Việc tăng mức xử phạt đối với hành vi cố tình xả khí thải ra môi trường, đặc biệt là vào nguồn nước là giải pháp mạnh trước nhiều vụ vi phạm trong thời gian qua. Bởi chỉ cần là một hành vi nhỏ nhưng có thể làm hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn người phải gánh hậu quả. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, đây không chỉ đơn thuần là tăng nặng hành vi xử phạt mà nó liên quan tới vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước.
Xử lý nghiêm
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2016 NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, có nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi vi phạm. Quy định này có hiệu lực từ ngày 10/5/2020.
Đây đang được cho là một trong những quy định để siết chặt và ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước và các loại hành vi xâm hại khoáng sản khác như thời gian qua. Đặc biệt, với nguồn nước hiện đang là vấn đề hết sức cấp bách không chỉ ở khu vực thành thị mà ngay cả ở khu vực nông thôn.
Phải bảo vệ nguồn nước, và ngược lại cần xử lý nghiêm hành vi phá hoại. |
Điển hình như vụ việc tại sông Đà mới đây, khiến hàng trăm hộ dân tại Hà Nội không có nước để sạch để sử dụng là điều báo động. Do đó,ngoài việc xử phạt tiền thì cần phải bắt buộc người vi phạm khắc phục ô nhiễm nguồn nước, từ đó mới đủ sức răn đe và nêu gương cho những tổ chức/cá nhân có ý định phá hoại tại nguồn tài nguyên thiên nhiên này.
Một số chuyên gia cho rằng, cần phải tổ chức thực hiện nghiêm, vì luật đã quy định đầy đủ cho các hành vi này. “Điển hình như luật Tài nguyên nước năm 2012, luật Bảo vệ Môi trường, rồi Thông tư (số 24/2016 TT-BTN&MT ngày 9/9/2016) quy định xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt... Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần phải phải rà soát lại một cách tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này. Qua đó, xem xét các quy định này đã ban hành những nội dung gì, đặc biệt là để làm sao đó có thể để quản lý, xử lý được các tình huống liên quan, như những trường hợp vừa qua.
Song song với việc xử lý, các tổ chức/cá nhân có hành vi vi phạm thì cũng cần phải phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, như: Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý môi trường... Từ đó mới nâng cao được hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành và đảm bảo được tài nguyên của chúng ta”, luật sư Đoàn Văn Thương (TP.HCM) cho biết.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Hùng, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM cũng cho rằng: “Rõ ràng là chúng ta đã có đầy đủ khung pháp lý đối với hành vi này. Tuy nhiên, việc xử lý như thế nào khi chưa đến mức phải truy tố, khởi tố thì việc áp dụng xử phạt bằng tiền cần phải áp dụng ở mức tối đa cho tất cả các hành vi xả thải chất độc hại vào nguồn nước, khoáng sản tài nguyên. Điều này là rất cần thiết vì nó gây ra những hậu quả khôn lường và ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng. Do đó, cần phải tổ chức thực hiện nghiêm tránh để để tình trạng coi thường pháp luật, nhờn luật”.
Trong khi đó, đứng ở góc độ người dân, bà Hoàng Thu Hương, cán bộ hưu trí tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết: “Tôi hoan nghênh quyết định này, và mong cơ quan chức năng triển khai, áp dụng vào thực tế nghiêm minh. Bởi, nhiều vụ việc cho thấy, người dân đã phải vất vả như thế nào khi đối mặt với những sự cố môi trường. Thực tế, chúng ta còn nhớ vụ công ty VEDAN xả thải vào nước sông Thị Vải, rồi hàng loạt sông, kênh, rạch trên địa bàn TP.HCM bị ô nhiễm trầm trọng...”.
An ninh nguồn nước
Ths.Trần Huy Hoàng, một người có nhiều năm tâm huyết trong các công trình Bảo vệ môi trường chia sẻ: “Hành vi của một vài tổ chức/cá nhân lại làm ảnh hưởng tới cả một khu vực rộng lớn dân cư hoặc một bộ phận cộng đồng không nhỏ đang bị ảnh hưởng thì điều đó, xét về bản chất là tội phạm.Và hành vi này cần phải xử lý nghiêm, xử lý triệt để, có như vậy mới đảm bảo được tính công bằng trong san sẻ lợi ích và sử dụng tài nguyên thiên nhiên của địa phương/quốc gia”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Cường,Giám đốc Công ty Dược phẩm Việt Âu cho biết: “Hiện chúng ta đang chạy đua để tìm kiếm các loại thực phẩm bảo vệ cho sức khỏe con người và hướng đến cuộc sống gần với thiên nhiên. Trong khi nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là nước sạch mà không có ý thức bảo vệ nó, lại đi phá hoại là hành vi cả xã hội lên án.
