(ĐSPL) – Hai công ty sẽ chịu trách nhiệm chi trả bảo hiểm trong vụ Tàu Sunrise bị cướp biển tấn công là bảo hiểm BIC và bảo hiểm P&I của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI.
Tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công sẽ được bồi thường bảo hiểm. |
Theo tin tức từ báo Pháp luật Việt Nam, trước đó ngày 11/10, các cơ quan chức năng khám nghiệm xong hiện trường tàu Sunrise 689 bị cướp. Tại hiện trường, tất cả máy móc, trang thiết bị liên lạc, quan sát của tàu Sunrise 689 đều bị cướp tháo gỡ, lấy đi như: Máy định vị GPS, máy bộ đàm VHF, máy nhận dạng AIS, máy đo sâu, máy trên xuồng cấp cứu của tàu, dây buộc tàu... Ngoài ra, cướp lục tung các phòng ở của thuyền viên lấy hết áo quần, quân tư trang, máy tính, điện thoại.
Riêng về hàng hóa mất mát, dù chưa có con số thiệt hại cụ thể nhưng theo một thuyền viên trên tàu, có thể 1/3 trong 5.000 tấn dầu được chở trên tàu Sunrise 689 đã bị cướp đi.
Cũng theo tin tức từ VOV, Công ty cổ phần đóng tàu thủy sản Hải Phòng đã có công văn thông báo với hai đơn vị bảo hiểm đối tác là Bảo hiểm PTI (bảo hiểm P&I - bảo hiểm toàn phần cho hàng hóa, con người,...) và Bảo hiểm BIC (bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm hết giá trị thân tàu là 125 tỷ đồng). Hiện hai nhà bảo hiểm này cùng các bên liên quan đang chờ để kiểm tra và hoàn tất hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan để có thể xem xét tiến hành bồi thường bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Dẫn lời ông Đào Văn Quảng - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Đóng tàu thủy sản Hải Phòng cho biết: “Đối với máy móc, trang thiết bị trên tàu của Công ty cổ phần Đóng tàu thủy sản Hải Phòng như máy định vị GPS, máy bộ đàm VHF, máy nhận dạng AIS, máy đo sâu, máy trên xuồng cấp cứu của tàu, dây buộc tàu bị cướp biển phá, hủy, ông Quảng nói, phía công ty đã mua bảo hiểm tại bảo hiểm Ngân hàng BIDV. “Về thiệt hại này, công ty chỉ được trả một phần thiệt hại do cướp biển gây ra”.
Đặc biệt, đối với các thủ thủ bị thương, ông Quảng cho biết, công ty cũng mua bảo hiểm P&I của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện PTI, trị giá 15.000 USD/thuyền viên.
Cũng theo ông Quảng, đến thời điểm hiện tại chưa có kết luận nào chính thức của cơ quan chức năng, cũng như xác định của tổ chức nào về các thiệt hại do vụ cướp gây ra nên chưa có mức bồi thường thiệt hại cụ thể.
Tuy nhiên, trước thông tin thủy thủ trên tàu “bắt tay” với cướp biển dàn dựng vụ việc, ông Quảng khẳng định đây là thông tin nhảm, ảnh hưởng đến uy tín của công ty cũng như các thuyền viên trên tàu và xúc phạm họ.
Vụ tàu Sunrise 689 bị cướp biển tấn công dù không phải là vụ việc quá gây chấn động đối với ngành bảo hiểm hàng hải trong nước vì có thể số tiền bồi thường không quá lớn so với nhiều vụ bồi thường hàng hải khác, nhưng vụ việc này càng khiến các công ty bảo hiểm phải cân nhắc kỹ trước những đơn bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu.
Theo số liệu của các cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm 2014, doanh thu bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu ước đạt 1.070 tỷ đồng, tăng gần 3\% so với cùng kỳ năm ngoái, số tiền giải quyết bồi thường 354 tỷ đồng, giảm 72\% so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ bồi thường 33\% (đó là chưa tính đến dự phòng bồi thường).