(ĐSPL) - Ngay sau đề xuất tăng giá dịch vụ cảng hàng không đối với các chuyến bay nội địa của ACV, các hãng hàng không trong nước đều đưa ra quan điểm, nếu giá dịch vụ này được thông qua thì chắc chắn, giá vé máy bay sẽ tăng, hoặc doanh nghiệp sẽ phải tính toán để giảm các dải giá vé mức thấp, hạn chế các đợt khuyến mại giảm giá vé 0 đồng...
Tăng phí, phát sinh phí 10 dịch vụ sân bay
Tin tức trên báo An ninh Thủ đô, theo tính toán của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines, chi phí đầu vào của hãng trong năm 2016 dự kiến bị đội lên hơn 200 tỷ đồng do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tăng giá và bắt đầu thu 10 dịch vụ đang cung cấp cho các hãng tại sân bay.
Trong 10 khoản thu này, có 2 khoản thu mới gồm dịch vụ kiểm tra an ninh đối với xe suất ăn, xe chở xăng dầu và dịch vụ phân loại hành lý tự động. Phí 2 loại dịch vụ nói trên được thu tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và Cam Ranh tổng cộng là hơn 100 tỷ đồng 1 năm. Bên cạnh đó, ACV cũng đề nghị các chuyến bay của Vietnam Airlines cập cầu ống lồng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài phải sử dụng dịch vụ tra nạp nước sạch của ACV. Các hãng hàng không còn bị tăng chi phí đầu vào khi sân bay Vinh được điều chỉnh thành sân bay nhóm A từ ngày 1/1/2016…
Ngay sau đề xuất tăng giá dịch vụ cảng hàng không đối với các chuyến bay nội địa của ACV, các hãng hàng không trong nước đều đưa ra quan điểm, nếu giá dịch vụ này được thông qua thì chắc chắn, giá vé máy bay sẽ tăng, hoặc doanh nghiệp sẽ phải tính toán để giảm các dải giá vé mức thấp, hạn chế các đợt khuyến mại giảm giá vé 0 đồng...
Về mặt thực chất, việc tăng các loại phí dịch vụ sân bay của ACV chính là đánh vào hành khách chứ không phải các hãng hàng không. Mới đây, Vietnam Airlines đã kiến nghị Cục Hàng không Việt Nam xem xét bỏ chính sách giá trần (đối với vé máy bay) để các hãng có thể linh hoạt trong giá bán, đồng thời, cần giảm giá và ổn định giá thuê mặt bằng, quầy, băng chuyền, sân đậu tàu bay, cầu ống lồng, các dịch vụ đi kèm… để tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị cung ứng dịch vụ tại sân bay và của các hãng hàng không. Vietnam Airlines còn đề nghị không thu phí dịch vụ kiểm tra an ninh đối với xe suất ăn/xăng dầu; dịch vụ xử lý hành lý tự động...
Việc tăng các loại phí dịch vụ sân bay của ACV chính là đánh vào hành khách chứ không phải các hãng hàng không. (Ảnh minh họa). |
Đẩy lùi cơ hội bay giá rẻ
Báo Người lao động đưa tin, các hãng hàng không đang lo ngại việc tăng chi phí phải trả ở các sân bay sẽ buộc các hãng phải đánh giá lại chi phí, giá thành và tính toán sao cho mỗi chuyến bay phải bảo đảm bù đắp được các loại chi phí bỏ ra cộng với lợi nhuận. Nếu chi phí tăng, hãng không thể tăng ngay giá vé. Giải pháp được tính đến là giảm bớt số lượng vé ở mức giá thấp, vé khuyến mãi và tăng số lượng vé ở mức giá cao. Ví dụ, thay vì mở bán vé 100.000 đồng thì hãng sẽ chỉ bán mức thấp nhất là 150.000 đồng và tăng số lượng vé ở mức giá cao.
“Hàng không giá rẻ luôn phải có những đợt khuyến mãi và mở bán nhiều giá thấp để kích thích nhu cầu đi lại bằng máy bay của một bộ phận khách bình dân. 5 tháng đầu năm 2016, sản lượng khách vận chuyển tăng lên nhưng doanh thu nội địa của chúng tôi lại giảm 15\% so với cùng kỳ năm ngoái vì thị trường chưa bao giờ cạnh tranh mạnh mẽ như hiện nay. Riêng chặng Hà Nội - TP HCM mỗi ngày có cả trăm chuyến bay khứ hồi. Doanh thu bán trung bình tính trên hành khách/km giảm khá mạnh. Nếu chi phí đầu vào tăng, vé giá thấp bán ra ít hơn thì nhu cầu đi lại của người dân có thể giảm” - lãnh đạo một hãng hàng không phân tích.
