Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ hải quân Hàn Quốc cho biết, tàu ngầm hạt nhân USS Annapolis đã tiến vào một căn cứ hải quân ở đảo Jeju, miền Nam Hàn Quốc vào sáng 24/7 (theo giờ địa phương).
“Hải quân hai nước có kế hoạch củng cố vị thế phòng thủ chung với sự xuất hiện của tàu USS Annapolis và tiến hành các hoạt động trao đổi nhân kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh”, hải quân Hàn Quốc tuyên bố.
Mục đích của việc Mỹ gửi thêm tàu USS Annapolis tới Hàn Quốc là nhằm bổ sung quân nhu trong khi thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Tuy nhiên phía Seoul không tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào về nhiệm vụ này.
Tàu ngầm USS Annapolis không được trang bị vũ khí hạt nhân như USS Kentucky và chuyên về tác chiến chống hạm, chống ngầm. Tàu ngầm này từng tham gia các cuộc tập trận chống ngầm ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản vào tháng 9 năm ngoái ở vùng biển quốc tế ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Trước đó, ngày 18/7, Mỹ đã lần đầu triển khai tàu ngầm hạt nhân USS Kentucky mang tên lửa đạn đạo đến thành phố Busan, miền Nam Hàn Quốc. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN) của Mỹ đến Hàn Quốc kể từ những năm 1980.
Tàu USS Kentucky đến Hàn Quốc cũng trùng với thời điểm Washington và Seoul khởi động các cuộc đàm phán để phối hợp ứng phó trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên. Chỉ một ngày sau đó, Triều tiên đã có động thái đáp trả khi tiến hành phóng 2 tên lửa đạn đạo. Cuối tuần qua, Bình Nhưỡng cũng tiếp tục phóng thêm một số tên lửa hành trình.
Trong một diễn biến khác, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục im lặng trước yêu cầu trao trả binh nhì Travis King vượt biên trái phép từ Hàn Quốc sang Triều Tiên hôm 18/7. Các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại về sức khỏe của Travis King nên đã gửi thông điệp yêu cầu giới chức Triều tiên cung cấp thêm các thông tin về tình trạng hiện tại của quân nhân này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ có thể phải đợi hàng tuần hoặc thậm chí là hàng tháng để nhận được những thông tin quan trọng về Travis King. Mục đích của Triều Tiên được nhận định là nhằm cố gắng ràng buộc việc trả tự do của cho binh nhì này với việc Mỹ cắt giảm các hoạt động quân sự ở Hàn Quốc.
Phương Uyên (Theo Reuters và AP)