+Aa-
    Zalo

    Tập đoàn Hoành Sơn bán dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng từ khi nào?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tháng 8/2019, thông tin chuyển nhượng dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng được công bố rộng rãi.

    Tháng 8/2019, thông tin chuyển nhượng dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng được công bố rộng rãi. Song, những thay đổi nhân sự trong chính doanh nghiệp sở hữu dự án cho thấy, Summit Building 216 Trần Duy Hưng đã được chuyển nhượng từ rất lâu trước đó.

    Ông chủ đứng sau Veracity

    Dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng có tên đầy đủ là dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại 216 Trần Duy Hưng. Dự án này trước đây được giới thiệu do Liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 làm chủ đầu tư.

    Dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng được Tập đoàn Hoành Sơn chuyển nhượng từ cuối năm 2016

    Đây là công trình hỗn hợp cao 35 tầng, 1 tum cùng 4 tầng hầm và 1 sàn lửng hầm được xây dựng trên khu đất có diện tích khoảng 2.373m2. Tổng diện tích sàn xây dựng hơn 52.217m2. Tổng vốn đầu tư dự kiến gần 800 tỷ đồng (trong đó vốn nhà đầu tư 158 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng và huy động hợp pháp khác 634 tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án từ quý IV/2016 - quý IV/2019.

    Tuy nhiên, tháng 8/2019, UBND TP Hà Nội đã cho phép Liên danh Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại đầu tư bất động sản 216 chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Veracity.

    Công ty cổ phần Veracity tiền thân là Công ty cổ phần Khai khoáng Phương Minh Đăng, được thành lập vào ngày 9/10/2017, ngành nghề kinh doanh chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét. Vốn điều lệ lúc sơ khởi của doanh nghiệp là 20 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Khai thác Nhà Hà Nội (90%), Phạm Quang Thảo (5%) và Nguyễn Viết Ngọc (5%).

    Một tháng sau (tức ngày 24/11/2017), doanh nghiệp đổi tên thành Công ty TNHH Veracity. Cơ cấu cổ đông theo đó thay đổi thành: Nguyễn Hải Lưu (60%), Phạm Quang Thảo (5%) và Nguyễn Viết Ngọc (35%).

    Khoảng một năm sau (cụ thể tháng 10/2018), 3 cổ đông nói trên tiếp tục góp vốn để nâng mức vốn điều lệ của Veracity từ 20 tỷ lên 290 tỷ đồng. Kể từ thời điểm này, cơ cấu cổ đông Veracity không còn được công bố.

    Theo tìm hiểu của PV, ông Nguyễn Hải Lưu hiện vẫn nắm 60% cổ phần Veracity. Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Tiến, người đại diện theo pháp luật, kiêm Giám đốc Veracity đang nắm 35% vốn công ty.

    Hiện tại, ông Tiến đang đứng tên cho một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần giải pháp Tòa nhà thông minh, CTCP Beverages Việt Nam, trong đó đáng chú ý là cái tên Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn.

    Cụ thể, doanh nghiệp này thành lập vào ngày 24/7/2014 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Tây Giang (85%), Ngô Hồng Hải (10%) và Đồng Quang Huy (5%).

    Tập đoàn Tây Giang khởi nguồn là một nhà máy lò điện hồ quang sản xuất Ferromangan tại Cao Bằng. Chỉ sau hơn 1 thập niên hình thành và phát triển, Tây Giang Group đã trở thành doanh nghiệp lớn với mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng và sở hữu nhiều khu mỏ khai thác, nhà máy chế biến khoáng sản nơi rẻo cao Tây Bắc.

    Theo dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tới tháng 3/2016, 2 cổ đông cá nhân chi phối Tập đoàn Tây Giang là bà Trần Thị Tuyết (SN 1969) – nắm 84% và ông Phạm Thanh Lâm (SN 1961) – sở hữu 10%. Bà Trịnh Thị Tuyết là Người đại diện theo pháp luật công ty. Trong khi đó, ông Phạm Thanh Lâm nắm vị trí Chủ tịch HĐQT.

    Tập đoàn Tây Giang được biết đến là nhóm cổ đông sở hữu lượng lớn cổ phần tại Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVCombank).

    Hoành Sơn chuyển nhượng cho Veracity từ khi nào?

    Trở lại dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng, tháng 8/2019 thông tin dự án được chuyển nhượng mới được công bố rộng rãi. Tuy nhiên, những chuyển dịch trong doanh nghiệp sở hữu dự án lại thể hiện, Summit Building 216 Trần Duy Hưng đã được chuyển nhượng từ trước đó.

    Cụ thể, Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội đơn vị nắm 90% dự án được thành lập vào tháng 5/2014. Công ty này vốn do Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn sở hữu và ông Phạm Hoành Sơn làm người đại diện pháp luật.

    Tuy nhiên, ngày 22/12/2016, Tập đoàn Hoành Sơn đã chuyển nhượng Công ty TNHH Hoa Phượng Thăng Long Hà Nội cho Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Sông Hồng. Đồng thời, người đại diện pháp luật không còn là ông Phạm Hoành Sơn, thay vào đó là ông Trịnh Hữu Hưng.

    Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Sông Hồng do bà Trịnh Thị Hà là Chủ tịch HĐQT, và ông Trần Quốc Tuấn là thành viên HĐQT.

    Bà Trịnh Thị Hà và ông Trần Quốc Tuấn được biết đến là cổ đông của Công ty TNHH BĐS HA Quận Ba - pháp nhân đang sở hữu lượng lớn cổ phần tại PVCombank.

    Nữ doanh nhân Trịnh Thị Hà lẫn Veracity đều nằm trong hệ sinh thái của CTCP Tập đoàn công nghiệp Tây Giang. Bà Trịnh Thị Hà còn đang đứng tên tại CTCP Phát triển Đầu tư Xây dựng Bách Giang – DCI, chủ dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang (Huyện Văn Giang, Hưng Yên), quy mô 50 ha.

    Và không khó để hiểu, khi ngày 13/1/2017 (22 ngày kể từ khi nhận chuyển nượng từ Hoành Sơn), dự án Summit Building 216 Trần Duy Hưng đã được thế chấp cho khoản vay lên đến 800 tỷ đồng (vượt qua cả hạn mức đầu tư 791 tỷ đồng) theo Hợp đồng số 12/2017/HĐBĐ-PVB UPPER SME tại PVCombank.

    Và PVCombank cũng là nhà tài trợ tín dụng cho dự án Chung cư DLC Complex tọa lạc tại số 199 Nguyễn Tuân, Hà Nội.

    Giang Nam

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-doan-hoanh-son-ban-du-an-summit-building-216-tran-duy-hung-tu-khi-nao-a362698.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan