+Aa-
    Zalo

    Tàn phá vườn quốc gia

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Được thành lập với mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng cùng hệ động thực vật phong phú sinh sống dưới tàn rừng, hiện nay cả nước có 30 Vườn quốc gia.

    Được thành lập với mục đích bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên rừng cùng hệ động thực vật phong phú sinh sống dưới tàn rừng, hiện nay cả nước có 30 Vườn quốc gia nằm rải rác khắp bắc trung nam.
    Tuy nhiên, cũng như hầu hết những khu rừng khác, ngay cả rừng thuộc Vườn quốc gia cũng đang bị tàn phá, xâm hại nghiêm trọng.
    Cạn kiệt tài nguyên
     Theo báo cáo của Tổng cục lâm nghiệp, tại 30 khu Vườn quốc gia được quy hoạch và bảo vệ thì đều xảy ra tình trạng xâm phạm như chặt phá gỗ rừng, săn bắt động vật hoang dã, cháy rừng hay thậm chí là canh tác trong phạm vi rừng. Có thể nói, những vi phạm trên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực vườn quốc gia mà còn ảnh hưởng nhiều đến hệ sinh thái môi trường cũng như những loài động thực vật sinh sống trong đó.
    Theo một những người dân sinh sống ở trong khu vực Vườn quốc gia Cát Tiên, vùng thượng nguồn của sông Đồng Nai thì đây là khu vực vô cùng rộng lớn, được quy hoạch để bảo tồn thiên nhiên và tính đa dạng sinh học cho vùng Đông Nam bộ rộng lớn. Hơn nữa, hệ sinh thái và tính bền vững trong phát triển của vườn quốc gia Cát Tiên cũng ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực sông Đồng Nai dưới hạ lưu. Chính vì ý nghĩa quan trọng đó mà khu vực vườn Cát Tiên được bảo vệ khá nghiêm ngặt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng chặt phá rừng và săn bắt động vật hoang dã diễn khá phổ biến. Hậu quả của tình trạng này là rất nhiều loài động vật quý hiếm ở Cát Tiên đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và nhiều trong số đó đã mãi mãi không còn bao giờ xuất hiện nữa. Điển hình như loài tê giác Java, một trong những loài động vật to lớn cực kỳ quý hiếm trên thế giới cũng đã bị tuyệt chủng ở Việt Nam mà chỉ chừng hơn 30 năm trước, số lượng loài động vật này ở Cát Tiên còn đếm được hàng chục cá thể. Đơn giản hơn nữa chính là loài bò tót, một trong những động vật quý hiếm hiện nay vẫn còn nhiều ở Cát Tiên nhưng theo những chuyên gia môi trường, số lượng của chúng cũng đang giảm rất nhanh, do chết hoặc tự ý di cư đi những vùng rừng núi lân cận. Nguyên nhân chính là việc môi trường sống của chúng đã thay đổi và những cá thể bò tót này buộc phải dịch chuyển đi nơi khác để thích nghi. Ngoài ra, hàng trăm loài động vật và chim cá các loại ở Cát Tiên cũng đã ít xuất hiện đi. Như khu vực Bàu Sấu, một trong những nơi được người dân địa phương cho là có hàng trăm con cá sấu nước ngọt quý hiếm nhưng hiện nay, số lượng của chúng cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
    Vậy nhưng, không chỉ những loài động vật hoang dã ở vườn quốc gia Cát Tiên bị săn bắt, bị tuyệt chủng mà tình trạng này đang xảy ra ở hầu hết các vườn quốc gia khác như vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận), Tràm Chim (Đồng Tháp) hay Mũi Cà Mau (Cà Mau)… Theo đó, với những quy hoạch vụ thể, những vườn quốc tại những địa phương trên không chỉ mang đầy đủ ý nghĩa sinh thái của hệ động thực vật vùng đất đó mà nó chính là nơi để những loài động thực vật đặc trưng nhất ở vùng đất đó sinh sống, cư ngụ. Chính vì vậy, việc săn bắt, khai thác quá mức ở những khu vực trong vườn quốc gia sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái của cả một khu vực rộng lớn xung quanh. Ví dụ như vườn quốc gia Núi Chúa thì có bảo tồn nhiều loài sinh vật trên cạn lẫn biển, như san hô chẳng hạn. Vườn quốc gia Tràm Chim là nơi cự ngụ, sinh sôi của nhiều loài chim quý hiếm hay vườn quốc gia Mũi Cà Mau là nơi bảo tồn, phát triển những loài động thực vật sinh sống trong vùng bán ngập, nhiễm phèn…
    Hơn nữa, không chỉ khai thác, săn bắt động vật hoang dã, nhiều loài gỗ quý hiếm ở khu vực vườn quốc gia cũng bị chặt phá, xâm hại nghiêm trọng. Điển hình như khu vườn quốc gia Bình Châu-Phước Bửu (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu). Được biết, đây là khu vườn quốc gia rộng lớn nằm ở phía bắc của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, giáp ranh với vùng Hàm Tân (Bình Thuận), có nhiều loài gỗ quý hiếm như tràm, trắc, căm-xe… nên luôn được bọn lâm tặc nhòm ngó. Ngoài ra, không như nhiều vườn quốc gia khác nằm ở những địa thế hiểm trở, giao thông khó khăn khiến bọn lâm tặc không thể thực hiện những ý đồ khai thác, vận chuyển gỗ của mình thì ở Bình Châu-Phước Bửu, giao thông quanh vực vườn quốc gia lại rất thuận tiện do có nhiều khu dân cư và cả những tuyến đường quốc lộ đi qua. Cộng thêm với địa bàn rộng lớn, lực lượng kiểm lâm mỏng khiến nhiều cây gỗ quý ở rừng thường xuyên bị chặt phá, khai thác mất. Có thể nói, việc mất đi những loài gỗ quý ở đây không chỉ ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học trong vùng mà còn làm mỏng đi tấm lá chắn phòng hộ bởi nhiệm vụ của vườn quốc gia Bình Châu-Phước Bửu còn là rừng phòng hộ, giúp hàng ngàn hộ dân trong vùng ven biển này chống trả với sự biến đổi ngày càng khắc nghiệt của khí hậu nơi đây.
    Chung tay gìn giữ  
    Có thể nhận thấy ngay rằng, việc chung tay gìn giữ những giá trị của vườn quốc gia chính là việc làm cấp bách, cần thiết để bảo vệ hệ sinh thái rừng cũng như môi trường sống của chính chúng ta. Thế nhưng, do địa hình của hầu hết các vườn quốc gia là vô cùng rộng lớn lại giáp ranh với nhiều địa bàn. Như vườn quốc gia Cát Tiên giáp với cả 3 tỉnh Bình Phước, Lâm Đông, và Đồng Nai nên công tác quản lý, ngăn chặn những vụ tiêu cực cần sự chung tay của nhiều ngành thuộc nhiều địa phương khiến công việc chưa được thực hiện một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, nguyên nhân nữa chính là việc ở hầu hết các khu vực vườn quốc gia luôn có những hộ dân người địa phương sinh sống, săn bắt trong khu vực lân cận, giáp ranh với vườn quốc gia. Vì thế, kẻ gian đã lợi dụng những hộ dân này để thực hiện những ý đồ xấu và làm tình hình diễn biến phức tạp hơn.
    Theo nhiều hộ dân ở khu vực Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắc Lắc) thì nơi đây là vùng đất tập trung rất nhiều loại gỗ quý hiếm, có giá trị cao mà điển hình như loài dổi, pơ-mu, giáng hương… Ngoài ra, Vườn quốc gia Chư Yang Sin còn được coi là vùng đất đa dạng và giàu có nhất ở vùng Tây Nguyên rộng lớn. Vậy nhưng thời gian vừa qua, hàng trăm hộ dân sinh sống ven vườn quốc gia, ở những khu rừng đệm của khu vực này đã tìm cách xâm nhập trái phép vào vườn quốc gia nhằm khai thác, nhiều nhất là gỗ và những loại tài nguyên rừng khác. Điển hình trong tình trạng này là hết sức ồ ạt và tự phát, không có bất cứ sự bảo tồn cũng như gìn giữ nào khiến rừng trong khu vực vườn quốc gia tan hoang, xơ xác. Theo nhiều người dân địa phương, giá trị của nhiều loại gỗ ở Chư Yang Sin lên đến cả tỷ đồng khiến cho hàng trăm lâm tặc bất kể nguy hiểm, tìm mọi cách chặt phá và khai thác khiến lực lượng kiểm lâm cũng gần như bất lực bởi lực lượng ít mà địa bàn lại quá rộng lớn.
     
