Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết chưa hài lòng với mức tăng lương tối thiểu vùng 2017.
Ngày 2/8, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Theo đó điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2017 tăng 7,3\% (tăng từ 180.000 đồng – 250.000 đồng/tháng tùy theo vùng).
Người lao động chưa hài lòng?
Ở góc độ đại diện cho người lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết chưa hài lòng với mức tăng này.
Theo ông Chính, trước đó Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất phương án tăng lương tối thiểu năm 2017 là 11,11\%. Đề nghị này dựa trên thực tế cuộc sống của người lao động.
Khoảng 50\% công nhân không đủ sống hoặc sống kham khổ (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên tại phiên họp Chính phủ mới đây cho thấy, chỉ số tăng trưởng GDP đến cuối năm 2016 là 6,3\%, chỉ số giá tiêu dùng CPI khoảng 5\% thể hiện sự khó khăn của doanh nghiệp, vì vậy Tổng LĐLĐ Việt Nam đã hạ mức đề xuất tăng lương tối thiểu xuống 10\%, giảm hơn 1\% so với đề xuất ban đầu.
“Vì thế trong quá trình thương lượng, Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt mức tăng 7,3\% là sức ép lớn với người lao động còn nhiều khó khăn. Thực lòng chúng tôi muốn mức tăng thấp nhất cũng phải là 8,5\%” - ông Chính bày tỏ.
Trả lời câu hỏi của PV về việc người lao động sẽ đón nhận thông tin này như thế nào, ông Mai Đức Chính nói: “Dù doanh nghiệp khó khăn, nhưng đứng ở góc độ bảo vệ người lao động, chúng tôi thấy công nhân quá khổ, bởi hơn 75,5\% công nhân muốn tăng ca bởi tiền lương thu nhập quá thấp họ không đủ sống.
Ngoài ra qua khảo sát cũng có đến hơn 14\% công nhân nói họ không đủ sống; khoảng 35\% công nhân nói đủ sống nhưng phải chịu kham khổ; còn trên 35\% tạm đủ sống và chỉ có trên 14\% là có tích lũy chút ít”.
Tăng lương có “gây khó” cho doanh nghiệp?
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, với mức 7,3\% tăng lương tối thiểu vùng năm nay, đây là sự cố gắng rất nhiều của các thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia. Hội đồng đã phải “nâng lên đặt xuống” và có lúc tương đối căng thẳng.
“Đây là mức vượt quá với mức đề xuất của VCCI ban đầu (4 – 5\%). Cho nên 7,3\% là có sự đồng thuận, có tính đến phần năng suất lao động. Chúng tôi cũng thấy rằng, cần phải có sự chia sẻ với mức sống tối thiểu. Bởi việc áp dụng mức lương tối thiểu như thời gian qua chỉ đạt được 90\% mức sống tối thiểu” – ông Phòng nói.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, với mức tăng này, doanh nghiệp cũng cần có sự phấn đấu để nâng cao hơn nữa, đáp ứng được khả năng cạnh tranh của mình. Đây là việc làm vô cùng khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước đã hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, cạnh tranh doanh nghiệp là yếu tố sống còn trong việc nâng cao năng suất lao động và cải thiện chỉ số tăng trưởng kinh tế nước nhà.
Cho nên VCCI cùng các cơ quan chức năng cũng cần tính đến các biện pháp hỗ trợ một cách quyết liệt hơn, để doanh nghiệp nâng cao được năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu chi trả lương tối thiểu. Bản thân doanh nghiệp cũng cần có sự điều chỉnh, nâng cao năng lực quản trị, đổi mới khoa học công nghệ, tận dụng những cơ hội đang có để nâng cao được năng lực cạnh tranh của mình.
Ông Hoàng Quang Phòng đánh giá: Đây là việc làm cực kỳ khó khăn, nhất là các doanh nghiệp của ta đa phần là vừa và nhỏ, đối tượng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, họ cần nỗ lực và trong cuộc cạnh tranh này, chúng ta phải có sự chấp nhận nhất định để nâng cao năng lực nội tại của mình. Chỉ có như vậy mới nâng cao được năng lực cạnh tranh.
“Về phía doanh nghiệp, mức tăng 7,3\% không chấp nhận cũng không được. Vì Hội đồng đã thông qua. Chúng tôi muốn rằng doanh nghiệp thấy đó là mức để phấn đấu. Cần phải tiết giảm những vấn đề có thể giảm được. Tuy nhiên, tăng lương tối thiểu kéo theo hệ lụy tăng chi phí lao động, tăng nền đóng góp cho lương tối thiểu. Vấn đề đó cần phải được nghiên cứu thấu đáo” – ông Phòng cho biết.
Ông Hoàng Quang Phòng chia sẻ thêm: “Doanh nghiệp và người sử dụng lao động chưa có lúc nào yêu quý người lao động như lúc này. Họ coi người lao động là tài sản vô giá. Hợp đồng đã ký rồi, nhưng không có người làm thì doanh nghiệp sẽ đi về đâu? Chủ sử dụng lao động sẽ như thế nào? Nếu chúng ta không giữ chân được họ thì doanh nghiệp tự làm khó mình. Cho nên doanh nghiệp rất quan tâm đến người lao động, mong muốn người lao động cảm thông, chia sẻ, cùng đồng hành với doanh nghiệp để phát triển”./.
Liệu có tình trạng “té nước theo mưa” với điệp khúc “lương tăng thì giá tăng”? Ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết: “Giá tăng sau khi lương tăng là thực trạng diễn ra nhiều năm nay. Trong điều kiện điều hành như hiện nay, chúng tôi sẽ bàn với các cơ quan chức năng để tìm ra những phương án nhằm hạn chế tình trạng này”. |
Lại Thìn
Nguồn: VOV.VN
Xem thêm video tin tức: [mecloud]l9avfWQJvr[/mecloud]