Nhiều người lo ngại rằng “taxi công nghệ” cũng phải đợi in hoá đơn. Trong khi đó, bắt đầu từ 1/4, loại hình taxi công nghệ cũng phải mang hộp đèn hoặc dán phù hiệu. Thực hư như thế nào, liệu người dân có phải mua thêm sự phiền hà khi đi taxi?
Cần phải tạo ra sự bình đẳng đối với các loại hình kinh doanh và hướng đến phục vụ người dân tốt hơn. |
Hóa đơn ghi những thông tin gì?
Theo quyết định của bộ Giao thông Vận tải thì sẽ dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng hay quen gọi là “taxi công nghệ” (Quyết định 24/2016/QĐ-BGTVT) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, 5 địa phương đang thí điểm gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa.
Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán phù hiệu cố định trên xe ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định mới. Như vậy, việc thí điểm taxi công nghệ (từ năm 2016) sẽ dừng từ 1/4. Sau thời điểm này, loại hình xe nào phù hợp với quy định tại Nghị định 10 về hoạt động vận tải đường bộ sẽ được hoạt động.
Song song đó, xe taxi phải có đồng hồ tính tiền, thiết bị in hoá đơn và phiếu thu kết nối với đồng hồ, gắn cố định tại vị trí hành khách dễ quan sát. Tài xế phải in hoá đơn hoặc phiếu thu tiền cho hành khách khi kết thúc hành trình. Trên phiếu thu tiền bắt buộc thể hiện các thông tin tối thiểu như đơn vị kinh doanh, biển kiểm soát xe, cự ly chuyến và số tiền phải trả. Đối với xe taxi sử dụng phần mềm đặt xe, doanh nghiệp vận tải phải gửi hoá đơn điện tử cho hành khách qua phần mềm này và gửi thêm cho cơ quan thuế để báo cáo.
Từ quy định mới này, người dân và nhất là các đơn vị/cá nhân đang tham gia vào hoạt động vận tải hành khách theo loại hình taxi đang lo lắng hàng loạt vấn đề liên quan. Tuy nhiên, vấn đề người dân quan tâm nhất đó chính là làm sao để được sử dụng dịch vụ tốt nhất, giá thành hợp lý nhất và tiện lợi nhất trong việc kết nối, gọi xe...
Theo Giám đốc công ty TNHH Vận tải Hoàng Trung, Nguyễn Thế Trung thì: “Trước hết, các loại hình taxi đều phải gắn đồng hồ tính tiền, in hóa đơn cho khách và gửi hóa đơn cho cơ quan quản lý thuế thì nhiều người đang lo ngại sẽ xảy ra các vấn đề nhiêu khê, ngay cả việc đi xe. Nếu họ làm không ổn và đưa ra quá nhiều yêu cầu, điều kiện cho tổ chức/cá nhân kinh doanh dịch vụ taxi thì đang đi ngược với xu thế của sự phát triển, đặc biệt là trong cuộc cách mạng số.
Thậm chí, chính người sử dụng taxi lại phải nhận hoá đơn từ việc in ấn, tốn giấy mực, trong khi doanh nghiệp/người kinh doanh lại phải lắp thêm máy in để in hóa đơn cho khách. Hơn nữa, xưa nay, đối với các loại taxi truyền thống cũng đã bàn nhiều đến việc in hóa đơn nhưng rất khó. Ngay cả trả/lấy phiếu thu tiền cũng đã vấp phải sự khó khăn trong việc triển khai thì nay đối với các yêu cầu trên liệu có thực hiện được hay không?”.
Kinh doanh và bài toán thuế
Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần phải có các biện pháp để thu thuế và tránh để “lọt” thuế đối với dịch vụ taxi nói chung và đặc biệt là taxi công nghệ. Bởi, “khi mà các đơn vị tự quản lý, vận hành và ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng xe/tài xế... thì việc áp đặt các công cụ quản lý thuế là cần thiết. Vấn đề đặt ra là cách tổ chức thực hiện như thế nào lại là vấn đề đáng bàn.