    Có thể nói, khác với những khu rừng bình thường khác, vườn quốc gia là nơi quy hoạch, bao gồm chủ yếu là rừng cùng một số hệ sinh thái khác là nơi được bảo vệ, gìn giữ nhưng hiện nay, đa phần ở đó cũng bị tàn phá, xâm hại nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ diễn ra ở một vài nơi mà gần như hầu hết các khu vực Vườn quốc gia khiến tình hình trở lên hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới môi trường sống của hàng trăm loài động thực vật mà hầu hết trong đó đều là những loài quý hiếm khiến dư luận khá bức xúc. Vì vậy, bên cạnh việc ban hành những chế tài răn đe đủ mạnh, những khu vực vườn quốc gia này cần tăng cường công tác bảo vệ tuần tra cũng như tuyên truyền tới người dân những lợi ích lâu dài, bền vững của rừng để mọi người cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ. Có thể nói, chỉ khi có sự đồng thuận của những người dân sinh sống ven khu vực vườn quốc gia về công tác bảo vệ, gìn giữ, bảo tồn và phát triển thì những cánh rừng cùng hệ động thực vật khác trong vườn quốc gia mới có cơ hội phát triển bền vững và lâu dài được. Và, đó cũng chính là ý nghĩa tốt đẹp mà các khu vườn quốc gia đang tích cực hướng tới để chúng ta có một môi trường sống bền vững hơn trong tương lai sắp tới.
    Chúng tôi tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về vấn đề môi trường của bạn đọc 24/24h
    Liên hệ: Viện nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội phân viện phía nam
    Địa chỉ: 58 Nguyễn Phi Khanh, Phường Tân Định, Quận 1
    Hotline: 0988.66.66.88 - - 08.6683.7519 
    Đoàn Đại Trí
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tan-pha-vuon-quoc-gia-a70949.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan