Theo TTXVN, ngày 13/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bổ nhiệm ông Francois Bayrou (73 tuổi) làm Thủ tướng. Chính trị gia này được giao nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị lớn thứ hai trong 6 tháng qua.
Ông Bayrou là thủ tướng thứ ba được bổ nhiệm trong chính quyền của Tổng thống Macron. Nhà lãnh đạo Pháp đưa ra lựa chọn trong bối cảnh áp lực tìm người kế nhiệm cựu Thủ tướng Michel Barnier ngày càng tăng. Hồi tuần trước, ông Barnier để mất vị trí này khi không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của quốc hội do tranh chấp ngân sách.
Cũng theo chủ nghĩa trung dung như ông Barnier, ông Bayrou là cái tên mà giới chính trị và truyền thông Pháp quen thuộc. Ưu tiên của tân Thủ tướng Pháp sẽ là vấn đề ngân sách năm 2025.
Người đứng đầu mới tại Điện Matignon cũng sẽ phải đối mặt với những hồ sơ cấp bách khác trên bàn làm việc, gồm một thỏa thuận không bỏ phiếu bất tín nhiệm, một công việc cần sự tham vấn của các đảng phái từ cánh tả đến cánh hữu, ngoại trừ Đảng tập hợp quốc gia (RN) và đảng Nước Pháp bất khuất (LFI).
Ngoài ra, ông Bayrou sẽ phải quan tâm đến những ưu tiên như cải cách lương hưu và vấn đề nhập cư. Tân Thủ tướng Pháp dự kiến sẽ công bố danh sách bộ trưởng trong nội các của mình trong những ngày tới. Giới phân tích cho rằng, có khả năng ông Bayrou sẽ phải đối mặt với những khó khăn tương tự ông Barnier.
Tình trạng bất ổn chính trị đang âm ỉ của Pháp đã làm dấy lên nghi ngờ về việc liệu ông Macron có hoàn thành nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của mình, kết thúc vào năm 2027, hay không.
Điều này cũng đã làm tăng chi phí vay của Pháp, dự kiến sẽ để lại một khoảng trống quyền lực tại trung tâm châu Âu, ngay khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.
Theo thông tin trên VTC News, trước thông báo bổ nhiệm thủ tướng mới 2 ngày, phát ngôn viên của chính phủ cho biết Tổng thống Macron đang tìm kiếm một thỏa thuận chính trị cho phép ông vừa chỉ định thủ tướng mới vừa "đảm bảo sự ổn định của đất nước".
Tổng thống Macron khẳng định hiện tại không có liên minh chính trị nào "rộng hơn" so với liên minh giữa các đồng minh trung dung của ông và những người bảo thủ từ đảng Cộng hòa, vốn không chiếm đa số tại quốc hội.
Paris trước đó đang xem xét 2 lựa chọn hình thành chính phủ mới. Lựa chọn thứ nhất là tìm cách "mở rộng liên minh", ngụ ý ngoài những người theo chủ nghĩa trung dung và bảo thủ, một số người theo cánh tả có thể tham gia chính phủ. Điều đó có thể giúp chính phủ tương lai chiếm đa số trong quốc hội.
Lựa chọn thứ hai là đạt được thỏa thuận với các đảng đối lập cánh tả để họ cam kết không bỏ phiếu bất tín nhiệm, mặc dù họ sẽ không phải là đảng cầm quyền.
Tổng thống Macron đã và đang có các cuộc đàm phán với các chính trị gia cánh tả và cánh hữu - những người hiện đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực thành lập một chính phủ ổn định hơn.