Tập đoàn năng lượng nhà nước Gazprom của Nga sẽ giảm việc cung cấp khí đốt cho Tập đoàn năng lượng Pháp Engie kể từ ngày 30/8 (giờ địa phương), trong một cuộc tranh chấp về hợp đồng. Động thái này làm sâu sắc thêm lo ngại về nguồn cung năng lượng mùa đông tại Pháp, theo Reuters.
Châu Âu đã được thông báo rằng Gazprom sẽ đóng cửa đường ống dẫn khí Nord Stream 1 đến Đức từ ngày 31/8-2/9 để bảo trì. Trong tuyên bố của mình, Engie không đưa ra chi tiết về sự bất đồng giữa tập đoàn này và Gazprom về việc áp dụng các hợp đồng.
Việc giao hàng của Engie từ Gazprom đã giảm đáng kể kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2, với nguồn cung hàng tháng gần đây là 1,5 terawatt giờ (TWh).
Theo các nhà phân tích tại Morningstar, vào năm 2021, Gazprom đã cung cấp 121 TWh khí đốt cho Engie, tương đương 20% tổng giá trị mua sắm của mình.
"Rất rõ ràng Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí chiến tranh và chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung bị gián đoạn hoàn toàn", Bộ trưởng Bộ Chuyển dịch năng lượng Pháp Agnès Pannier-Runacher nói với đài France Inter.
Tập đoàn Engie cho biết họ đã hành động để tự bảo vệ mình. "Engie đã đảm bảo khối lượng cần thiết để đáp ứng các cam kết đối với khách hàng và các yêu cầu của chính công ty, đồng thời đưa ra một số biện pháp để giảm đáng kể mọi tác động trực tiếp về tài chính và vật chất có thể dẫn đến việc gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt của Gazprom", tuyên bố có đoạn.
Sự gián đoạn và cắt giảm nguồn cung của Nga đã khiến giá khí đốt tăng vọt và buộc các chính phủ châu Âu phải tranh giành nguồn cung thay thế trước mùa đông.
Ở Pháp, vấn đề trở nên trầm trọng hơn do sự ngừng hoạt động của lĩnh vực hạt nhân, nơi sản lượng ở mức thấp nhất trong 30 năm. Hạt nhân chiếm khoảng 70% sản lượng điện của đất nước này.
Ngày 29/8, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne kêu gọi các công ty Pháp soạn thảo kế hoạch tiết kiệm năng lượng vào tháng tới, đồng thời cảnh báo rằng họ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên nếu quốc gia này buộc phải phân chia nguồn cung cấp khí đốt và điện.
Pháp ít phụ thuộc hơn so với một số nước láng giềng về nhập khẩu khí đốt từ Nga, vốn chiếm khoảng 17% lượng tiêu thụ khí đốt của nước này.
Cùng ngày, Engie xác nhận rằng họ đang đàm phán với Sonatrach của Algeria để tăng nhập khẩu khí đốt từ quốc gia Bắc Phi này trong trung hạn.
Bích Thảo (Theo Reuters)