Các đại biểu cũng được nghe đại diện Bộ Y tế phổ biến một số nội dung như: các văn bản hướng dẫn an toàn tiêm chủng; Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng cho đối tượng người lớn và trẻ em; Hướng dẫn xử trí phản vệ sau tiêm chủng phòng vaccine COVID-19; Hướng dẫn xử trí huyết khối, giảm tiểu cầu sau tiêm phòng vaccine COVID-19; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm cơ tim sau tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; Chia sẻ kinh nghiệm về công tác an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Tổ chức Y tế thế giới.
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng bộ Y tế một lần nữa khẳng định, tiêm vaccine đóng vai trò then chốt trong ngăn ngừa dịch bệnh.
Theo thống kê tại Việt Nam, tính tới sáng 4/12, gần 127 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm, tỷ lệ bao phủ mũi 1 là 93% cho người từ 18 tuổi trở lên, con số này với mũi 2 là hơn 70%.
Việt Nam cũng đã triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi và có kế hoạch và hướng dẫn tiêm mũi tăng cường (mũi bổ sung) cho một số nhóm đối tượng được khuyến cáo.
Để đảm bảo mục tiêu cao nhất là an toàn tiêm chủng, từ khi chuẩn bị tiếp nhận những lô vaccine đầu tiên tới nay, Bộ Y tế liên tục tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn an toàn tiêm chủng cho toàn tuyến với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành về vaccine, cấp cứu, hồi sức, tim mạch,…
Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế có 5 lần cập nhật, sửa đổi hướng dẫn sàng lọc trước tiêm, xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng...
Lãnh đạo bộ Y tế cho biết, khi có sự cố trong tiêm chủng xảy ra ở bất kỳ cấp độ nào, hội đồng chuyên môn y tế các cấp đã họp, đánh giá, đưa ra những kết luận kịp thời.
Thứ trưởng lưu ý, bên cạnh việc phân tích các nguyên nhân dẫn tới sốc phản vệ và các biện pháp cấp cứu tại các cơ sở tiêm chủng, hội nghị là dịp để các đơn vị y tế củng cố kiến thức, tăng cường năng lực, tổ chức hệ thống cấp cứu, xử trí để tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị sau khi được tập huấn các địa phương cũng cần tổ chức tập huấn, rút kinh nghiệm cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia tiêm chủng.
TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chia sẻ, 05 công cụ hiệu quả để kiểm soát dịch COVID-19 gồm: Vaccine; các biện pháp y tế công cộng – xã hội (như 5K của Việt Nam); quản lý ca bệnh, quy trình chăm sóc, điều trị bệnh nhân; giám sát và kiểm soát đường biên giới.
Theo Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, hiện số ca mắc COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam, cùng với sự xuất hiện của biến thể mới như Omicron, khiến chúng ta lo lắng hơn.
"Vaccine là công cụ quan trọng nhất để vượt qua sự lo lắng này" – TS Kidong Park nói.
Cuối cùng, TS. Kidong Park nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết tăng cường hệ thống quản lý các biến cố bất lợi sau tiêm chủng ở Việt Nam. Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Việt Nam để đảm bảo chương trình tiêm vaccine COVID-19 được thực hiện thành công".
PV