+Aa-
    Zalo

    Tan nát vỉa hè Sài Gòn

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đoạn thì nhô lên, đoạn thì “lở loét”, trồi sụt... thậm chí,có những đoạn vỉa hè mới được lát đá granit, đưa vào sử dụng chưa lâu thì đã bị nứt, bể... trông rất nhếch nhác

    (ĐSPL) - Đoạn thì nhô lên, đoạn thì “lở loét”, trồi sụt... thậm chí, có những đoạn vỉa hè mới được lát đá granit, đưa vào sử dụng chưa lâu thì đã bị nứt, bể... trông hết sức nhếch nhác. Nhiều tuyến đường ở TP.HCM, vỉa hè đang như cái áo rách tả tơi.

    “Áo rách”

    Dọc các con đường Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi..., vỉa hè trông hết sức nhếch nhác. Ngoài hàng rong, giữ xe, các quán xá... mọc lên, chiếm dụng vỉa hè, ngăn lối của người đi bộ thì thi thoảng các đoạn vỉa hè này lại bị “rách”. “Thảm hại” nhất là vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, dù ở khu vực trung tâm nhưng vỉa hè vẫn bị “băm nát”.

    Chiều 1/7, PV đi dọc đoạn đường này từ CMT8 đến Đinh Tiên Hoàng thì thấy hai bên có rất nhiều nơi bị trồi sụt, đá lót vỉa hè bay tứ tung. Nặng nề nhất là đoạn từ Trương Định đến Pastuer, nhất là trước cổng trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3).

    Thi công vỉa hè đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Điện Biên Phủ tới Nguyễn Thị Minh Khai).

    Ngồi vá xe tại đây, chú H. cho biết: “Tình trạng vỉa hè bị bong tróc, trồi sụt này đã diễn ra hơn cả năm nay nhưng không thấy ai sửa chữa gì hết. Đã thế người dân lại cứ leo lên vỉa hè mà chạy xe, nhất là giờ cao điểm. Đã có mấy người té ngã vì đá vỉa hè này rồi mà họ vẫn không sợ”.

    Tương tự, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đoạn thuộc phường 8, quận 3 cũng có nhiều nơi bị sụt lún, vỉa hè bong tróc. Ông D., bảo vệ tòa nhà Lotteria trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho biết: “Cái hố sụt này đã tồn tại hơn năm nhưng không thấy ai đến sửa chữa. Người đi bộ không dám bước qua vì sợ nguy hiểm, phải đi xuống dưới lòng đường”.

    Ông D. chỉ cho PV đoạn vỉa hè bị sụt lún trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

    Đường CMT8, đoạn thuộc phường 7, quận 3 có những chỗ vỉa hè bị bong tróc nhưng lâu ngày chưa được sửa chữa. Hay như đường Võ Thị Sáu và Hai Bà Trưng có đoạn vỉa hè bị đào xới tung lên và đã thi công xong nhưng chưa thấy ai đến “vá” lại. Thay vào đó là những tấm ván bằng sắt được dùng để che đậy tạm, làm lối đi cho người dân. “Họ thi công xong đã lâu mà chưa thấy đến làm lại vỉa hè cho chúng tôi buôn bán, làm ăn. Mỗi khi mưa xuống thì dơ bẩn, còn nắng lên thì bụi”, chị Thúy, nhân viên bán hàng của một cửa hàng ở đây bức xúc nói.

    Ngoài những điểm nêu trên, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM còn rất nhiều điểm có vỉa hè bị hư hỏng, lồi lõm, bong tróc, trồi sụt như đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Kiệm, Lê Văn Sỹ... Bên cạnh đó, một số con đường, sau khi có phản ánh mạnh mẽ của người dân thì đã được sửa chữa, trông bớt nhếch nhác hơn như đường Đinh Tiên Hoàng, Ngô Thời Nhiệm và đang thi công như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Điện Biên Phủ tới Nguyễn Thị Minh Khai)...

    Đào lên... để đó

    Theo tìm hiểu của PV thì tình trạng vỉa hè bị bong tróc, trồi sụt... là do nhiều nguyên nhân: Đào vỉa hè thi công điện, nước, cáp...; thi công ẩu; phương tiện leo lên vỉa để đi... Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu nhất chính là do việc thi công các công trình ngầm nhưng sau đó vỉa hè không được trả lại nguyên trạng ban đầu.

    Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Tổng Giám đốc công ty Xây dựng T.T.H cho rằng: “Khi thi công bất cứ công trình gì thì cũng phải trả lại nguyên trạng vỉa hè như lúc mới đào lên. Có một điều hết sức lạ nhưng vẫn được chấp nhận là khi đào lên rồi thì có nơi chỉ cần lấp lại là xong. Hay có nơi lát lại vỉa hè nhưng lại mua loại đá khác trông hết sức buồn cười”.

    Thậm chí, nhiều nơi, sau khi vỉa hè bị hư hỏng thì chính quyền lại đi vận động người dân đóng góp kinh phí để bảo trì, sửa chữa vỉa hè. Bà Nguyễn Thị Lan Hương, một người dân ở quận Tân Bình cho biết: “Tôi đã từng đóng góp cho việc sửa chữa vỉa hè. Tuy nhiên, vỉa hè nhiều nơi vẫn bị hư hỏng, đá văng lung tung”.

    Đoạn vỉa hè Võ Thị Sáu – Hai Bà Trưng đã bị đào xới lên và hiện đang được lót tạm bằng những tấm thép.

    Theo tìm hiểu của PV thì phần lớn các vỉa hè hiện nay đều do các quận, huyện tập trung quản lý. Hàng năm đều có ngân sách cho việc duy tu, sửa chữa vỉa hè nhưng chưa mấy địa phương “chăm lo” cho “con đường cho người đi bộ”. Tuy nhiên, khi PV tìm đến một số quận, phường để tìm câu trả lời thì đa phần đều nhận được câu trả lời: “Lãnh đạo đều đi họp hết”.

    Ông Huỳnh Văn Hòa, Phó Bí thư phường 9, quận 5 cho biết: “Vỉa hè bị hư hỏng, bong tróc là do nhiều nguyên nhân: Xe cộ qua lại, đào thi công các công trình ngầm, nhưng không được trả lại như ban đầu, rồi tình trạng lấn chiếm kinh doanh... Khi còn thời gian bảo hành thì chủ đầu tư sẽ khắc phục, nhưng hết rồi thì nó không còn được sửa chữa nữa”.

    Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM nhận định: Hiện nay, vỉa hè nhiều nơi đang bị xuống cấp, tuy nhiên, cũng nhiều nơi còn tốt. Chủ trương của lãnh đạo TP. là xây dựng lề đường sạch hơn, đẹp hơn cho nên những nơi nào xuống cấp, hư hỏng thì phải sửa chữa, khắc phục và UBND TP. đã có kế hoạch cho việc này.

    THANH TÙNG

    [mecloud]CKb2F7CYCr[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tan-nat-via-he-sai-gon-a138277.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan