Sau khi vào TP.HCM, Mẽ đã tập hợp đàn em lập ra nhiều trang trên mạng xã hội rồi rao thông tin cho vay tiền. Sau khi những người nhẹ dạ vay tiền, Mẽ và đàn em trở mặt, uy hiếp kéo lãi suất lên cao từ 20-45%. Con nợ nào không trả đúng thời hạn gốc, lãi thì bị đàn em của Mẽ tìm đến tận nhà để uy hiếp, thậm chí lấy tài sản để cấn nợ.
Đối tượng Mẽ. |
Đường dây vay lãi “cắt cổ”
Vừa qua, lãnh đạo cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM xác nhận, đơn vị này vừa triệt phá thành công một băng nhóm giang hồ chuyên cho vay nặng lãi và tấn công “con nợ” nếu chậm trễ trả tiền. Công an hiện đã bắt giam các đối tượng gồm: Nguyễn Bá Mẽ (SN 1987, quê tỉnh Bắc Ninh), Trần Tuấn Anh (SN 1987), Phạm Văn Hùng (SN 1998), Trần Văn An (SN 1998), Vũ Huy Hoàng (SN 1997, cùng quê tỉnh Thái Nguyên) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo thông tin từ lãnh đạo Đội 4, Đội 8, phòng Cảnh sát Hình sự (PC02 Công an TP.HCM), cuối năm 2019, lãnh đạo Công an TP.HCM thường xuyên chỉ đạo lực lượng PC02 tăng cường kiểm soát tình hình cho vay tín dụng trên địa bàn. Trong đó nhiều băng nhóm, đối tượng cộm cán đã bị PC02 triệt phá thành công.
Từ nhiều kênh thông tin, các trinh sát PC02 phát hiện, từ đầu năm 2020 có 1 nhóm đối tượng thường xuyên quảng cáo trên Facebook với tên “tiêu dùng 4.0” chuyên cho vay tiền.
Qua theo dõi, công an ghi nhận, để vay được tiền, người dân phải liên hệ qua số điện thoại trên Facebook, hoặc qua tin nhắn. Sau đó, nhóm đối tượng sẽ yêu cầu người dân đến 1 địa điểm nhất định để nhận tiền. Người vay tiền phải cầm theo giấy tờ tuỳ thân để thế chấp. “Con nợ” còn phải viết giấy biên nhận vay tiền và cam kết trả lãi cho nhóm đối tượng.
Từ những thông tin thu thập được, các trinh sát thuộc Đội 4, Đội 8, phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM đã dần tiếp cận được những đối tượng trong đường dây trên. Người cầm đầu là Nguyễn Bá Mẽ. Ngoài Mẽ còn có Trần Tuấn Anh, Phạm Văn Hùng, Trần Văn An và Vũ Huy Hoàng.
Mẽ cùng đàn em. |
Sử dụng ma tuý, “hàng nóng” tấn công con nợ
Sau khi xác định được các đối tượng, cơ quan công an nhanh chóng lần tìm “đại bản doanh” của họ tại tiệm cầm đồ 399 tại địa chỉ 399 đường Trần Văn Giàu, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Khoảng 19h30 ngày 17/4, cơ quan điều tra kiểm tra hành chính tiệm cầm đồ tại 399 Trần Văn Giàu tìm thấy hàng trăm bộ hồ sơ cho vay.
Tại cơ quan điều tra, Mẽ khai cuối năm 2019, Mẽ cùng người tên A. (chưa rõ danh tính - PV) góp vốn mở dịch vụ cầm đồ để hoạt động cho vay nặng lãi với lãi suất từ 20 - 45%/tháng. Để hoạt động, Mẽ tuyển thêm 4 nhân viên là Tuấn Anh, Hùng, An, Hoàng. Riêng A. ít xuất hiện ở tiệm cầm đồ.
Tuấn Anh, Hoàng, Mẽ có nhiệm vụ tư vấn cho khách hàng vay tiền trực tiếp, xác minh nhà và đưa tiền cho khách. Còn An và Hùng đi thu tiền hàng ngày rồi về giao cho Hoàng, Mẽ ghi sổ. Mẽ trả lương cho Tuấn Anh 15 triệu đồng/tháng, Hoàng, An, Hùng 10 triệu đồng/tháng.
Trong quá trình cho vay, nếu con nợ nào chậm trả hoặc có ý định xù nợ thì Mẽ sẽ cử đàn em đến nhà chửi bới đe dọa và thách thức. Thậm chí nhóm này còn tấn công nạn nhân nếu kháng cự. Không ít nạn nhân bị mất tài sản vì bị nhóm này cấn nợ.
Hung khí của nhóm giang hồ cho vay nặng lãi. |
Qua rà soát cơ quan điều tra tìm thấy 159 bộ hồ sơ cho vay, sổ sách tại tiệm cầm đồ thu chi lên đến 21 tỷ đồng. Điều tra mở rộng, công an tìm thấy 2 túi nilon chứa 256 viên ma tuý tổng hợp và khẩu súng Rulo màu trắng bắn đạn cao su, 3 áo giáp, 13 mã tấu.
Mẽ khai mua ma túy của người quen với giá 60 triệu đồng rồi giấu ở phòng ngủ và xe máy trong tiệm cầm đồ để sử dụng. Riêng khẩu súng, Mẽ khai mua trên mạng với giá 20 triệu đồng. Đối tượng khai nhận sau khi Nam tiến, thấy nghề cho vay nặng lãi nhanh ra tiền nên tổ chức nhóm cho vay trên.
Theo cơ quan điều tra, băng nhóm này hoạt động từ 1 năm trước. Trong thời điểm dịch covid-19, người dân về quê thì nhóm này cũng chuyển ra Bắc. Tuy nhiên, nhận thấy nhu cầu người dân cần vay tiền quá cao nên chúng quay vào TP.HCM tiếp tục hoạt động. Cảnh sát cũng thông báo A. và những người liên quan đến băng nhóm trên nhanh chóng đến đầu thú để nhận sự khoan hồng của pháp luật. |
PHÙNG SƠN
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí Đời sống & Pháp luật số thứ 7 (19)