Dự thảo quy chế quản lý hoạt động xe taxi trên địa bàn Hà Nội, trong đó có quy định xe taxi sẽ phải thống nhất 5 màu sơn vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi được đưa ra mới đây đang gây ra nhiều tranh cãi. Theo đó, các chuyên gia cho rằng, việc Hà Nội "mặc đồng phục" cho các hãng taxi sẽ gây lãng phí và tốn kém lớn cho doanh nghiệp vận tải. Vậy nếu thực sự muốn mặc áo đồng phục cho taxi, liệu dự thảo này có khả thi?
Theo dự thảo, Hà Nội sẽ "mặc đồng phục" cho taxi từ 3 đến 5 màu sơn. |
Xóa nhòa nhận diện thương hiệu, đánh đồng tất cả giống nhau
Mới đây, sở GTVT Hà Nội đã lấy ý kiến về dự thảo quy chế quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn. Bản quy chế này gồm 3 chương, 12 điều có nội dung chính là quy định về các điều kiện hoạt động của xe taxi trên địa bàn Hà Nội.
Đáng chú ý, dự thảo đưa ra quy định về vùng hoạt động và màu sơn của xe taxi. Theo đó, vùng phục vụ của phương tiện này được xác định theo địa giới hành chính mà xe taxi của các đơn vị taxi được khai thác, gồm 2 vùng. Trong đó, vùng 1 bao gồm địa giới hành chính tại các quận; vùng 2 bao gồm địa giới hành chính tại các huyện, thị xã.
Về màu sơn, quy chế thống nhất thiết kế 5 màu cơ bản (vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi). Từ năm 2019 đến năm 2025, xe taxi thay mới, tăng thêm sẽ áp dụng màu sơn chung. Từ năm 2026, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với xe taxi hoạt động trên địa bàn thành phố. Các doanh nghiệp taxi được lựa chọn các màu đã quy định và đăng ký thương hiệu riêng của mình.
Theo thống kê của sở GTVT Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện này có khoảng 19.000 ô tô taxi truyền thống và 4.000 xe xin phù hiệu tỉnh khác đang về Hà Nội hoạt động. Cùng đó, loại xe công nghệ hoạt động như taxi cũng lên đến 30.000 phương tiện.
Chính vì vậy, dự thảo được đưa ra cũng đã nhanh chóng vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều của dư luận. Trong đó, một câu hỏi được đặt ra là việc sơn 5 màu cho xe taxi Hà Nội liệu có khả thi, hoạt động của taxi truyền thống và taxi công nghệ liệu có khác nhau? Và liệu có giải quyết được bài toán tắc đường cũng như tình trạng “xe dù”?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL về đề xuất thống nhất thiết kế 5 màu cơ bản (vàng, đỏ, trắng, xanh, ghi) ông Thân Văn Thanh, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, ông không đồng tình với phương án này.
Theo đó, ông Thanh cho rằng: "Cơ quan chức năng cho rằng việc thống nhất màu sơn tiện cho việc quản lý, tuy nhiên, thời buổi công nghệ phát triển chúng ta nên quản lý taxi nói riêng, vận tải nói chung bằng công nghệ. Không ai đi ra đường để giám sát từng xe theo màu sơn, biển số hoặc tem nhãn dán trên xe như thế nào”.
Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội phân tích: “Bản chất của taxi là hoạt động theo thị trường, do vậy, nhiều hãng taxi đã phải xây dựng thương hiệu, bản sắc thậm chí màu sơn riêng để khẳng định tên tuổi. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu mà họ đã cố công xây dựng bấy lâu nay.
Chi phí của việc sơn sửa, thiết kế lại màu sắc đối với các hãng taxi là vấn đề cần cân nhắc cẩn trọng. Logo, hình ảnh của các hãng đã từng được đăng ký trong hoạt động kinh doanh. Nếu không có những lý do vi phạm mà vẫn bắt thay đổi thì đó là điều vô lý. Việc sử dụng nhiều màu sắc sẽ giúp các hãng taxi có được hình ảnh theo như ý muốn, tạo nên sự phong phú, đa dạng mà không bị gò bó với 5 màu sắc theo quy định của sở GTVT. Hơn nữa, việc "khoác đồng phục" cho các hãng taxi sẽ gây lãng phí và tốn kém lớn cho doanh nghiệp vận tải”.
Chia sẻ kinh nghiệm của quốc tế, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Việt Nam cho hay, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của Nhật Bản, khi thành lập các hãng taxi, ban đầu, thành phố sẽ mua một số loại xe khác nhau, màu sắc khác nhau để trưng cầu ý kiến của các hãng taxi và người dân. Nếu loại xe, màu sơn nào được chọn sẽ trở thành mẫu taxi tiêu chuẩn các hãng phải tuân thủ.
