Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm.
Ngày 19/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 17/CT-TTg, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm |
Để thực hiện nghiêm túc, kịp thời Chỉ thị của Thủ tướng Chính nhằm đạt hiệu quả trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai các nội dung sau:
1. Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế, Phòng Nghiệp vụ Dược, Phòng Quản lý hành nghề, Phòng Y tế quận huyện trên địa bàn:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn về việc thực hiện các quy chế chuyên môn về dược, mỹ phẩm; chú trọng kiểm tra việc mua bán thuốc, mỹ phẩm có hóa đơn chứng từ hợp pháp, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, thông tin sản phẩm (tên sản phẩm, dạng bào chế, số đăng ký, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, số lô, hạn dùng...).
- Phối hợp với Ban chỉ đạo 389 của địa phương và các cơ quan chức năng Công An, Quản lý Thị trường, Hải quan tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ việc sản xuất, buôn bán thuốc, mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa được cấp phép sản xuất, lưu hành.
Xử lý nghiêm theo quy định hiện hành đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt đối với trường hợp sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm không phép.
2. Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm chủ động rà soát, tự kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý thuốc và mỹ phẩm. Nghiêm cấm mua bán thuốc, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc; thuốc, mỹ phẩm hết hạn dùng; thuốc, mỹ phẩm không được phép lưu hành; thuốc, mỹ phẩm đã có thông báo thu hồi.
3. Chủ động phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý nhà thuốc trên địa bàn để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc, đảm bảo truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát hạn dùng của thuốc, kiểm soát giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc…theo Thông báo số 192/TB-VPCP, ngày 25/5/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc ứng dụng công nghệ thông tin kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc.
4. Chỉ đạo Đơn vị kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm của địa phương chủ động kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, mỹ phẩm trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định.
5. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan thông tin đại chúng, truyền thông đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của việc sử dụng thuốc, mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các chế tài xử lý về những hành vi sai phạm để nâng cao nhận thức của người dân về thuốc, mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Thông tin tới người dân các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh thuốc, mỹ phẩm.
6. Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19 tháng 6 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm trong tháng 7 năm 2018 và khẩn trương tổ chức thực hiện. Định kỳ hàng quí gửi báo cáo về Cục Quản lý Dược để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ. Cục Quản lý Dược có kế hoạch kiểm tra việc triển khai thực hiện tại các địa phương trong tháng 8 năm 2018.
Ảnh minh hoạ |
Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai thực hiện.
Thu Hà