(ĐSPL) – Những người mắc bệnh bạch tạng ở Tanzania, châu Phi bị săn lùng, giết hại ngày càng nhiều do quan niệm cho rằng các bộ phận cơ thể của họ sẽ mang lại sự giàu có, quyền lực và thành công.Theo Daily Mail, nhiều người tại Tanzania tin rằng các bộ phận cơ thể của người mắc bệnh bạch tạng có thể đem lại giàu có hoặc vận may. Vì vậy nhiều người sẵn sàng trả từ 3.000-4.000 USD để mua một cánh tay hay chân, hoặc 75.000 USD để mua cả cơ thể của một người bạch tạng.
Ảnh minh họa. |
|
Một đại bộ phận các doanh nhân, chính trị gia, thầy pháp đều xem người bạch tạng như thứ hàng không hơn không kém. Các thầy phù thủy sẽ sử dụng bộ phận cơ thể của những người này như một bùa mê, có thể trở thành bùa hộ mệnh xua đuổi tà ma và quỷ dữ.
Trong nhiều trường hợp khác, nạn nhân có thể bị chặt đầu, bị cắt mất tai hoặc chịu nạn tùng xẻo thân thể rất ghê rợn. Theo quan niệm dân gian, những gì họ gây ra cho người bạch tạng càng tàn ác bao nhiêu thì ước muốn càng linh ứng và có giá trị bấy nhiêu.
Tuy nhiên theo nhận định của nhiều nhà hoạt động xã hội, chẳng qua nạn truy lùng và thảm sát người bạch tạng thực chất chỉ là kết quả của định kiến và sự kỳ thị của người dân Tanzania.
Quan niệm dân gian Tanzania cho rằng căn bệnh bạch tạng được xem như một lời nguyền, người mắc chứng này được xem như “ma hiện hình” sẽ cuốn phăng hoặc san phẳng đất nước, rồi đến châu Phi và cả Trái Đất.
Từ khi bắt đầu ghi nhận các vụ tấn công người bạch tạng, đã có 74 người bị giết và 59 người bị thương. Những người đã chết cũng không yên ổn, vì có 16 ngôi mộ của người bạch tạng đã bị đào trộm. Và đây mới chỉ là những trường hợp được ghi nhận.
Trước tình hình trên, chính quyền đã cho lập một số trung tâm nuôi dưỡng người bạch tạng với tường cao bao quanh và được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo chuyên gia Ash, đây không phải giải pháp dài hơi bởi lẽ cốt lõi nằm ở tâm lý không xem người bạch tạng “là con người” ở châu Phi. Ngay cả trước khi xuất hiện nạn sát hại người bạch tạng thì nhiều trẻ em đã phải ở trong các trung tâm do gia đình và cộng đồng không cho phép chúng trở lại.
Ngoài ra, chính quyền Tanzania vừa ban hành lệnh cấm các phù thủy hành nghề với hy vọng chặn đứng được nạn dùng người bạch tạng làm bùa.
Bạch tạng là một rối loạn di truyền dẫn đến việc không hình thành sắc tố ở da, tóc, và mắt. Ở Tanzania, cứ 1.400 người thì có một người bị bạch tạng, hậu quả của việc kết hôn cận huyết ở những vùng sâu vùng xa.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tanzania-nguoi-bach-tang-bi-san-lung-buon-ban-de-tim-van-may-a81529.html