Tăng độ khó trong việc thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô là điều rất cần thiết, tuy nhiên cũng cần tránh để xảy ra tình trạng các trung tâm/cơ sở đào tạo, tổ chức thi sát hạch giấy phép lái xe “vin” vào quy định này để tăng học phí, các loại phí liên quan và “ép” học viên.
Tăng thêm giờ học về Đạo đức, Văn hóa giao thông và Phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông là điều hết sức cần thiết. |
Lá chắn phòng chống việc có bằng lái “dễ như ăn kẹo”
Theo Thông tư 38 của bộ Giao thông vận tải, sửa đổi và bổ sung một số quy định về đào tạo, cấp giấy phép lái xe thì kể từ ngày 1/1/2020, việc học viên thi lý thuyết và thực hành sẽ được camera giám sát, truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để cơ quan quản lý an toàn giao thông, cơ quan công an có thể truy cập trực tiếp, giám sát quá trình sát hạch. Đồng thời, người học cũng sẽ phải học thêm các môn như Đạo đức, Văn hóa giao thông và Phòng chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. Thêm vào đó, các học viên cũng sẽ có cơ hội tập lái trên cabin mô phỏng về các tình huống giao thông và quan trọng là các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát và nhận dạng học viên trong thời gian học lý thuyết. Như vậy, với những quy định mới trong Thông tư 38 thì việc học lý thuyết và thực hành để thi sát hạch giấy phép lái xe sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với hiện nay. Đồng thời, đây cũng được cho là các biện pháp để giám sát các trung tâm/cơ sở đào tạo “lách luật”, bỏ qua các quy trình để có thể “bao đậu lý thuyết” hoặc thực hành, thậm chí là cả lý thuyết và thực hành như trước đây.
Nói về vấn đề này, Đại uý CSGT Nguyễn Hải Nam, Công an TP.HCM chia sẻ: “Tăng độ khó trong việc thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô hy vọng sẽ tạo ra bước ngoặt về công tác đào tạo và cấp phép sát hạch lái ô tô các loại so với trước đây. Bởi, nhiều người lo ngại việc đào tạo sơ sài cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành dễ bỏ lọt những người không học nhưng vẫn được “bao đậu”, từ đó, dẫn tới hậu quả khôn lường khi ngồi trước vô lăng chiếc xe ô tô. Thực tế cho thấy, rất nhiều người sau khi đã học xong các khóa đào tạo, rồi thi lái xe ô tô để được cấp giấy phép lái xe các hạng B1, B2, thậm chí cả hạng C, D, E... tuy nhiên về những quy định giao thông cơ bản vẫn không rõ. Ví dụ, xe chạy ở làn đường nào, giờ nào thì được phép đi, nhìn bảng phân làn - luồng đường vẫn chưa rõ ràng... Đặc biệt, trong đó, nhiều chuyên gia lo ngại về ý thức tham gia giao thông của người dân”.
Ghi nhận của PV cho thấy, đa phần người dân đều đồng tình với các quy định mới này. “Như vậy là rất tốt, vì mục đích để đảm bảo an toàn giao thông khi mà lượng phương tiện ngày càng gia tăng một cách chóng mặt, đặc biệt là ô tô. Trong khi đó, nhiều vụ việc tai nạn xảy ra có yếu tố là người ngồi trên xe ô tô không nắm vững kiến thức, kỹ năng và xử lý tình huống tốt. Các vụ tai nạn xảy ra hết sức thương tâm (ví như uống rượu, bia) và thường là có số lượng người thương vong rất lớn. Vì vậy, việc siết chặt quy trình đào tạo và cấp phép giấy phép lái xe là điều nên làm. Tôi cho rằng đây là một trong những động thái tốt để quản lý việc này”, ông Nguyễn Trí Cường, Giám đốc công ty CP Dược phẩm Việt Âu, người đang sử dụng nhiều lao động có công việc là lái xe giao – nhận hàng hoá chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Hữu, giảng viên một trung tâm đào tạo sát hạch lái xe ở quận 3 TP.HCM chia sẻ: “Rõ ràng hiện nay, cứ nhìn trên mặt đường thấy người tham gia giao thông thì biết rõ được ý thức tham gia giao thông của người dân như thế nào? Xe gắn máy, ô tô cứ chen lấn nhau, kể cả leo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường - phần đường dành cho phương tiện, rồi chạy quá tốc độ quy định... là những lỗi thường thấy. Điều này cũng góp phần vào việc gây ra tình trạng ùn tắc giao thông, gây mất an ninh trật tự và đặc biệt là gây tai nạn giao thông có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Số người thương vong trong các vụ tai nạn giao thông này là cực kỳ lớn, nhất là những dịp như lễ, tết, khi có đông người tham gia giao thông. Từ đây, đặt ra vấn đề là việc đào tạo và sát hạch giấy phép lái xe đang có vấn đề. Nói như thế có vẻ chủ quan, một chiều nhưng thực tế, ngay khi người học tìm đến cơ sở đào tạo sát hạch lái xe là phải học về đạo đức và ý thức tham gia giao thông đầu tiên, kể cả trong lý thuyết và thực hành. Bộ câu hỏi và giáo viên cần phải chú trọng vào phần này bên cạnh là học Luật và các vấn đề liên quan”.
