+Aa-
    Zalo

    Tế bào gốc trong thực phẩm chức năng: Quảng cáo siêu "nổ", bán siêu đắt

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không chỉ lăn kim, tiêm thuốc tại các spa, cơ sở làm đẹp... Tế bào gốc còn xuất hiện cả trong thực phẩm chức năng dưới dạng viên uống.

    Không chỉ lăn kim, tiêm thuốc tại các spa, cơ sở làm đẹp... Tế bào gốc còn xuất hiện cả trong thực phẩm chức năng dưới dạng viên uống. Cũng với chiêu quảng cáo “siêu nổ” và “siêu đắt”... thị thường thực phẩm chức năng có chứa tế bào gốc ngày càng bát nháo. Chưa thấy tác dụng đến đâu nhưng sử dụng tế bào gốc dưới dạng thực phẩm chức năng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ...

    Uống cả máu, mỡ, nhau thai

    Đa phần hiện nay, cũng lợi dụng thói quen tiêu dùng “truyền khẩu” mà phần lớn khách hàng bị lừa đảo một cách trắng trợn trước những sản phẩm và công nghệ được gắn thêm một thuật ngữ rất chuyên môn và rất hiện đại là... “tế bào gốc”. Đi kèm với thuật ngữ chuyên môn này là một thị trường thật giả lẫn lộn về các loại viên uống chứa tế bào gốc có trong máu người, nhau thai và cả nội tạng.

    PV đã tìm hiểu thị trường buôn bán các loại sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ tế bào gốc. Các loại tế bào gốc chiết xuất từ nhau thai cừu, nhau thai hươu nổi lên rầm rộ với giá thành khá đắt đỏ.

    Viên nang uống nhau thai hươu có giá cắt cổ.

    Theo quảng cáo từ một trang web X., các sản phẩm này được lấy trực tiếp từ nhau thai của cừu hoặc hươu, chúng có thể được sử dụng dưới dạng viên nang uống có giá lên đến 5 triệu đồng một vỉ 20 viên. Một lọ viên nang từ nhau thai hươu tại đây có giá 10 triệu đồng.

    Theo tìm hiểu của PV, trên thị trường hiện nay, mỹ phẩm có chứa tế bào gốc được làm từ nhau thai cừu chủ yếu nhập khẩu từ Úc, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, NewZealand... được bán với giá khác nhau, dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó được người bán giới thiệu là hàng xách tay “chính hãng” từ nước ngoài nên có chất lượng vô cùng hoàn hảo.

    Không chỉ nhau thai cừu, sản phẩm tế bào gốc từ nhau thai người dù bị cấm nhưng vẫn được buôn bán công khai và với quảng cáo có tác dụng trị “bách bệnh”, từ tăng cường sức khỏe, làm đẹp cho chị em phụ nữ đến tăng cường sinh lực cho quý ông...

    Sản phẩm có giá tương đối “chát” là “tinh chất tế bào gốc Placenta Diamond Gold” được quảng cáo tách từ màng lót cuống rốn, sẽ giúp chống lão hóa, kích thích chức năng đổi mới tế bào trong cơ thể, tạo ra collagen tự nhiên của cơ thể khiến cho da mượt mà hơn, giúp ngăn ngừa mỡ tích tụ dưới da và được rao bán lên đến 4.990.000 đồng cho một bộ sản phẩm 5 ống. Còn serum tế bào gốc P'cell Filler có giá lên đến 8.500.000 đồng/lọ.

    Hay sản phẩm “Filorga 4 in 1 tế bào gốc” được quảng cáo có thành phần kết hợp 4 tế bào gốc xương, máu, tạng, mô, giúp tăng cường sức khỏe, làm đẹp cho cả nam và nữ... Giá bán một sản phẩm như “Filorga 4 in 1 tế bào gốc” có giá lên tới 16 triệu đồng/hộp.

    Giao dịch với một đại lý bán nhau thai người qua số điện thoại 0933 210xxx, người bán hàng tên Tiên giới thiệu mình là nhân viên của một spa uy tín ở TP.Hồ Chí Minh. Tiên cho biết: “Dòng tế bào gốc tách từ nhau thai người bên mình đang cung cấp chỉ có loại melsmont nhập khẩu từ Nhật. Dòng sản phẩm này vì chưa được cấp phép của bộ Y tế nên rất ít nơi có, chỉ có bên mình cung cấp, do bên Nhật trực tiếp gửi về.

    Tác dụng của nó rất tốt, vừa có thể chữa bệnh về nội tiết tố, vừa có thể làm đẹp da. Vì là tế bào gốc từ nhau thai người nên nó rất lành tính, đặc biệt không bao giờ gây ra phản ứng hoặc tác dụng phụ khi tiêm, không có chuyện không hợp với cấu trúc gene của mình. Một hộp của loại này có 50 ống, mỗi ống chỉ có 2ml nên mỗi lần chị phải tiêm vào mông 2 ống, mỗi hộp tiêm được 25 lần”.

