Trong Tây Du Ký, Tôn Ngộ Không là nhân vật nổi bật nhất và được khán giả nhớ tới nhiều nhất bởi bản lĩnh và phép thuật cao cường. Tuy nhiên, trên hành trình thỉnh kinh, ngoài Ngộ Không, Đường Tăng còn có 2 đồ đệ khác là Trư Bát Giới và Sa Tăng.
Trong đó, Trư Bát Giới là vị đồ đệ thứ 2 được Đường Tăng thu nhận đi thỉnh kinh sau Tôn Ngộ Không. Cái tên Trư Bát Giới cũng là do Đường Tăng đặt cho nhị đồ đệ. Theo đó, tên của Trư Bát Giới có nghĩa là 8 giới hạn mà con người không được vượt qua nhằm tu tâm dưỡng tính, bao gồm không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, ko trang điểm, ko ngồi nằm trên giường quá rộng và phải ăn chay.
Theo dõi Tây Du Ký, khán giả có thể dễ dàng nhận thấy Bát Giới là nhân vật lười biếng, ham ăn và háo sắc. Trên hành trình thỉnh kinh gian khổ, nhân vật này đã không ít lần khiển sư phụ và các huynh đệ rơi vào hiểm nguy vì bản tính của mình. Thế nhưng vì ham ăn nên Bát Giới lại luôn là người đầu tiên mang bát xông xáo đi xin cơm chay cho sư phụ. Bên cạnh vẻ lười biếng thường thấy, Bát Giới cũng hay gánh hành lí đỡ cho sư đệ Sa Tăng trên nhiều đoạn đường.
Ngoài ra, Bát Giới dù luôn tỏ vẻ vô dụng nhưng thực chất lại là nhân vật vô cùng lợi hại bởi trước khi bị đày xuống hạ giới, y từng là Thiên Bồng Nguyên Soái trên Thiên đình. Những lần Tôn Ngộ Không gặp chuyện không lành đánh nhau với yêu quái, Bát Giới cũng chính là người ra tay cứu sư huynh hoặc đi tìm người giúp đỡ. Trong đó, khi Ngộ Không bị ngọn lửa Tam muội chân hoả của Hồng Hài Nhi thiêu đốt tới hồn bay phách lạc, Bát Giới chính là người ra tay sử dụng thuật Cải tử hoàn sinh để cứu hầu tử.
Trong khi đó, tam đồ đệ Sa Tăng dù được miêu tả ít hơn những cũng không kém phần lợi hại. Năm xưa, Sa Tăng cũng là thần tiên trên trời vì mắc lỗi nên bị phạt xuống làm thủy quái ở sông Lưu Sa. Bồ Tát khi ấy đã dặn dò Sa Tăng thấy Đường Tam Tạng đi qua thì hãy xin đi theo để xóa được tội lỗi.
Ban đầu lúc chưa nhận ra sư phụ, Sa Tăng đã đánh nhau với Tôn Ngộ Không và Trư Bát Giới. Nhưng vì chỉ biết 18 phép thần thông nên Sa Tăng không thể đấu lại với hai vị sư huynh này được. Đuối sức, Sa Tăng nhảy xuống nước. Lúc này, chỉ còn Trư Bát Giới có thể tiếp tục trận đánh vì thuỷ chiến là điểm yếu của Ngộ Không. Khi chỉ đấu với một mình Bát Giới, Sa Tăng không hề thua kém, hai bên thậm chí còn bất phân thắng bại.
Sau đó, đến khi Bồ Tát phái Mộc Tra xuống thì Sa Tăng mới chịu hàng phục.Trong suốt cuộc hành trình, hình ảnh Sa Tăng hầu hết đều gắn với gánh hành lý nặng trĩu trên vai hoặc đang dắt chú bạch mã.
Khi lên đường đi thỉnh kinh cùng sư phụ và các sư huynh, Sa Tăng là người bảo vệ và mang vác hành lý của cả đoàn. Nguyên nhân là bởi trong hành lý có 3 món đồ quý giá là chiếc áo cà sa bằng gấm, bát xin cơm bằng vàng và văn bản thông quan. So với 2 sư huynh, Sa Tăng là người không có lòng tham và cũng không ham hư vinh nên phù hợp bảo vệ hành lý nhất.
Bên cạnh đó, Sa Tăng cũng có đôi lần tham gia đánh nhau với yêu quái cùng các sư huynh nhưng chủ yếu đều để bị bắt hoặc chạy trốn.
Xem xét cái điểm này, Trư Bát Giới có nhiều điểm có thể giúp ích cho sư phụ hơn khi vừa có thể bảo vệ sư phụ và cũng xông xáo kiếm cơm cho sư phụ ăn. Tuy nhiên, tất cả các nhân vật đều góp phần không thể thiếu trong việc xây dựng thành công một tượng đài tiểu thuyết và phim bất diệt. Thiếu bất kì ai cũng không thể còn lại một Tây Du Ký trọn vẹn.
Minh Hạnh (T/h)