Không phải cớ làm khó người học
“Tôi đồng ý với việc phải tăng cường độ khó trong việc thi sát hạch lấy giấy phép lái xe. Bởi vì hiện nay, nhiều trung tâm/cơ sở đào tạo muốn thu hút học viên để có lợi nhuận nên đã “bao đậu” lý thuyết, thực hành và bỏ qua một số thủ tục nghiêm ngặt khác, như: Khám sức khỏe. Điều đó là vô cùng tai hại, do đó, việc tăng thêm giờ học lý thuyết và thực hành để học viên được trang bị thêm nhiều kiến thức, về ý thức, đạo đức trong tham gia giao thông là rất cần thiết”, TS. Nguyễn Hồng Thắng, trường đại học Văn hoá TP.HCM nhìn nhận.
Tuy nhiên, các ý kiến khi được hỏi đều cho rằng quy định là tốt rồi thì phải tổ chức thực hiện nghiêm. Trong đó, tránh để tình trạng các trung tâm/cơ sở đào tạo, tổ chức thi sát hạch giấy phép lái xe “vin” vào Thông tư này để tăng học phí và các loại phí liên quan, nhằm trục lợi. “Thực tế, nó đã xảy ra như thời gian vừa qua, vì vậy, đi đôi với việc siết chặt công tác sát hạch, quản lý các trung tâm/cơ sở đào tạo thì nên thanh, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm tình trạng tăng phí, lợi dụng tình hình để trục lợi. Nếu không, người học lại thêm tốn kém, dễ bị gây khó khăn song chất lượng lại vẫn như cũ”, Ths. Luật sư Trương Văn Toàn nêu quan điểm.
Thêm vào đó, “hoạt động sát hạch sẽ được ghi hình và truyền trực tiếp về Tổng cục Đường bộ, bao gồm cả phần lý thuyết và thực hành là hợp lý trong thời buổi công nghệ hệ số. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là phải tổ chức thực hiện nghiêm, tránh để có lỗ hổng để cho các trung tâm/cơ sở đào tạo lách luật giống như trước đây về tình trạng “bao đậu”. Một khi người học nắm vững các yêu cầu về lý thuyết và thực hành, đồng thời, có ý thức tham gia giao thông tốt thì tôi tin rằng, sẽ giảm được rất nhiều vụ tai nạn giao thông như hiện nay”, TS. Thắng nói thêm. “Đánh” vào ý thức và đạo đức người học trong đào tạo lái xe đang được nhiều người quan tâm hơn bao giờ hết. “Thực tế cho thấy, nếu giáo viên dạy tốt, một người học tiếp thu tốt, có ý thức tham gia giao thông tốt thì tình hình sẽ được cải thiện ngay. Tôi lấy ví dụ như vào đường cao tốc, khoảng cách tối thiểu là 100m giữa xe trước và xe sau, tuy nhiên, nhiều người vẫn đi sát nhau chỉ cách có 1 đến 2m, rất nguy hiểm. Đây là ý thức tham gia giao thông, mặc dù đã được dạy trong khi học và có câu hỏi để thi.Vậy vấn đề đặt ra ở đây là ý thức tham gia giao thông cho nên bắt buộc học viên phải học các môn như Đạo đức, Văn hóa giao thông và Phòng chống tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông là điều hết sức cần thiết”, ông Hữu cho hay.