Live Science đưa tin ngày 21/6, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết một máy bay trinh sát Boeing P-8 Poseidon của Canada đã phát hiện “những âm thanh dưới nước” bằng cách sử dụng phao sonobuoy (phao âm để phát hiện tàu ngầm). Cứ sau 30 phút, tiếng đập lại xuất hiện và tiếng động vẫn được nghe thấp sau 4 tiếng.
Theo nhận định của các chuyên gia, âm thanh giống như tiếng đập phát ra theo chu kỳ 30 phút/lần gần xác tàu Titanic có thể có nghĩa là tàu lặn Titan mất tích vẫn còn nguyên vẹn với thủy thủ đoàn còn sống bên trong.
Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để xác định vị trí phát ra tiếng động. Cho đến lúc đó, chưa thể biết liệu tiếng ồn phát ra từ đống đổ nát của tàu Titanic hay từ thứ gì khác dưới đại dương, rất có khả năng là từ tàu lặn Titan mất tích vào sáng ngày 18/6 với 5 người bên trong.
Nếu âm thanh phát ra từ tàu lặn Titan, các nhà khoa học cho biết trường hợp này loại trừ một số khả năng về cách con tàu biến mất và mở ra một cánh cửa hẹp cho khả năng giải cứu.
“Trong trường hợp tiếng động phát ra từ tàu lặn và nguồn gốc đúng như chúng tôi nghĩ, kịch bản thảm khốc nhất đã không xảy ra”, Blair Thornton, giáo sư về Quyền tự trị Hàng hải tại Đại học Southampton ở Anh, nêu ý kiến.
Giáo sư Thornton chia sẻ thêm, nếu tàu lặn Titan được tìm thấy, một phương tiện hoạt động dưới nước (ROV) có thể đưa nó lên mặt nước.
Vị chuyên gia nói với Live Science: “Tôi nghĩ việc xác định vị trí của tàu lặn Titan một cách chính xác là thách thức lớn nhất. Nếu có thể làm được điều này và sử dụng tàu ngầm để tiếp cận tàu Titan, những ROV này là phương tiện cực kỳ tiềm năng. Chúng có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ giải cứu các mục tiêu không nhất thiết phải được thiết kế trước”.
Nguồn cung cấp oxy cạn dần
Tàu lặn Titan mất liên lạc với tàu hỗ trợ Polar Prince vào 9h45 ngày 18/6, chỉ sau 1 tiếng 45 phút lặn xuống đáy biển Bắc Đại Tây Dương. Công ty tư nhân vận hành tàu ngầm OceanGate Expeditions cho biết, tàu lặn Titan có thể cung cấp oxy tối đa 96 tiếng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo nhận định của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ, nguồn cung cấp oxy trên tàu lặn Titan sẽ cạn kiệt vào lúc 7h08 ngày 22/6 (theo múi giờ miền Đông - ET), tức 18h08 theo giờ Việt Nam.
Trước khi những âm thanh phát ra theo chu kỳ được phát hiện, một số nhà khoa học cho rằng tàu Titan có khả năng đã nổ tung do lỗi ở phần vỏ làm từ sợi carbon và titan mà nhà sản xuất chỉ chứng nhận là an toàn ở độ sâu 1.300m, trong khi xác tàu Titanic nằm ở độ sâu khoảng 3.800m.
Trao đổi với BBC News, ông Frank Owen, cựu chỉ huy của Hải quân Australia và là cựu giám đốc dự án giải cứu và thoát khỏi tàu ngầm bày tỏ, ông tin chắc rằng những tiếng động phát ra từ bên trong tàu Titan.
“Nếu phát ra theo chu kỳ 30 phút/lần, âm thanh rất có thể do con người tạo ra. Trên tàu có một thợ lặn thuộc Hải quân Pháp đã nghỉ hưu. Ông ấy sẽ biết cách phát tín hiệu báo động cho các lực lượng tìm kiếm”, ông Frank Owen cho biết.
Trong khi đó, khi được hỏi về khả năng tiếng động được tạo ra bởi người mắc kẹt trong một tàu lặn sâu đưới Đại Tây Dương, Chuẩn đô đốc John Mauger thuộc Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ nói với CBS News: “Đây là địa điểm vô cùng phức tạp. Phải nhớ rằng đó là địa điểm có xác tàu Titanic. Có rất nhiều kim loại và các vật thể khác nhau trong vùng nước xung quanh.
