(ĐSPL) - Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sắp hoàn tất công cuộc cải tổ quân đội, sau khi truy tố Thượng tướng về hưu Từ Tài Hậu.
Một bài bình luận đăng trên Thời báo Kinh tế Hong Kong (Hong Kong Economic Times) viết Tập Cận Bình đã rất quyết liệt chống tham nhũng kể từ khi được bầu làm Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc trong tháng 11/2012 và gần như hoàn thành mục tiêu củng cố quyền lực.
Không giống như phương pháp tiếp cận “thận trọng” kéo dài cả năm để truy cứu trách nhiệm hình sự cựu Ủy viên thường Bộ Chính trị, trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xử lý nhanh chóng tình trạng tham nhũng trong quân đội và đã truy tố cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Từ Tài Hậu trong vòng có 3 tháng. Cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc đã công bố một cuộc điều tra Từ Tài Hậu vào ngày 15/3 và khai trừ đảng ông này vào ngày 30/6. Ngược lại, mặc dù việc truy tố Chu Vĩnh Khang đã được đồn đoán hơn một năm và các cộng sự thân tín của ông này lần lượt bị bãi nhiệm, một cuộc điều tra chính thức ông trùm an ninh họ Chu chỉ được công bố vào ngày 29/7 vừa qua.
Sau khi xóa bỏ ảnh hưởng của hai cựu Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, Tập Cận Bình – trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương - bắt đầu đưa ra một loạt các quy định mới trong quân đội.
Ngày 26/7, bốn Tổng cục chính của Quân đội Trung Quốc (PLA) và Ủy ban Quân sự Trung ương (CMC) cùng phát hành một thông báo liên quan đến việc lạm dụng nhà ở và xe cộ của các tướng tá đã nghỉ hưu. Hai ngày sau, Quân đội Trung Quốc ra thông báo giảm đi nhiều các khoản thưởng trong quân đội và yêu cầu ngừng thưởng tiền mặt. Mặt khác, lương thưởng dành cho quân đồn trú tại các khu vực khó khăn như lính biên phòng lại được nâng lên rõ rệt. Việc đề bạt cán bộ từ cấp trung đoàn trưởng trở lên đòi hỏi phải tham khảo ý kiến của Ủy ban kỷ luật quân đội Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình quan tâm đặc biệt đến việc tổ chức lại quân đội Trung Quốc, một bộ phận thiết yếu của cái gọi là “Giấc mơ Trung Hoa” của ông và mục tiêu được nói nhiều là nhằm một quân đội mạnh sẵn sàng chiến đấu, nhất là khi Trung Quốc tiếp tục bị lôi kéo vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Truy tố cựu Phó chủ tịch CMC Từ Tài Hậu là một phần của chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình vì nó đặt tất cả các sĩ quan PLA cao cấp, ngay cả những người sắp nghỉ hưu, vào trong “tình trạng báo động đỏ” và đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với những người có ý định thâu tóm quyền lực hoặc chia rẽ bè phái trong quân đội.
Tính đến ngày 1/8/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ thăng hàm thượng tướng cho 4 sĩ quan quân đội Trung Quốc, con số thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Người tiền nhiệm của Tập Cận Bình là Hồ Cẩm Đào đã đề bạt ít nhất 6 thượng tướng mới mỗi năm, trong suốt 10 năm cầm quyền. Trong khi đó, người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào là Giang Trạch Dân đã thăng thượng tướng cho 10 sĩ quan mỗi năm.
Giới quan sát chính trị nhận xét rằng Tập Cận Bình dường đang hoàn tất công cuộc cải tổ quân đội kéo dài cả năm qua, trùng hợp với việc phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin rằng ông gần đây đã hoàn thành việc kiểm tra của tất cả 4 tổng cục của quân đội Trung Quốc và tất cả 7 đại quân khu. Nguồn tin cho biết trọng tâm trong tương lai của quân đội Trung Quốc sẽ là "huấn luyện và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tap-can-binh-sap-hoan-tat-cai-to-quan-doi-trung-quoc-a46076.html