(ĐSPL) - Câu chuyện chai nước ngọt có ruồi của công ty Tân Hiệp Phát giá 500 triệu đồng đang trở thành đề tài nóng trong cộng đồng mạng. Thậm chí, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện fanpage "Tẩy chay Tân Hiệp Phát".
Khủng hoảng truyền thông
Fanpage "Tẩy chay Tân Hiệp Phát" được lập từ ngày 31/1, tính đến nay, trang này đã thu hút được gần 6.000 lượt thích. Tại đây, mọi người chia sẻ những thông tin, câu chuyện xung quanh câu chuyện "nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng".
“Không ủng hộ cách làm của Tân Hiệp Phát, một cách hành xử không thể chấp nhận. Rất mong cơ quan chức năng phải điều tra quy trình sản xuất và kinh doanh của công ty này có đúng pháp luật hay không? Tôi tin rằng, công ty không trong sạch. Tôi sẽ tẩy chay sản phẩm của Tân Hiệp Phát ngay từ bây giờ”- một khách hàng bày tỏ thái độ.
Fanpage "Tẩy chay Tân Hiệp Phát" với gần 6.000 lượt thích. |
Một số trang báo còn đưa ra những vụ việc "lùm xùm" của hãng nước giải khát này. Theo đó, một số khách hàng phát hiện côn trùng trong đồ uống và được Tân Hiệp Phát ký cam kết đồng ý trả tiền để mua sự im lặng... nhưng rồi những người này bị "mắc bẫy" phải đối mặt với lao lý, tù tội...
Có thể nói, một hiệu ứng truyền thông đang dần hình thành xung quanh cậu chuyện này, đặc biệt là qua cách hành xử của Công ty TNHH Tân Hiệp Phát.
Là một blogger chuyên theo dõi mảng truyền thông xã hội, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Ngọc Long cho rằng, thương hiệu Tân Hiệp Phát đang được nhắc đến nhiều nhưng gần như là toàn trên khía cạnh xấu, tiêu cực nhiều hơn tích cực. Cho nên nếu thực sự đây là một chiêu PR của Tân Hiệp Phát thì họ đã thất bại.
"Công ty Tân Hiệp Phát đang có một cuộc khủng hoảng truyền thông “nhẹ” trên báo chí và khủng hoảng “nặng” trên mạng xã hội", anh Long nói.
Tân Hiệp Phát đứng về phía người tiêu dùng?
Trước những phản ứng của người tiêu dùng, cộng đồng mạng, đại diện của Tân Hiệp Phát cho hay, câu chuyện "chai nước ngọt có ruồi giá 500 triệu đồng" là điều ngoài ý muốn của công ty.
Cụ thể, trên ANTT, vị này khẳng định: "Quá trình sản xuất nước ngọt của Tân Hiệp Phát được áp dụng theo quy trình khép kín của Châu Âu. Do vậy, sẽ không thể có tình trạng có côn trùng trong nước uống được.
Trường hợp của anh Võ Văn Minh (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) doanh nghiệp cũng đã có thỏa thuận trước đó nhưng anh Minh vẫn muốn Tân Hiệp Phát “chi” nửa tỷ để giữ trong im lặng. Việc phải báo cơ quan điều tra là điều mà doanh nghiệp “không mong muốn”. Phương châm của doanh nghiệp luôn đứng về phía khách hàng trong mọi trường hợp để phục vụ".
Anh Minh bị bắt cùng tang vật vụ án. Ảnh Pháp luật TP HCM. |
Trước đó, như tin tức đã đưa, ngày 3/12/2014, Minh phát hiện con ruồi trong chai nước Number one của Công ty Tân Hiệp Phát khi bán cho khách. Nổi lòng tham, Minh giữ lại chai nước rồi gọi điện cho doanh nghiệp yêu cầu cử đại diện xuống miền Tây thương lượng.
Trong lần gặp đầu tiên, Minh yêu cầu phía công ty phải đưa cho Minh 1 tỷ đồng nếu không sẽ đưa cho báo chí đăng và in 5.000 tờ rơi phát tán. Sau ba lần thương lượng có lập biên bản, Minh đã đồng ý “hạ giá” xuống còn 500 triệu đồng.
Tới chiều ngày 27/1, Minh hẹn gặp đại điện Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè, trong lúc nhận 500 triệu đồng thì bị trinh sát Phòng CSHS Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.
Hiện, công an tỉnh Tiền Giang đã có quyết đinh khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Võ Văn Minh, ngụ huyện Cái Bè về hành vi "cưỡng đoạt tài sản".