Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng chia sẻ tối đa khó khăn với khách hàng vay vốn, với nền kinh tế trong giai đoạn này cũng như sau khi dịch kết thúc.
Ngày 22/4, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã chủ trì hội nghị trực tuyến "Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19” với 63 tỉnh, thành phố.
Hội nghị nhằm tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện chương trình hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 lên tới 300.000 tỷ đồng.
Theo thông tin tại hội nghị, tính đến thời điểm này, ngành ngân hàng đã cho vay, cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho gần 167.000 khách hàng với dư nợ gần 63.000 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ hơn 12.000 tỷ đồng; hạ lãi suất với dư nợ hiện hữu cho hơn 289.000 khách hàng với dư nợ khoảng 948.407 tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách hàng với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 102.930 khách hàng với dư nợ 2.815 tỷ đồng, cho vay mới đối với 516.668 khách hàng với dư nợ 18.825 tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến. Ảnh: TTXVN |
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng miễn giảm phí thanh toán cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng trên 1.000 tỷ đồng.
“Đây là những con số rất lớn thể hiện sự chia sẻ đồng hành của cả hệ thống ngân hàng với nền kinh tế và khách hàng vay vốn. Kết quả này là bước đi quan trọng để chúng ta kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, khách hàng vay vốn, tạo điều kiện cho nền kinh tế có thể phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế,” Thống đốc NHNN nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải xem xét chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án án khả thi. Việc xem xét cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay. Mặt khác, các tổ chức tín dụng cũng cần đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động những năm tới.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng phải có cơ chế khuyến khích phù hợp để chi nhánh, phòng giao dịch, cán bộ thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng; đoặc biệt phải xử lý với giám đốc chi nhánh nếu thiếu trách nhiệm gây khó khăn phiền hà, xử lý chậm hồ sơ khách hàng.
Thống đốc cũng đề nghị các tổ chức tín dụng quan tâm công tác truyền thông, kịp thời trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, công bố công khai các kết quả xử lý, kết quả cho vay mới, cơ cấu lại nợ…
“Trong quá trình cơ cấu lại nợ, không chỉ khách hàng doanh nghiệp mà cả khách hàng cá nhân nếu bị khó khăn trong thu nhập cũng cần phải được quan tâm xem xét cơ cấu lại nợ, cả nợ gốc và nợ lãi,” Thống đốc nhấn mạnh.
Vũ Đậu(T/h)