Tuy là hướng đi mới, còn nhiều thách thức về thể chế, nguồn lực, nhưng tăng trưởng xanh, bền vững sẽ là con đường tất yếu của nền kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ chủ trương này của Chính phủ Việt Nam khi phát biểu tại Hội thảo về các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tổ chức tại Hà Nội vào sáng 15/9.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại Hội thảo về các giải pháp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Ảnh: VGP/Nguyên Linh. |
Căn cứ trên Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Việt Nam xác định 3 nhiệm vụ chiến lược: Giảm phát thải nhà kính và thúc đẩy năng lượng sạch, tái tạo; xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Phó Thủ tướng cho rằng Chiến lược đòi hỏi cần có nhiều chính sách, hành động cụ thể để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, cần nhấn mạnh vào công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về hướng tăng trưởng xanh trong mọi cấp, trong nhân dân.
Đổi mới, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách theo hướng đồng bộ với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cải cách thể chế để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tái cấu trúc và đổi mới công nghệ.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất giải pháp đột phá trình Chính phủ để thu hút tốt hơn các nguồn lực, thực hiện áp dụng hình thức hợp tác công-tư trong lĩnh vực đầu tư xanh, cũng như xây dựng các cơ chế, giải pháp tranh thủ nguồn lực trong nước và quốc tế cho tăng trưởng xanh.
Với sự tham gia đông đảo của giới hoạch định chính sách, các chuyên gia, doanh nghiệp, Hội thảo đề cập tới nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế-xã hội hiện tại, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước trong những năm tới.
Các tham luận tại Hội thảo cho thấy mặc dù đạt những thành tựu ấn tượng sau 30 năm đổi mới, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn chủ yếu phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, thiếu bền vững.
Cụ thể là hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao; chất lượng đất đang có xu hướng giảm; 7,5 triệu ha đất đang và đã chịu tác động của hoang mạc hóa, 30.000 ha đất bị nhiễm mặn, đất phèn, 300.000 ha đất khô hạn theo mùa hoặc cả năm. Các nguồn gây ô nhiễm gia tăng về số lượng, quy mô và mức độ tác động xấu đến môi trường.
Vẫn còn gần 60\% số xã ở nông thôn chưa có tổ chức thu gom rác thải, chất thải rắn vẫn chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp. Hầu hết các đô thị và 25\% KCN, KCX chưa có hệ thống nước thải tập trung.
Nhiều loại động, thực vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, bị giảm nhanh về số lượng. Các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên một đơn vị GDP còn ở mức cao, khoảng 2 tấn CO2, tương đương 1.000 USD.
Trước thực trạng này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó xác định tăng trưởng xanh là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.
Qua 3 năm thực hiện, Việt Nam đã triển khai, sửa đổi được nhiều chể chế, đưa ra một số kế hoạch hành động cụ thể cho các ngành, tái cấu trúc kinh tế một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, 16 địa phương cũng đã ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, chủ động chuyển sang đầu tư vào công nghiệp môi trường, vào nông nghiệp hữu cơ với quy mô ngày càng lớn.
Theo Chinhphu.vn