Đó là lý do vì sao chúng tôi mời các chuyên gia từ hải quân hiểu về khoa học đằng sau tiếng ồn để họ có thể phân loại hoặc cung cấp cho chúng tôi thông tin tốt hơn về nguồn gốc của tiếng động”.
Cuộc giải cứu tàu Titan sẽ diễn ra như thế nào?
Những âm thanh theo chu kỳ đã mang đến cho các đội tìm kiếm và cứu hộ một chút hy vọng mong manh về việc tìm thấy tàu lặn Titan mất tích. Con tàu này có thể lạc giữa hàng loạt mảnh vỡ của tàu Titanic, hoặc bị những dòng hải lưu mạnh cuốn đi hàng dặm khỏi vị trí lặn ban đầu.
Giáo sư Thornton chia sẻ: “Nếu bị trôi dạt trong cột nước, tàu lặn Titan có thể đã trôi dạt vài ngày tính đến thời điểm hiện tại. Trong trường hợp này, chúng tôi cho rằng tàu sẽ ở cách hiện trường vài chục km hoặc xa hơn.
Những tiếng ồn được phát hiện cho chúng ta biết rằng rất có khả năng tàu lặn Titan đang đứng yên và điều đó có thể có nghĩa là tàu đang ở dưới đáy biển hoặc mắc vào một thứ gì đó”.
Bằng cách triển khai thêm phao âm thanh (hoặc dãy micro dưới nước được gọi là ống nghe dưới nước), lực lượng cứu hộ có thể dựa thêm vào tiếng ồn để xác định vị trí của tàu lặn trong phạm vi 100m. ROV có xu hướng di chuyển với tốc độ gần bằng tốc độ đi bộ của con người, vậy nên việc thu hẹp phạm vi tìm kiếm trong một khu vực nhỏ là điều cần thiết.
Nếu tàu lặn Titan được tìm thấy, việc giải cứu con tàu và những người bên trong sẽ là một thách thức vô cùng lớn. Cuộc giải cứu dưới đại dương sâu nhất trong lịch sử là cuộc giải cứu tàu lặn Canada Song Ngư III và 2 thành viên thủy thủ đoàn ngoài khơi bờ biển Ireland vào năm 1973.
Cuộc giải cứu nói trên được tiến hành ở độ sâu 480m, ít hơn 8 lần so với độ sâu lớn nhất mà tàu lặn Titan có thể đang bị mắc kẹt.
Hôm 20/6, một tàu đặt cáp Deep Energy đã triển khai ROV trong khu vực tìm kiếm dù vẫn chưa rõ liệu nó có thể hạ xuống đến chỗ xác tàu hay không.
Các tàu khác có ROV hiện cũng đang trên đường đến khu vực tìm kiếm. Một trong những con tàu hứa hẹn nhất là tàu nghiên cứu L'Atalante của Pháp khi trang bị 2 ROV có khả năng lặn sâu xuống khu vực xác tàu Titanic.
Trước đây, các tàu và ROV đã trục với thành công các phương tiện từ độ sâu của xác tàu Titanic. Điển hình là trường hợp một máy bay chiến đấu của Mỹ được trục vớt từ độ saao 3.780m dưới biển vào năm 2022. ROV bọc máy bay trong một tấm lưới, gắn nó vào một cái móc nối với con tàu trên mặt nước để kéo nó lên.
Nếu được tìm thấy, liệu tàu lặn Titan có cần dùng đến tời kéo hay không là một vấn đề cần suy đoán. Việc này tùy thuộc vào việc các chấn lưu của con tàu, vốn chứa đầy nước để hạ xuống và không khí để nổi lên, có còn nguyên vẹn hay không.
“Nếu tàu lặn Titan vướng vào thứ gì đó không quá nặng, một phương tiện điều khiển từ xa với các bộ điều khiển (cánh tay robot) có thể đánh bật vật cản. Sau đó, tàu lặn có thể nổi lên mặt nước nếu vật cản bị loại bỏ.
Một khả năng khác là cố gắng gắn một vật nổi vào tàu lặn nhưng tôi không rõ phương pháp này trước đây đã từng được thực hiện ở độ sâu như vậy hay chưa”, Nicolai Roterman, nhà sinh thái học biển sâu và nhà sinh học biển tại Đại học Portsmouth (Anh) nói.
Đinh Kim(Theo Live Science)