Vì vậy, tôi cho rằng, phải tiến hành xử lý nghiêm, đồng thời có tính chất nêu gương để không có cá nhân/tổ chức nào dám vi phạm.Việc ban hành mức xử phạt này nói cho cùng cũng chỉ là một trong nhiều biện pháp mà chúng ta cùng chung tay bảo vệ môi trường nói chung và các nguồn tài nguyên thiên nhiên, như nước sạch, khoáng sản nói riêng là việc làm rất cần thiết, phù hợp trong bối cảnh hiện nay”.
Nhìn sâu xa, một số ý kiến lại lo ngại tới vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước sạch. Vì vậy, nếu xét tới tình huống này thì việc xử lý như hiện nay, theo nhiều người vẫn là còn quá nhẹ, kể cả về mặt xử lý hành chính, lẫn khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử. Vì vậy, thời gian tới, cơ quan chức năng cần phải làm nghiêm để xử lý tình trạng này.
“Bởi hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng, tài nguyên thiên nhiên nói chung, nhất là nguồn nước ngày càng cạn kiệt và nó lại phục vụ chính cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, vì lợi ích hoặc động cơ nào đó mà những tổ chức/cá nhân lại có ý định phá hoại nguồn tài nguyên này thì điều đó là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, TS Hùng chia sẻ thêm.
Trong khi đó, Ths Hoàng lại nhìn nhận: “Ai cũng hiểu rằng nguồn nước là một trong những tài nguyên vô cùng quý giá có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng và quyết định đến đời sống của người dân cũng như sự phát triển của đất nước. Do đó, việc đảm bảo an ninh nguồn nước nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà Việt Nam đang chịu ảnh hưởng ảnh nặng nề.
Thực tế cho thấy, nhu cầu về sử dụng nước sạch ngày càng tăng lên rất nhiều lần trong khi nguồn nước ngày càng suy thoái, mặt khác, có tình trạng khai thác nguồn nước ngầm và việc phát triển các hồ đập cũng khiến khối lượng và chất lượng tài nguyên nước suy giảm, kéo theo hàng loạt vấn đề. Vậy hành vi xả khí thải vào nguồn nước là đang góp phần giết chết nguồn tài nguyên quan trọng hàng đầu này”.
Theo Nghị định 36, mức phạt tiền cao nhất là từ 200-250 triệu đồng với các hành vi bơm hút nước, tháo khô trong hoạt động khai thác mỏ, xây dựng công trình dẫn đến hạ thấp mực nước dưới đất gây cạn kiệt nguồn nước. Cá nhân/tổ chức không thực hiện các biện pháp hạn chế, khắc phục sau khi thực hiện hành vi trên cũng sẽ phải chịu mức phạt tương tự. Những đơn vị để rò rỉ, thất thoát dẫn đến gây ô nhiễm nguồn nước và các hoạt động sản xuất khác sử dụng hoá chất độc hại; không thực hiện chống thấm, chống tràn ở khu chứa nước thải có chất thải nguy hại sẽ bị phạt 50-70 triệu đồng. Mức phạt 30-50 triệu đồng được áp dụng với các vi phạm: Không có phương án phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước khi xây dựng các công trình có nguy cơ; Không có phương án, trang thiết bị, nhân lực bảo đảm phòng ngừa, hạn chế ô nhiễm nước biển khi hoạt động trên biển. Phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y và các loại hoá chất khác trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật gây ô nhiễm nguồn nước. Hành vi không thực hiện biện pháp chống thấm, chống tràn ao, hồ, khu chứa nước thải trong trường hợp nước thải không chứa chất thải nguy hại sẽ bị phạt tiền 3-5 triệu đồng. |
Chí Thanh
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật Chủ nhật số 13.