Về phía cơ quan quản lý, Cục Hàng không Việt Nam nhìn nhận dịch vụ nhiều sân bay địa phương hiện đang ở mức thấp, phải bù lỗ từ 3 sân bay lớn. Song, do đặc thù vốn đầu tư hạ tầng sân bay từ nguồn ngân sách nhà nước nên không thể thu theo giá thị trường mà cần phải có sự điều tiết của nhà nước. Cơ quan chức năng sẽ xem xét việc điều chỉnh giá của ACV trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến giá vé máy bay.
Trả lời Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ GTVT sẽ xem xét việc thay đổi các mức phí dịch vụ này, trên cơ sở không để ảnh hưởng nhiều đến giá vé máy bay. Hiện tại, mức thu phí dịch vụ tại một số sân bay địa phương đang ở mức thấp, khiến các sân bay lớn phải chia sẻ bù lỗ.
Tuy nhiên trên thực tế, giá phí dịch vụ tại các cảng hàng không ngày càng tăng đang tác động lớn đến khai thác, trở thành gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không. Theo tính toán của Vietnam Airlines (VNA), năm 2016 hãng này sẽ bị đội thêm hàng trăm tỉ đồng vì sự điều chỉnh giá dịch vụ tại các sân bay, với những khoản chi phí phát sinh lớn như bắt đầu thu phí dịch vụ kiểm tra an ninh với xe suất ăn/xăng dầu trước khi vào khu vực hạn chế, việc nâng cấp thêm một số sân bay lên nhóm A... Đây là lý do VNA mới đây cũng kiến nghị lên Cục Hàng không đề nghị giảm giá, ổn định giá thuê mặt bằng, quầy, băng chuyền, sân đậu máy bay, cầu ống lồng; đặc biệt đề nghị không thu phí phát sinh thu mới kiểm tra an ninh xe suất ăn/xăng dầu...
Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, giá vé máy bay, đặc biệt là các đường bay nội địa hiện đang ở mức rất cạnh tranh với nhiều dải giá rẻ, hợp lý, khuyến khích người dân lựa chọn hàng không, san sẻ gánh nặng cho đường bộ. Dù lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng việc tăng giá phí dịch vụ không ảnh hưởng đến giá, nhưng thực tế việc phát sinh chi phí, tác động đến doanh thu của các hãng hàng không chắc chắn sẽ tác động đến giá vé. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ tại một số sân bay dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng quá tải, thiếu trang thiết bị phục vụ...
Thông tin trên báo Dân trí, trong văn bản trình Bộ GTVT về kế hoạch đầu tư dự án giai đoạn 2016-2020 mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề nghị Bộ chủ quản đồng ý về chủ trương tăng phí phục vụ hành khách đi các chuyến bay nội địa tại 7 sân bay quốc tế, gồm: Nội Bài, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc. Cần phải nhắc lại rằng, từ năm 2010 - 2014, phí sân bay đã liên tục tăng, trong khi đó theo quy định của Bộ Tài chính, mức phí sân bay được ban hành theo khung từ thấp đến cao nhưng hầu hết sân bay đều thu mức cao nhất. Bằng chứng là phí sân bay đối với chuyến bay nội địa của các sân bay nhóm A năm 2010 là 40.000 đồng/người, năm 2012 lên 60.000 đồng/người, năm 2014 lên 70.000 đồng/người; Phí sân bay đối với chuyến bay quốc tế của các sân bay nhóm A lần lượt trong các năm 2010, 2011, 2012, 2014 tăng từ 14 - 25 USD/người (riêng sân bay Đà Nẵng năm 2011 thu 8 USD/người tại nhà ga cũ, nhà ga mới là 16 USD). Đáng nói, tuy là các sân bay quốc tế thuộc nhóm A nhưng chất lượng hạ tầng chỉ xứng tầm quốc nội, tình trạng quá tải trầm trọng ở các sân bay lớn xảy ra, các dịch vụ thiết yếu tại sân bay như nước uống miễn phí, thiếu ghế ngồi, Wifi chập chờn, thiếu xe đẩy hành lý, thiếu khu vực vệ sinh… gây bức xúc cho hành khách. |
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Nguồn: Người đưa tin