Theo các chuyên gia y tế, ăn mặn không chỉ là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch mà còn là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh ung thư dạ dày.
Ung thư dạ dày gây ra nhiều đau đớn cho người bệnh. Ảnh minh họa |
Bệnh ung thư dạ dày phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở các nước kém phát triển. Nó là nguyên nhân hàng đầu của các ca tử vong liên quan đến ung thư trên thế giới.
Riêng tại Việt Nam, căn bệnh này đứng hàng thứ hai ở nam giới sau ung thư phổi, thứ ba ở nữ giới sau ung thư vú và cổ tử cung. Khoảng 2/3 người bị ung thư dạ dày được phát hiện ở giai đoạn tiến triển, khối u đã xâm lấn và di căn hạch lympho hay di căn xa.
Theo TS BS. Võ Duy Long Phó Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa BV Đại học y dược bệnh ung thư dạ dày chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng dựa trên các yếu tố người ta thấy rằng ung thư dạ dày có liên quan tới các lối sống sinh hoạt, ăn uống đặc biệt là thói quen ăn mặn.
Ăn mặn làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày
Ăn quá nhiều muối làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Ảnh minh họa |
Nghiên cứu thống kê cho thấy, người tiêu thụ muối quá mức trong thời gian dài thường có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày và tử vong tương đối cao.
Tiêu thụ lượng muối quá mức gây ra môi trường áp suất thẩm thấu cao, từ đó làm thiệt hại trực tiếp vào niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng lâu dài có thể dẫn đến viêm dạ dày, co thắt nghiêm trọng. Điều này cũng sẽ liên quan chặt chẽ với ung thư dạ dày có thể sinh ra sau đó.
Các thí nghiệm ở nhiều quốc gia đã chứng minh đầy đủ rằng, ăn muối quá mức là một yếu tố quan trọng dẫn đến ung thư dạ dày và chắc chắn sẽ làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Các nghiên cứu thấy rằng tỷ lệ ung thư dạ dày giảm ở các nước Châu Âu và Mỹ do họ bỏ thói quen muối cá trong tủ lạnh còn ngược lại ở các nước châu Á tăng nhất là các nước có thói quen ăn dưa muối, cá muối.
Nếu ăn trên 5 gram muối/ngày thì không chỉ hại tim mạch mà còn hại dạ dày bởi muối mặn làm tan các chất nhầy phủ trên niêm mạc dạ dày làm cho các chất độc, các chất có khả năng gây ung thư tiếp xúc trực tiếp lên niêm mạc dạ dày ảnh hưởng tới các tế bào đó.
Lượng muối được sử dụng mỗi ngày tốt nhất là khoảng 3,8 gram, tương đương với một nắp chai bia. Nếu bạn ăn quá nhiều muối, cách dễ nhất và hiệu quả nhất là uống nhiều nước hơn, tập thể dục để đổ mồ hôi nhiều cũng có thể làm tăng việc thải muối.
Ngoài ra, ăn nhiều trái cây như chuối và cam có chứa nhiều kali hơn cũng có thể thúc đẩy hiệu quả việc xả natri.
Thảo Minh (T/h)