống mãnh liệt qua hàng thế kỷ. Thế nên, những bài hát kiểu bông đùa như vậy cũng không tránh khỏi được sự sàng lọc. Tuy nhiên, mình cũng không thể cấm được quyền tự do sáng tạo của mọi người. Nhưng, những bài hát theo dạng này thì khó phổ biến lâu dài được, bởi nhiều người sẽ không thích. Dù vậy, chúng ta cũng không nên nói nhiều về những sáng tác như vậy, bởi vô tình lại PR, phát tán thêm”, nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhìn nhận. |
Hà Linh
Theo Người Đưa Tin