(ĐS&PL)Dù chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép hoạt động, nhưng Trường mầm non tại địa chỉ số 27 BT5 KĐT mới Cầu Bươu xã Tân Triều vẫn ngang nhiên tổ chức hoạt động trông giữ trẻ, treo biển bảng tuyển sinh.
Mới đây, Tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật nhận được phản ánh về cơ sở Trường mầm non có địa chỉ số 27 BT5 Khu đô thị mới Cầu Bươu, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội hoạt động chui, tổ chức trông giữ trẻ có nhiều dấu hiệu mất an toàn và không đảm bảo về vệ sinh ATTP (an toàn thực phẩm).
Để xác minh thông tin, vào thời điểm 14h ngày 17/9/2019 PV có mặt tại địa chỉ số 27 BT5 Khu đô thị mới Cầu Bươu tiến hành xác minh và ghi nhận một số thông tin ban đầu. Tại đây, theo ghi nhận, cơ sở này đã thể hiện những dấu hiệu bất thường như không hề mở rộng cửa và luôn sử dụng khóa dây để khóa. Phía trên cửa vào được treo tấm biển với hàng chữ: “Chào mừng các con đến trường nhân dịp khai giảng năm học 2019-2020”.
Mầm non hoạt động chui ở 27 BT5 khu đô thị Cầu Bươu. |
Khi PV ngỏ ý muốn gửi 01 cháu nhỏ 04 tuổi với lý do vừa chuyển công tác và sống ở gần khu vực này thì được một người phụ nữ trong trường cho biết: “Không lo, gửi lúc nào cũng được. Giá trông giữ mỗi cháu là 1.800.000đ/1 tháng, ăn sáng thì 2.000.000đ”.
PV đưa ra ý định muốn lên trên tầng xem cơ sở vật chất ra sao thì người phụ nữ trên đã lấy lý do là các cháu đang ngủ trưa nên không vào được (?!). Sau đó một người phụ nữ khác giới thiệu với PV tên là Thủy – Hiệu trưởng trường mầm non này.
Điều đáng nói, khi PV liên hệ với bà Nguyễn Thị Tuyết Lê – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì thì được biết cơ sở trên đã bị giải thể. Bà Lê hướng dẫn PV liên hệ với UBND xã Tân Triều để nắm thêm thông tin. Vị đại diện Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì khẳng định: "Cơ sở trông giữ trẻ này đã xin giải thể".
Vẫn tổ chức hoạt động đưa đón, trông giữ trẻ |
Để tìm hiểu rõ việc một cơ sở trông giữ trẻ đã xin giải thể nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, PV đã liên hệ với lãnh đạo xã Tân Triều. Sau rất nhiều lần ủy quyền cho các cán bộ thì PV mới tìm gặp được ông Triệu Đình Tâm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Triều.
Theo ông Tâm: "Xã đã nhiều lần cử cán bộ xuống để hướng dẫn cơ sở này làm giấy phép, tuy nhiên không hiểu sao chủ cơ sở đã luôn đưa ra lý do ốm đau và bất hợp tác. Sau nhiều lần như vậy xã đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của cơ sở trên..."
Như vậy có thể thấy, một cơ sở mầm non hoạt động không phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong suốt một thời gian dài có dấu hiệu vi phạm Điều 10, Nghị định 135/2018/NĐ - CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ.
Từ sự việc trên, dư luận không khỏi đặt ra những câu hỏi băn khoăn, một cơ sở giáo dục mầm non có hoạt động "chui" như vậy liệu có đảm bảo về an toàn thực phẩm, sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của trẻ em hay không? Và ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra? Câu hỏi này xin gửi đến chính quyền UBND xã Tân Triều và Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì.
Điều 10, Nghị định 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 quy định về điều kiện thành lập và hoạt động nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập 1. Có giáo viên đạt trình độ chuẩn theo quy định. 2. Có phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em an toàn; diện tích phòng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em bảo đảm ít nhất 1,5 m2 cho một trẻ em; có chỗ chơi, có hàng rào và cổng bảo vệ an toàn cho trẻ em; những nơi có tổ chức ăn cho trẻ em phải có bếp riêng, an toàn; bảo đảm phòng chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có đủ nước sạch dùng cho sinh hoạt và đủ nước uống hàng ngày cho trẻ em. 3. Trang thiết bị đối với một nhóm trẻ độc lập: a) Thiết bị tối thiểu cho trẻ em gồm: Chiếu hoặc thảm ngồi chơi, giường nằm, chăn, gối, màn để ngủ, dụng cụ đựng nước uống, đồ dùng, đồ chơi và giá để, giá để khăn và ca, cốc, có đủ bô đi vệ sinh và tài liệu phục vụ hoạt động chơi và chơi - tập có chủ đích; b) Tài liệu cho người nuôi dạy trẻ em, gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ; sổ theo dõi tài sản của nhóm trẻ; tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ. 4. Trang thiết bị đối với một lớp mẫu giáo độc lập: a) Thiết bị tối thiểu cho trẻ em gồm: Bàn, ghế đúng quy cách cho trẻ em ngồi (đặc biệt đối với trẻ em 05 tuổi): một bàn và hai ghế cho hai trẻ em; một bàn, một ghế và một bảng cho giáo viên; đồ dùng, đồ chơi và giá để; bình đựng nước uống, nước sinh hoạt; tài liệu cho hoạt động chơi và học có chủ đích. Đối với lớp bán trú: Có chiếu hoặc giường nằm, chăn, gối, màn, quạt; b) Tài liệu cho giáo viên mẫu giáo gồm: Bộ tài liệu hướng dẫn thực hiện hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ em; sổ theo dõi trẻ em; sổ ghi chép tổ chức các hoạt động giáo dục của trẻ em trong ngày; tài liệu dùng để phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho cha mẹ. 5. Đối với những nơi mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non chưa đáp ứng đủ nhu cầu đưa trẻ em tới trường, lớp, các cá nhân có thể tổ chức nhóm trẻ nhằm đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em của phụ huynh và phải đăng ký hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã, bảo đảm các điều kiện đăng ký hoạt động như sau: a) Số lượng trẻ em trong nhóm trẻ tối đa là 07 trẻ em; b) Người chăm sóc trẻ em có đủ sức khỏe, đủ năng lực chịu trách nhiệm dân sự và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định; c) Cơ sở vật chất phải bảo đảm các điều kiện tối thiểu như sau: Phòng nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có diện tích tối thiểu là 15 m2; bảo đảm an toàn, thoáng, mát; có đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi của trẻ em; có đủ đồ dùng và các thiết bị phục vụ nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em; có đủ nước uống và nước sinh hoạt cho trẻ em hằng ngày; có phòng vệ sinh và thiết bị vệ sinh phù hợp với trẻ em; có tài liệu hướng dẫn thực hiện chăm sóc, giáo dục trẻ em. |
Nhóm PV