Chính phủ Tây Ban Nha không công nhận bản tuyên bố độc lập của xứ Catalonia do Thủ hiến Carles Puigdemont và các chính khách của khu vực này ký hôm 10/10, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi đàm phán.
Tin tức trên Dân trí cho hay, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và các chính khách khác của khu vực này ngày 10/10 đã ký vào văn kiện đơn phương tuyên bố Catalonia độc lập khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Catalonia tạm hoãn thi hành tuyên bố độc lập để mở đường cho các cuộc đối thoại.
Chính phủ Tây Ban Nha đã ngay lập tức bác bỏ bản tuyên bố trên của Catalonia. Tại Madrid, Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria đã mô tả Thủ hiến Puigdemont là người không ý thức được “mình là ai và mình đang làm gì”. Trong khi đó, Thủ tướng Mariano Rajoy dự kiến sẽ tổ chức phiên họp khẩn cấp của nội các để thảo luận các bước tiếp theo sau bản tuyên bố độc lập của Catalonia.
Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont ký vào văn kiện tuyên bố độc lập hôm 10/10 (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria cũng bác bỏ đề nghị đối thoại thông qua trung gian quốc tế của Thủ hiến Puigdemont.
“Không ai, kể cả Thủ hiến Puigdemont, được đề xuất đối thoại. Sau tất cả những gì xảy ra cho đến tận bây giờ, Thủ hiến Puigdemont đã đưa vùng tự trị của ông ấy lên mức độ bất ổn cao nhất. Bài phát biểu của ông ấy hôm nay xuất phát từ một người không biết mình đang ở đâu, mình đang đi đâu và mình muốn đi với ai”, Phó Thủ tướng Santamaria nói.
Lý do vì sao người Catalonia muốn độc lập? Câu hỏi này được lý giải bởi những thông tin mà VnExpress dẫn từ Washington Post.
Đối với những "người đòi độc lập" ở Catalonia, cuộc đấu tranh thực tế bắt đầu từ cách đây hơn ba thế kỷ, khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona vào năm 1714. Năm 1932, các lãnh đạo khu vực tuyên bố thành lập Cộng hòa Catalonia. Chính phủ Tây Ban Nha đã đồng ý để Catalonia trở thành vùng tự trị.
Nhưng khi Francisco Franco lên nắm quyền thủ tướng Tây Ban Nha vào năm 1939, ông đã đàn áp có hệ thống mọi nỗ lực đòi quyền tự trị ở Catalonia, quét sạch tất cả các thể chế và ngôn ngữ riêng biệt ở đây.
Sau khi Franco qua đời, cuộc đấu tranh đòi độc lập được khởi động lại một cách nghiêm túc. Năm 2006, Catalonia có bước tiến lớn khi đàm phán với Madrid về một đặc quyền, đòi công nhận vùng này là "quốc gia". Tuy nhiên, năm 2010, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha ra phán quyết bác yêu cầu trên, khiến những tiếng nói đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ.
Ngày nay, Catalonia nắm trong tay quyền tự chủ tài chính lớn hơn nhiều so với hầu hết các khu vực khác ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ đối với không ít người dân Catalonia, như New York Times giải thích: "Nhiều người Catalonia lớn lên và tin rằng họ đơn giản không phải người Tây Ban Nha".
Người dân Catalonia phàn nàn rằng họ đóng lượng thuế lớn cho chính quyền Tây Ban Nha nhưng được nhận lại không tương xứng. Năm 2014, Catalonia khẳng định họ trả nhiều hơn 11,8 tỷ USD cho các cơ quan thuế Tây Ban Nha so với số tiền nhận về.
Hoàng Hà (t/h)