+Aa-
    Zalo

    Tăng cường phòng, chống buôn lậu dịp Tết Đinh Dậu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Tổng cục Hải quan vừa ban hành công văn số 10524/TCHQ-ĐTCBL ngày 07/11/2016 gửi Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố.

    (ĐSPL) - Tổng cục Hải quan vừa ban hành công văn số 10524/TCHQ-ĐTCBL ngày 07/11/2016 gửi Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Định Dậu năm 2017.

    Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt, chỉ đạo các đơn vị, cán bộ, công chức cần nêu cao tinh thần cảnh giác, vận dụng kinh nghiệm công tác và kỹ năng nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan.

    Đồng thời, các Cục Hải quan cần xây dựng kế hoạch, tuần tra kiểm soát, tích cực phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển,… nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm ngay tại địa bàn hoạt động hải quan.

    Tăng cường phòng, chống buôn lậu dịp Tết Đinh Dậu.

    Đối với Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò là đơn vị chủ công thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

    Trong đó, tập trung vào các Kế hoạch, Chuyên đề của Tổng cục Hải quan đã ban hành như Kế hoạch 185/KH-TCHQ ngày 17/8/2015 thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Kế hoạch số 7790/KH-TCHQ ngày 11/8/2016 về việc tăng cường kiểm soát container có rủi ro cao tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng,…

    Ngoài ra, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng được chỉ đạo tích cực phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảnh sát biển tổ chức tuần tra, kiểm soát hai khu vực trọng điểm là vùng biển Đông Bắc và Tây Nam, kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng trọng điểm mà các đối tượng thường vận chuyển trên biển trong dịp Tết là hàng tiêu dùng, thực phẩm, thuốc lá điếu, rượu, bia, xăng, dầu,… không cho các đối tượng lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển hàng hóa vào nội địa tiêu thụ.

    Trong bối cảnh càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại sẽ càng diễn biến phức tạp hơn thì chỉ đạo của ngành Hải quan được đánh giá là tích cực, kịp thời, góp phần thực hiện thắng lợi chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 138/CP và chỉ đạo của Bộ Tài chính để người dân yên tâm vui xuân, đón Tết.

    Nghị định số 107/2008/NĐ-CP Quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại

    Trong đó, Điều 12: Xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên, hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên và vi phạm về nhãn hàng hóa.

    1. Đối với các hành vi vi phạm về hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên và hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm thì phái chuyển hồ sơ cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp cơ quan tố tụng hình sự có quyết định không truy cứu trách nhiệm hình sự thì việc xử phạt hành chính được thực hiện với mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định đối với hành vi vi phạm hành chính, kèm theo các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 18, Điều 22 và Điều 24 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

    2. Đối với các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa có giá trị từ trên 1.00.000.000 đồng trở lên thì việc xử phạt hành chính được thực hiện với mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định đối với hành vi vi phạm hành chính, kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 23 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

    3. Các khung phạt tiền quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, khoản 4 Điều 23 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại được áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa.

    "Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo."

    Hoàng Hà

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tang-cuong-phong-chong-buon-lau-dip-tet-dinh-dau-a169808.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.