“Chúng ta đã không làm được như vậy, một thời gian dài vừa qua đã để taxi phát triển tự do nên việc thay đổi một sớm một chiều là điều rất khó. Từ thực tế này, cơ quan quản lý cần áp dụng các quy định của Nhà nước để quản taxi có hiệu quả”, ông Thanh bày tỏ.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hội taxi Hà Nội. |
Đợi sau năm 2026, xe cũ đi mới khả thi?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, trên địa bàn taxi Hà Nội có hơn 15.000 xe, còn lại có hơn 31.000 xe taxi là xe công nghệ.
“Quan điểm của Hiệp hội là đồng tình, ủng hộ với sở GTVT Hà Nội là taxi sẽ có 5 màu sơn. Trên thế giới các nước như Hồng Kông, xe taxi có một màu sơn, ở Nga toàn bộ taxi là màu vàng, còn ở Nhật Bản xe VIP màu đen, xe taxi thường là màu xanh, ngoài ra đều có hộp đèn trên nóc xe... Tuy nhiên, việc quy định màu sơn đối với dòng xe taxi phải có lộ trình phù hợp”.
Phân tích thêm về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, tại Việt Nam đang có nhiều quy định chồng chéo nhau nên gần 4 năm thí điểm, số lượng xe taxi gia tăng cục bộ không ai có ý kiến gì.
Ông Hùng cũng cho hay: “Năm màu sơn dùng để phân định giữa xe hợp đồng điện tử 9 chỗ, xe taxi truyền thống và xe taxi ngoại tỉnh. Hiện nay, quy định của Hà Nội là taxi chạy Hà Nội được cấp phù hiệu có màu Hà Nội riêng so với các tỉnh, Hà Nội là màu xanh.
Tuy nhiên, hiện đang có những doanh nghiệp như taxi Sao Thủ đô thành lập tại Bắc Ninh,Vĩnh Phúc, Hưng Yên và mang xe về Hà Nội hoạt động với số lượng lên tới gần 5.000 xe... nên những xe này có lách luật cũng không ai kiểm soát được. Nên việc “khoác đồng phục” cho taxi là nên thực hiện. Năm màu sơn đưa ra là chỉ phục vụ taxi truyền thống, để Hà Nội có thể quản lý chặt hơn nữa, khách hàng sẽ nhận diện được taxi truyền thống và mục tiêu nữa là loại bỏ taxi dù”.
“Theo lộ trình, Hà Nội sẽ để đến năm 2026, các hãng sẽ chủ động định hướng màu sơn của mình trong quá trình thay thế xe cũ và bổ sung xe mới. Lộ trình dài nên cũng không đáng ngại, không tốn kém gì. Việc quy định màu sơn chỉ có thể làm sau năm 2026, khi những chiếc xe hiện hữu cũ đi, người ta có nhu cầu đổi xe mới, lúc đó mới có thể tiến hành vận động các hãng đăng ký đồng phục màu sơn và kế hoạch mới có tính khả thi”, ông Hùng bày tỏ.
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, anh Huy Hoàng (lái xe cho một hãng taxi truyền thống) bày tỏ: “Khi biết về dự thảo sơn taxi 5 màu này, tôi cho rằng điều này là hợp lý. Như thế sẽ phân biệt được đâu là xe taxi, đâu là xe cá nhân. Có như vậy, chúng tôi cũng mới dễ dàng bắt khách hơn. Hiện nay, xe taxi công nghệ nhiều quá, có ngày chúng tôi cũng chật vật để bắt khách. Tôi ủng hộ việc quản lý xe taxi Hà Nội bằng 5 màu sơn”. Trái ngược với quan điểm của anh Huy Hoàng, tài xế Nguyễn Dũng (taxi công nghệ) cho rằng: “Làm như vậy chỉ có lợi cho các hãng taxi truyền thống, trong khi đó, hiện nay rõ ràng số lượng người dùng thích sử dụng taxi công nghệ hơn vừa bởi nhanh, thuận tiện mà còn là ở thái độ phục vụ chu đáo. Nếu nói sơn 5 màu này để nhận biết, phân biệt taxi dù tôi cho rằng khó khả thi. Trong khi đó, tôi được biết có taxi vẫn mang nhãn hiệu, vẫn có mào, phù hiệu đàng hoàng nhưng chỉ là taxi dù. Vậy, làm sao để quản lý?”. |
Thu Huyền - Thanh Lam
Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật chủ nhật số 35