Trong Tây Du Ký, cũng giống như Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng, Đường Tăng cũng là một nhân vật đặc biệt, có xuất thân lợi hại. Theo nguyên tác, tác giả Ngô Thừa Ân từng miêu tả kiếp trước, Đường Tăng vốn là Kim Thiền Tử, đồ đệ thứ hai của Phật Tổ Như Lai. Vì không nghe giảng pháp, ngủ gật trong giờ giảng kinh và vô tình đá đổ một hạt gạo, Kim Thiền Tử đã bị đày xuống hạ giới tu luyện 10 kiếp.
Theo đó, trong 9 kiếp đầu, trên hành trình đi lấy kinh ở Tây Trúc, cứ đến sông Lưu Sa, Kim Thiền Tử lại bị yêu quái cai trị khu vực này là Quyển Liêm (Sa Tăng) ăn thịt. Tới kiếp thứ 10, chính là kiếp Đường Tăng, Kim Thiền Tử được sinh ra ở Đông Thổ Đại Đường. Ngay từ khi sinh ra, số phận đã gặp nhiều khó khăn, cha bị giết, mẹ cũng bị làm hại, bản thân Kim Thiền Tử bị thả bè trôi sông suýt chết đuối.
Không những thế, con đường tu luyện trong kiếp này cũng đầy gian nan, vất vả. Tuy nhiên, trên đường thỉnh kinh, Đường Tăng đã gặp gỡ và thu nhận thêm các đồ đệ là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng. Được sự phò tá của các đồ đệ, Đường Tăng kiên định tâm cầu phật pháp, cuối cùng đã tới được Linh Sơn.
Giống như các đồ đệ của mình, Đường Tăng cũng có nhiều tên gọi khác nhau: Trong đó, Kim Thiền Tử là tên được dùng kiếp trước của nhân vật này. Trong tiếng Hán, "Kim Thiền" nghĩa là con ve sầu, mượn ý trong "Kim thiền thoát xác" (ve sầu lột xác).
Giang Lưu Nhi (tên hồi bé của Đường Tăng trong kiếp thứ 10): Có nghĩa là đứa trẻ trôi sông, cái tên này được đặt bởi Pháp Minh thiền sư, khi Đường Tăng hồi bé bị mẹ thả sông lưu lạc.
Trần Huyền Trang (tên của Đường Tăng trong kiếp thứ 10): Cái tên này cũng được đặt bởi Pháp Minh thiền sư khi Đường Tăng lên 18 tuổi, lấy họ của cha là Trần.
Đường Tam Tạng (Đường Tăng): Được vua Đường Thái Tông đặt trước khi đi lấy kinh, lấy tên nước Đường làm họ, đi lấy 3 tạng kinh nên gọi là Tam Tạng.
Chiên Đàn Công Đức Phật: Được phong phật khi lấy được kinh, tu thành chính quả.
Minh Hạnh (T/h)