Trong Thất Đại Thánh, Tôn Ngộ Không là người có vai vế thấp nhất. Vậy 6 nhân vật kia là những ai mà có thể khiến Tề Thiên Đại Thánh cam nguyện làm tiểu đệ.
Tôn Ngộ Không khi mới tầm sư học đạo trở về đã cùng với 6 đại ma vương trong Tam Giới kết nghĩa huynh đệ, cùng nhau xưng thánh. Vậy 6 ma vương này là những ai mà có thể khiến Tề Thiên Đại Thánh cam nguyện làm tiểu đệ.
Khi đó sau khi kết bài tại Hoa Quả Sơn, Tôn Ngộ Không đã nói với 6 huynh đệ của mình rằng: "Tiểu đệ đã xưng Tề Thiên Đại Thánh, các huynh cũng nên xưng Thánh đi chứ".
Ngưu Ma Vương thấy vậy liền lớn tiếng: "Lời của hiền đệ rất có lý, vậy ta xưng làm Bình Nguyên Đại Thánh". Giao Ma Vương nói: "Ta xưng là Phúc Hải Đại Thánh". Bằng Ma Vương xưng Hỗn Thiên Đại Thánh. Sư Đà Vương xưng Di Sơn Đại Thánh. Di Hầu Vương xưng Thông Phong Đại Thánh. Ngu Nhung Vương xưng Khu Thần Đại Thánh.
Đại ca Ngưu Ma Vương
Có rất nhiều truyền thuyết về thân thế về vị Bình Nguyên Đại Thánh này. Có truyền thuyết cho rằng Ngưu Ma Vương là do nộ khí của Si Long hóa thành, cũng có truyền thuyết cho rằng lão Ngưu là thú cưỡi của Thông Thiên Giáo chủ.
Trong Tây Du Ký hồi 3 lần mượn quạt Ba Tiêu, ngay cả khi liên thủ với Trư Bát Giới, Tôn Ngộ Không cũng không thắng nổi đại ca kết nghĩa của mình. Đến khi Na Tra và thiên binh tới trợ chiến, Ngưu Ma Vương mới bị khuất phục và hiện nguyên hình thành một con trâu trắng.
Nhị ca Giao Ma Vương
Giao Ma Vương được cho là con riêng của Bắc Hải Long Vương, chỉ vì bị dị nghị về ngoại hình khác thường mà bị long tộc vứt bỏ. danh xưng Phúc Hải Đại Thánh cũng có hàm ý là lật đổ Bắc Hải.
Giống như các thành viên long tộc khác, cơ thể Giao Ma Vương cũng chứa Thần long huyết mạch, dù không thuần khiết nhưng hết sức lợi hại, thực lực và danh tiếng luôn thuộc hàng đầu trong Ma Giới.
Tam ca Bằng Ma Vương
Nếu Giao Ma Vương có Thần long huyết mạch thì Bằng Ma Vương mang trong mình huyết mạch Phượng Hoàng lợi hại không kém. Thậm chí, từ thỏa Hỗn Độn sơ khai, sinh vật lợi hại nhất trong trời đất là Phượng Hoàng và Kỳ Lân, rồi mới đến rồng.
Tốc độ của Bằng Ma Vương thậm chí còn nhanh hơn cả Cân Đẩu Vân của Tôn Ngộ Không.
Tứ ca Sư Đà Vương
Sư Đà Vương này không liên quan gì đến Sư Đà Lĩnh. Danh xưng Di Sơn Đại Thánh cũng xuất phát từ bản lĩnh của ma vương này. Sư Đà Vương có thể di chuyển một ngọn núi dễ như thổi nhẹ một hơi.
Trong tất cả các loài thần thú, thông thạo Di sơn thuật thường là loài nghê (biến thể từ sư tử và chó dữ), thế nên Sư Đà Vương có thể là hóa thân từ loài thần thú này.
Ngũ ca Di Hầu Vương
Di Hầu Vương không phải là Lục Nhĩ Di Hầu - kẻ đã giả dạng thành Tôn Ngộ Không khiến Tam Giới không phân biệt được thật giả.
Chữ "thông" trong danh xưng của Di Hầu Vương là chỉ sự tinh thông mọi việc trong thiên hạ, khi chiến đầu thường vận dụng sự am hiểu về đối phương làm lợi thế. Chữ "phong" là để chỉ hành tung của Di Hầu Vương, xuất hiện và biến mất như một con gió.
Lục ca Ngu Nhung Vương
Tuy vai vế chỉ xếp trên Tôn Ngộ Không trong Thất Đại Thánh, nhưng Ngu Nhung Vương lại nhân vật thần bí nhất và được cho là lợi hại nhất. Ngay cả các huynh đệ kết nghĩa cũng không nắm rõ được thân thế của Ngu Nhung Vương.
Tuy nhiên, từ danh xưng Khu Thần Đại Thánh, "Khu Thần" có nghĩa là xua đuổi thần tiên, đủ để thấy Ngu Nhung Vương rất tự tin về bản lĩnh của mình.
Hoa Vũ (Theo Toutiao)