Trong thời buổi mà công nghệ đã len lỏi vào mọi ngóc ngách đời sống của người dân, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải tìm ra các giải pháp để quản lý taxi theo hướng ứng dụng công nghệ, chứ không phải cách làm lỗi thời. Do vậy, cần phải có biện pháp để tổ chức thực hiện hợp lý, hiệu quả và đúng theo tinh thần của taxi công nghệ người dân/doanh nghiệp mới đồng thuận”, ông Trương Vân Phong đang làm việc tại một doanh nghiệp ở Khu công nghệ cao TP.HCM cho hay.
Đồng quan điểm, TS. Hoàng Văn Bảo, người có nhiều năm làm việc tại Singapore cho biết: “Việc quản lý các loại hình “taxi công nghệ” đã đặt ra nhiều vấn đề cho cơ quan quản lý Nhà nước. Không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải sự lúng túng, đặc biệt là làm sao dung hòa được lợi ích giữa taxi truyền thống và “taxi công nghệ”. Tuy nhiên, hiện Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia, như: Singapore, Đan Mạch, Bulgari, Mỹ...
Đây là những quốc gia đã cho thấy được sự hợp lý trong công tác quản lý Nhà nước đối với loại hình taxi này. Song, tôi cho rằng, cần phải hiểu đúng, hiểu đủ bản chất của vấn đề: Ngoài là quản lý Nhà nước để tạo ra sự bình đẳng, tránh thất thu thuế, tạo môi trường thuận lợi cho các loại hình kinh doanh hoạt động... thì còn để hướng đến nhu cầu và sự tiện lợi của người dân”.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Hồng, Trường đại học Công Nghệ TP.HCM cũng cho rằng: “Một mặt phải quản lý các loại hình taxi, nhất là trong việc chống thất thu thuế là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, trong thời điểm như hiện nay thì hoàn toàn có thể thực hiện được để tránh trở nên rườm rà, phức tạp đối với người dân.
Ví dụ, khi người dân cài app về để sử dụng thì trên đó sẽ có mục bạn có muốn nhận hóa đơn hay không? Sau khi đặt xe thành công, sử dụng cuốc xe và thanh toán tiền thì chỉ cần ấn nút nhận hóa đơn. Lúc này, hoá đơn tự động sẽ chuyển về máy cho người dân, vô cùng tiện lợi. Song song đó, hoá đơn này cũng sẽ tự động được cập nhật và chuyển đến cơ quan thuế hay đơn vị quản lý, như vậy thì sẽ không rườm rà, phức tạp”.
Chuyên gia kinh tế lên tiếng
Đồng quan điểm là phải áp các biện pháp để quản lý đối với loại hình taxi, TS. chuyên gia kinh tế Đào Xuân Hùng cũng cho rằng: “Việc áp dụng các công cụ để quản lý đối với loại hình taxi nói chung là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Nó vừa tạo ra sự bình đẳng, vừa thể hiện đó là một loại hình kinh doanh và quan trọng hơn là nhằm tránh thất thu thuế. Một thời gian dài, chúng ta đã nói nhiều về câu chuyện kê “khai sai thuế” của Uber.
Vào thời điểm 2016 – 2017, Cục thuế TP.HCM đã tiến hành truy thu thuế đối với Uber, số tiền gần đồng 70 tỷ đồng. Sự việc đã dấy lên làn sóng lo ngại về thất thu thuế đối với loại hình vận tải mới mẻ vào lúc đó. Mặt khác, doanh nghiệp liên tục khiếu nại, khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước đến các tòa án liên quan. Sau đó, với các biện pháp và quan điểm cứng rắn, Uber cũng đã nộp số tiền nêu trên và rút khỏi Việt Nam”.
“Tôi cho rằng, đấy vẫn còn là bài học nhãn tiền cho cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quản lý các loại hình kinh doanh nói chung và taxi công nghệ nói riêng. Và cách quản lý mới như bộ Giao thông Vận tải đưa ra là biện pháp cần thiết và hợp lý, cần phải tổ chức thực hiện nghiêm để tạo ra sự bình đẳng đối với các loại hình kinh doanh và hướng đến phục vụ người dân tốt hơn”, TS Hùng nói thêm.
Chí Thanh
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Chủ nhật 10