    Đặc biệt, Tiên còn cho biết, khách hàng có thể sử dụng sản phẩm thoải mái mà không hạn chế liều dùng, giá sản phẩm chỉ 13,9 triệu đồng/hộp và có thể ship hàng toàn quốc.

    Vẫn công khai lừa đảo?

    Dù đã được cảnh báo, nhưng trên thực tế, hiện nay, thị trường các sản phẩm làm đẹp da gắn liền với 3 từ “tế bào gốc” khá phức tạp khi xuất hiện tràn lan và nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ.

    Thường những sản phẩm được quảng cáo chiết xuất từ tế bào gốc có sự thật giả lẫn lộn, giá rẻ nhất cũng vài trăm ngàn đồng, đắt thì lên đến hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng nhưng chất lượng thì hầu hết không có cơ quan chức năng nào kiểm chứng. Sau khi “chìm” một thời gian, các loại sản phẩm tế bào gốc lại tiếp tục nổi lên nhờ phương thức quảng cáo của các spa, thẩm mỹ viện.

    Thực hư của các loại mỹ phẩm này chưa biết đến đâu nhưng theo các chuyên gia về tế bào gốc, kích thước của tế bào gốc khoảng 15-20 micromet nên không thể thâm nhập qua da, kể cả khi sử dụng kim lăn.

    Hơn nữa nguồn tế bào gốc nếu có trong mỹ phẩm hoàn toàn khác với cấu trúc tế bào của người sử dụng, do vậy sẽ xảy ra phản ứng đào thải tế bào lạ và gây ra phản ứng viêm hoặc dị ứng khi sử dụng. Mỹ phẩm công nghệ tế bào gốc của Việt Nam có lẽ sử dụng những chất kích thích sự tăng trưởng của tế bào sợi. Tuy nhiên đây là những men phản ứng của tế bào, vì vậy bảo quản trong một lọ mỹ phẩm thông thường là điều không tưởng.

    TS.Trần Ngọc Quế, Giám đốc ngân hàng Tế bào gốc, viện Huyết học và Truyền máu trung ương.

    Còn với tế bào gốc có nguồn gốc từ thực vật, TS. Trần Ngọc Quế - Giám đốc ngân hàng Tế bào gốc Việt Nam cho biết, về mặt bản chất, màng tế bào gốc của thực vật là màng xenlulozơ (cellulose) còn màng động vật được cấu thành bởi một lớp phospholipid kép và các protein.

    Hai loại màng tế bào này hoàn toàn khác nhau. Tế bào gốc thực vật nằm ở mô phân sinh của thực vật: Mô phân sinh ngọn và mô phân sinh bên; là nguồn gốc cho sự sống thực vật, cung cấp ổn định các tế bào tiền thân tạo thành các mô và các cơ quan khác nhau trong thực vật.

    Nếu nói như các spa, thì việc dùng tế bào gốc thực vật để đưa thông tin “đánh thức” tế bào gốc động vật thực tế chỉ là phần quảng cáo quá lên của các cơ sở làm đẹp.

    Việc làm đẹp từ tế bào gốc không hề đơn giản, chưa nói đến những rủi ro khiến các nguy cơ lây lan bệnh truyền nhiễm rất cao. Cũng chính vì vậy mà bộ Y tế cấm sử dụng hệ cơ quan của con người (động vật) để sản xuất mỹ phẩm, ứng dụng để làm đẹp. Bên cạnh đó Hiệp định Mỹ phẩm ASEAN cũng có quy định cấm như vậy. Với những mỹ phẩm có nguồn gốc từ tế bào gốc thì không được cấp phép để lưu hành.

    Tuy vậy, trên thị trường các loại mỹ phẩm được quảng cáo có chứa tế bào gốc vẫn được quảng cáo rầm rộ và tác dụng lên trời. Có thể thấy, những gì được gắn mác “tế bào gốc” hiện có trên thị trường là 100% lừa đảo và những người kinh doanh sản phẩm ấy đều là gian dối, vi phạm pháp luật...

    Sở Y tế Hà Nội sẽ vào cuộc

    Trao đổi với PV, Chánh thanh tra sở Y tế Nguyễn Việt Cường cho biết: “Các cơ sở quảng cáo các dịch vụ làm đẹp bằng tế bào gốc có nguồn gốc từ người như vậy là vi phạm. Sở Y tế sẽ tiến hành kiểm tra các cơ sở làm đẹp, các spa mà báo nêu. Sở Y tế khẳng định không bao che cho các cơ sở sai phạm, lợi dụng tế bào gốc để quảng cáo sai sự thật nhằm trục lợi”.

    Lại Cường - Dương Nhung

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/te-bao-goc-trong-thuc-pham-chuc-nang-quang-cao-sieu-no-ban-sieu-dat-a190807.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan