+Aa-
    Zalo

    Tận cùng nỗi đau của hai người đàn bà có con, cháu chết oan uổng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Khi bà ngoại bán nhà, chuyển đến nơi mới sinh sống, Tr. vẫn hoài niệm về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Vì trở lại thăm chốn cũ, Tr. đã phải bỏ mạng một cách oan uổng.

    (ĐSPL) - Mẹ Tr. là một người bị bệnh thần kinh. Bản thân Tr. là “sản phẩm” của một vụ hãm hiếp. Bất hạnh hơn, khi lớn lên, Tr. cũng có dấu hiệu tâm thần giống mẹ mình. Tuy nhiên, Tr. vẫn có những phút giây tỉnh táo, có thể phụ giúp bà ngoại làm việc. Khi bà ngoại bán nhà, chuyển đến nơi mới sinh sống, Tr. vẫn hoài niệm về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Vì trở lại thăm chốn cũ, Tr. đã phải bỏ mạng một cách oan uổng.

    Vụ án mạng kinh hoàng

    Sáng 16/1/2014, anh Võ Đức D. (phường Tự Tập, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) ngủ dậy, hoảng hồn phát hiện người bạn được mình cho ở nhờ đã tử vong trên vũng máu. Nhận được thông tin, công an tỉnh đến khám nghiệm hiện trường, thu giữ một con dao, nghi là hung khí vụ án. Nạn nhân được xác định là anh Phan Hữu Tr. (SN 1985). Trên thi thể nạn nhân có tổng cộng 13 vết chém. Trong đó, ở mặt có 5 vết chém, vùng đầu và cổ có 8 vết chém.

    Anh D. khai nhận, mình và Tr. không có mối quan hệ máu mủ. Cách đây hơn một tháng, thấy anh Tr. hiền lành, dễ thương lại bị bệnh tâm thần nên anh cho về ngủ nhờ. Cách đó mấy ngày, trong lúc trò chuyện, anh Tr. có khoe mới nhận lương được một triệu đồng. Anh trích tiền ra mua một chiếc điện thoại di động hết 400 nghìn đồng. Tuy nhiên, tại hiện trường, cơ quan công an không phát hiện số tiền còn lại cũng như chiếc điện thoại Tr. mới mua.

    Cơ quan công an khoanh vùng đối tượng tất cả các thanh niên có biểu hiện nghi vấn tại địa phương. Trong lúc điều tra, cơ quan công an nhận được một thông tin đặc biệt quan trọng: Trưa 15/1/2014, Y Jon Ny Ksơr (SN 1980, phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột) có đến nhà anh D. chơi, rồi ngồi nhậu cùng anh Nguyễn Hữu L., vốn là vệ sỹ của một công ty. Đến 14h, anh L. đi làm và Y Jon tiếp tục ra Hoa viên TP.Buôn Ma Thuột ngồi nhậu với một số người bạn. Khoảng 19h30’, Y Jon bỏ về trong tình trạng say xỉn. Thế nhưng, khoảng 21h, Y Jon trở ra và cho các bạn nhậu hay: “Tao giết thằng Tr. rồi”. Lúc này, mọi người cứ ngỡ hắn nói đùa nên chỉ cười.

    Trích xuất lý lịch, từ năm 2003 đến 2008, Y Jon đã có ba tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản. Hiện, hắn đang sống với ông bà ngoại. Khi cơ quan công an đến, người thân cho biết hắn không có nhà. Tuy nhiên, em gái của hắn xác nhận, khoảng 21h30 tối 15/1, Y Jon về trong tình trạng say xỉn và hơi hoảng hốt. Lúc đó, Y Jon đi tắm rửa, thay áo quần và có cho em gái 140 nghìn đồng. Trước khi bỏ đi, Y Jon còn bảo, nếu có ai hỏi thì phải nói là hắn đi Vũng Tàu làm việc rồi.

    Tội ác trời không dung

    Từ những thông tin thu thập được, Y Jon được xem là nghi can chính của vụ án. Qua những thông tin bí mật, công an xác định, thực ra, Y Jon không về Vũng Tàu mà trốn ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Chiều 17/1, gần chục điều tra viên mặc thường phục bí mật đến khu vực hắn đang lưu trú. Khi thời cơ đến, công an ập vào bắt giữ hắn. Lúc này, hắn tỏ ra khá bất ngờ, hét lớn: “Tôi có làm gì đâu mà bị bắt”.

    Sau khi bị bắt, Y Jon bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt án tử hình về hai tội giết người, cướp tài sản. Ngay sau đó, hắn viết đơn kháng cáo xin giảm án. Trong đơn, hắn viết: “Lúc đó, tôi say rượu nên không thể điều khiển được hành vi của mình. Tôi không có ý định giết anh Tr....”. Hắn cũng cho biết rất hối hận và mong muốn được nhận sự khoan hồng của pháp luật.

    Ngày 8/12/2014, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng mở phiên tòa phúc thẩm xét xử Y Jon. Sau vành móng ngựa, hắn khai nhận, ngày 15/1, sau khi nhậu tại nhà anh D., hắn đi nhậu tăng hai với một số người bạn. Đến 20h, hắn quay về nhà anh D. rồi lấy củi đốt ở góc sân để sưởi ấm. Lúc này, anh Tr. đi làm về, miệng lẩm bẩm điều gì đó. Hắn tưởng anh Tr. chửi mình nên dẫn đến cự cãi. Bực tức, hắn vào nhà lấy một con dao.

    Bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm.

    Khi bước ra, thấy anh Tr. đang nghe điện thoại, hắn vung dao chém nhiều nhát, khiến nạn nhân gục ngã ngay tại chỗ. Thấy anh Tr. đã chết, Y Jon cầm dao vào nhà rửa rồi cất vào chỗ cũ. Một lúc sau, hắn nhớ lại, vào buổi trưa, anh Tr. có khoe mới nhận tiền lương, liền chạy đến chỗ nạn nhân nằm, lục túi, lấy được 682 nghìn đồng. Nhìn thấy chiếc điện thoại, hắn “cầm” luôn.

    Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX nhận định, hành vi của Y Jon là đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì một chút mâu thuẫn nhỏ, bị cáo đã dùng dao sát hại nạn nhân. Ngay sau khi gây án, bị cáo lại phạm thêm trọng tội khác là cướp tài sản. Mặc dù bị cáo là người dân tộc thiểu số nhưng nhân thân quá xấu. Gia đình bị cáo lại chưa bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại. Mặc dù kháng cáo xin giảm án, nhưng bị cáo lại không đưa ra được tình tiết nào mới. Từ những điều này, tòa phúc thẩm nhận thấy bị cáo không còn khả năng cải tạo nên bác đơn kháng cáo, tuyên y án tử hình đối với Y Jon.

    Những giọt nước mắt đớn đau

    Sau phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi trở lại thăm gia đình anh Tr.. Trong căn nhà nhỏ, hai người phụ nữ ngồi thẫn thờ, không ai nói với ai một lời. Bà Nguyễn Thị T. (SN 1953) cho biết mình là bà ngoại của Tr. và người phụ nữ còn lại là con gái bà và cũng là mẹ của nạn nhân. Gạt qua nỗi đau, giọng run rẩy, bà tâm sự với PV về những biến cố của gia đình mình.

    Di ảnh nạn nhân.

    Quê bà T. ở tỉnh Bình Định. Vì hoàn cảnh khó khăn, năm 1968, bà dắt díu 10 người con lên tỉnh Đắk Lắk với hy vọng thay đổi số phận. Vốn cần cù, không quản khó nhọc, cuộc sống của gia đình cũng được cải thiện đôi phần. Tuy nhiên, trong lòng bà luôn đau đáu vì cô con gái thứ năm là Phan Thị Anh Ng. bị bệnh tâm thần bẩm sinh. Bà cảm thấy có lỗi với người con này vì nhà nghèo quá, chưa một lần đưa Ng. đi khám, chữa bệnh.

    Năm 24 tuổi, Ng. bị một người đàn ông hãm hiếp. Vô cùng căm phẫn, bà T. từng nghĩ đến chuyện kiện tụng, thậm chí phá bỏ cái thai. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ càng, bà T. quyết định để cho con gái dưỡng thai và sinh con. Hôm Ng. sinh con, bà mừng lắm vì ngỡ, từ đây đứa con gái ngơ ngẩn của mình sẽ có người chăm sóc khi về già.

    Thế nhưng, niềm mong mỏi của bà cứ vơi dần theo năm tháng. Càng lớn, Tr. càng ngờ nghệch, giống hệt mẹ. Bà T. tự an ủi, dù cháu trai có phần khờ dại, nhưng lại rất hiền lành, bất kể bà nói gì, Tr. cũng vâng lời. Thương cháu, bà dồn hết mọi tình cảm vào đứa cháu không may này.

    Video tham khảo:

    Nỗi đau tai nạn giao thông có thể gọi tên bất cứ ai

    Cách đây chừng chục năm, chồng bà T. bị tai biến mạch máu não rồi liệt, chỉ nằm một chỗ. Vài năm sau, cô con gái thứ sáu cũng mắc phải chứng bệnh này. Một mình bà T. phải mưu sinh, bươn chải lo lắng nuôi 4 người bệnh. Lúc này, Tr. dù ngơ ngẩn, nhưng vẫn lên rừng kiếm củi, phụ giúp bà ngoại. Chồng mất, bà T. rất buồn. Tuy nhiên, nhìn lại hai đứa con cùng đứa cháu bệnh tật, bà gắng gượng vượt qua nỗi đau.

    Cuối năm 2013, bước vào đường cùng, bà T. đắn đo suy nghĩ mãi và cuối cùng quyết định bán căn nhà lớn rồi mua một mảnh đất nhỏ hơn cất căn nhà sống tạm bợ. Trong khoảng thời gian này, Tr. hay có thái độ lạ, lúc nào cũng trong trạng thái thấp thỏm, đi ra, đi vào. Nhiều lần bà hỏi có chuyện gì nhưng Tr. không nói. Về sau, Tr. bỏ nhà đi, tìm về căn nhà cũ. Tuy nhiên, lúc này, căn nhà ấy đã có người khác sở hữu. Hàng xóm thấy Tr. trở về thì thương cảm, họ lấy tiền, cơm cho Tr. ăn.

    Chủ một cửa hàng bán đồ ăn thấy vậy liền thuê anh Tr. rửa chén bát thuê. Riêng anh D. thì cho Tr. ngủ nhờ ở nhà mình. Lúc bà T. đi tìm, thấy cháu trai như vậy thì cũng mừng. Do đó, bà để cho cháu đi làm và không quên dặn phải giữ gìn sức khỏe. Từ đó, Tr. chưa một lần trở về thăm gia đình. “Tôi không thể ngờ, đó là lần gặp gỡ, trò chuyện cuối cùng của bà cháu tôi”, bà T. rấm rức nói.

    Suy sụp tinh thần

    Trước đây, sức khỏe bà T. khá tốt, vẫn có thể lao động mưu sinh. Tuy nhiên, sau khi Tr. mất, vì quá đau khổ, sức khỏe của bà yếu dần. Giờ, bà chỉ ở nhà, thỉnh thoảng phụ giúp công việc cho mọi người. Nhìn sang cô con gái tâm thần, bà thở dài: “Dù nó khùng, nhưng từ khi biết con trai chết đến nay nó cũng buồn. Nhiều lần, nó nhìn lên di ảnh của con trai rồi ngồi khóc. Tôi khuyên thế nào cũng không được...”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tan-cung-noi-dau-cua-hai-nguoi-dan-ba-co-con-chau-chet-oan-uong-a76726.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan