Sau khi áp dụng cách tính lương mới, người giữ quân hàm đại tướng sẽ được tăng lương tháng từ 14,5 lên 15,5 triệu đồng.
Theo công thức tính lương Bộ Nội vụ vừa hướng dẫn áp dụng, lương của sỹ quan quân đội và sỹ quan công an được tính bằng: hệ số lương x mức lương cơ sở.
Hệ số lương của sỹ quan quân đội và sỹ quan, hạ sỹ quan công an được quy định tại nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lương vũ trang.
Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu. Ảnh: Báo Giao Thông. |
Với cách tính này, lương đại tướng quân đội (hệ số 10,4) sẽ gần 15,5 triệu đồng mỗi tháng. Mức lương này đã tăng gần 1 triệu đồng so với lương hiện nay là 14,5 triệu đồng.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng có 2 người mang quân hàm đại tướng gồm: Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Lương Cường.
Với người mang quân hàm thượng tướng (hệ số 9,8), theo công thức tính lương trên sẽ nhận mức 14,6 triệu đồng (cao hơn 1 triệu so với hiện tại).
Người mang quân hàm trung tướng và cấp hàm cơ yếu bậc 10 (hệ số 9,2) sẽ nhận lương 13,7 triệu đồng; thiếu tướng và cấp hàm cơ yếu bậc 9 (hệ số 8,6) có mức lương là 12,8 triệu đồng.
Đại tá và cấp hàm cơ yếu bậc 8 có hệ số 8,0 sẽ nhận mức lương hơn 11,9 triệu đồng. Người mang hàm đại úy sẽ được hưởng mức lương 8 triệu đồng.
Ngoài mức lương trên, các chức vụ lãnh đạo còn được hưởng khoản phụ cấp.
Cụ thể, Bộ trưởng Quốc phòng được phụ cấp 2,2 triệu đồng mỗi tháng; Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị gần 2,1 triệu đồng; Chủ nhiệm Tổng cục, Tư lệnh Quân khu, Tư lệnh Quân chủng, Tư lệnh Bộ đội biên phòng hơn 1,8 triệu đồng; Tư lệnh Quân đoàn, Tư lệnh Binh chủng hơn 1,6 triệu đồng.
Trong bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu, mức thấp nhất là thiếu úy, cấp bậc hàm cơ yếu bậc 1 với hơn 6,2 triệu đồng mỗi tháng. Tính theo bảng phụ cấp, trung đội trưởng là người được hưởng phụ cấp thấp nhất với mức gần 300.000 đồng mỗi tháng.
Thanh Tùng(T/h)